UBND huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã tạm đình chỉ Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú để phục vụ công tác xác minh, làm rõ sự việc liên quan đến vụ nữ giáo viên bị học sinh ép vào tường rồi văng tục.
Liên quan đến vụ nhóm học sinh gây rối, xúc phạm giáo viên xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, xã Văn Phú, UBND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã có quyết định về việc tạm đình chỉ chức vụ và công tác đối với ông Nguyễn Duy Sáng, Hiệu trưởng nhà trường. Thời hạn tạm đình chỉ là 15 ngày, kể từ ngày 7/12.
Theo quyết định này, việc đình chỉ chức vụ và công tác để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh làm rõ sự việc liên quan đến công tác quản lý giáo viên, học sinh của trường.
Trong thời gian ông Nguyễn Duy Sáng bị tạm đình chỉ chức vụ và công tác, ông Lê Minh Quảng, Phó Hiệu trưởng nhà trường sẽ chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của Trường THCS Văn Phú theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cũng liên quan đến vụ việc, trước đó (ngày 5/12), Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo, giao trách nhiệm cho UBND huyện Sơn Dương phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Đoạn video ghi lại cảnh một nữ giáo viên bị nhóm học sinh lớp 7 dồn vào góc lớp đã gây nhiều bức xúc. Sự việc được cho là xảy ra ở một trường THCS tại Sơn Dương, Tuyên Quang.
Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường quản lý, đánh giá giáo viên; xây dựng đội ngũ nhà giáo; thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tăng cường kỷ cương trường học, xây dựng văn hóa học đường; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai ở các cơ sở giáo dục; phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, cơ quan, tổ chức có liên quan trong quản lý, giáo dục học sinh.
Công an tỉnh chỉ đạo theo dõi nắm tình hình, làm rõ nguyên nhân sự việc; bảo đảm ổn định dư luận xã hội; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo, giao trách nhiệm Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Tân Trào, UBND các huyện, thành phố tích cực tuyên truyền, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy định về đạo đức nhà giáo theo đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không để xảy ra việc vi phạm.
Ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống vi phạm về đạo đức nhà giáo; thường xuyên rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm về đạo đức nhà giáo theo đúng quy định của pháp luật.
Nữ giáo viên Phan Thị H. cho biết, bản thân cô đang cảm thấy rất buồn. Nói về vụ việc xảy ra ngày 29/11, cô H. đượm buồn tâm sự: “Đây không phải lần đầu tiên các học sinh có hành động khiêu khích, có lời lẽ trêu tức tôi. Những lần trước tôi đều đã báo cáo với lãnh đạo nhà trường nhưng không được giải quyết”.
Thực tế, sự việc này Ban giám hiệu và Chủ nhiệm lớp đều nắm được tình hình từ lâu. Tuy nhiên, khi giáo viên bị các học sinh chế giễu, gây áp lực lại không có động thái nào. “Nhiều lần tôi ý kiến, chính lãnh đạo trường còn trực tiếp đe dọa "nếu báo cáo nữa sẽ xử lý tôi", cô H. nói. Cũng theo cô H., những hành vi chế giễu, sỉ nhục cô xảy ra thường xuyên, nhưng các em học sinh đó vẫn được hạnh kiểm tốt nên các em càng lấn tới. Cô H. còn nhắc tới nội bộ nhà trường với nhiều người không thích cô do cô thẳng tính.
Có lẽ rằng, sau sự việc này tại Sơn Dương- Tuyên Quang, ngành giáo dục tỉnh cũng như ngành giáo dục của chúng ta cần có “liều thuốc” đặc trị mạnh hơn Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT để “uốn”, “nắn” những học sinh cá biệt. Thêm vào đó gia đình, xã hội cũng cần nghiêm túc nhìn nhận, hãy trao lại “quyền” giáo dục, dạy bảo, uốn nắn cho các thầy cô giáo, không quá nuông chiều, “bao bọc” con cái quá mức, bởi gia đình là nền tảng phát triển giáo dục của trẻ. Đặc biệt hơn nữa, công tác quản lý mạng xã hội hơn lúc nào hết cần được kiểm soát chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn.