Sáng 25/4, tại TAND TP. Hải Phòng, Cụm thi đua số I TAND đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2020–2025.
Cụm thi đua số I bao gồm các TAND của 6 thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế với 25 Toà chuyên trách, 18 đơn vị cấp phòng, 92 TAND cấp huyện.
Đây là những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn, nơi có khối lượng công việc ngành Tòa án chiếm tỷ trọng cao, với yêu cầu nghiệp vụ ngày càng khắt khe. Trong bối cảnh đó, công tác thi đua, khen thưởng được xác định là động lực quan trọng thúc đẩy toàn hệ thống phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong suốt giai đoạn 2020–2025, các đơn vị trong Cụm đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Vì công lý”, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng xét xử và hiệu lực thi hành án.
Toàn Cụm đã giải quyết, xét xử hơn 756 nghìn vụ việc trên tổng số hơn 808 nghìn vụ thụ lý, đạt tỷ lệ giải quyết 93,6%. Tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan chỉ chiếm 0,7% thấp hơn nhiều so với yêu cầu của Tòa án nhân dân tối cao.
Đặc biệt, các đơn vị đã xét xử nghiêm minh nhiều vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng như vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Công ty AIC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC; Vạn Thịnh Phát… theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng tiêu cực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng địa phương và của cả nước, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.
Cụm thi đua số I còn tiên phong trong đổi mới hoạt động xét xử với hơn 10.000 phiên tòa rút kinh nghiệm được tổ chức, trong đó nhiều phiên được truyền hình trực tuyến đến hàng chục đơn vị trực thuộc. Công tác công khai bản án và ứng dụng “Trợ lý ảo” cũng được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao tính minh bạch và chất lượng giải quyết án.
Công tác chuyển đổi số tại các đơn vị trong Cụm có nhiều chuyển biến tích cực. TAND TP. Hồ Chí Minh xây dựng thành công mô hình “Phòng xử án điện tử”, phần mềm quản lý thi hành án, phần mềm theo dõi hòa giải... Trong khi đó, TAND TP. Hải Phòng triển khai mã QR để hỗ trợ người dân tiếp cận thủ tục tố tụng, được lãnh đạo thành phố ghi nhận và khen thưởng.
Việc xét xử trực tuyến được thực hiện bài bản, với hơn 17.000 phiên tòa được tổ chức theo đúng quy định pháp luật. Trong đó có phiên xét xử trực tuyến vụ án đăng kiểm xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam và 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng với hơn 250 bị cáo. Đây là bước đột phá trong tiến trình xây dựng Tòa án điện tử, phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.
Giai đoạn 2020–2025, các đơn vị trong Cụm đã tích cực phát hiện, bồi dưỡng và tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật. Nhiều hoạt động giao lưu điển hình tiên tiến được tổ chức như tại Hải Phòng, Huế..., góp phần lan tỏa những kinh nghiệm quý, cách làm hay trong toàn ngành.
Phong trào thi đua gắn liền với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, từ thiện xã hội và các cuộc vận động lớn do Trung ương, Chính phủ phát động. Tiêu biểu như phong trào “Cán bộ, công chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; biên soạn ấn phẩm “Lịch sử TAND TP. Hải Phòng giai đoạn 1945-2025” hay các hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống TAND (13/9/1945 – 13/9/2025).
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thi đua khen thưởng tại một số đơn vị vẫn còn những hạn chế như: tỷ lệ giải quyết một số loại án còn chưa cao, nhất là án dân sự, kinh doanh thương mại; việc phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến chưa thường xuyên; năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua còn chênh lệch.
Cụm thi đua số I đề ra phương hướng khắc phục cụ thể: tăng cường bồi dưỡng cán bộ thi đua – khen thưởng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới phương pháp tổ chức phong trào thi đua; thực hiện tốt việc tuyên truyền, nhân rộng gương điển hình tiêu biểu; gắn thi đua với kỷ cương, đạo đức công vụ và trách nhiệm người đứng đầu.
Trong giai đoạn 2025–2030, Cụm thi đua số I tiếp tục triển khai các phong trào thi đua với nội dung cụ thể, thiết thực, gắn chặt với nhiệm vụ chính trị và yêu cầu cải cách tư pháp. Trọng tâm là nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan sai; xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, bản lĩnh, tinh thông nghiệp vụ; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước gắn với các ngày lễ lớn và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Cụm cũng kiến nghị TANDTC tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ thi đua, khen thưởng; phân bổ thêm cờ thi đua để kịp thời động viên các tập thể xuất sắc.
Tại Hội nghị, Cụm thi đua số I đã thống nhất suy tôn 8 tập thể được đề nghị khen thưởng Cờ thi đua Toà án nhân dân giai đoạn 2020-2025, gồm: TAND quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh; TAND quận Long Biên, TP. Hà Nội; TAND quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội; TAND quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng; TAND quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng; TAND quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ; TAND TP. Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng; TAND huyện Phú Lộc, TP. Huế.
Đối với cá nhân được đề nghị tiêu biểu giai đoạn 2020-2025, gồm các đồng chí: Nguyễn Xuân Kỳ, Chánh án TAND TP. Hà Nội; Đào Sỹ Hùng, Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội; Hoàng Ngọc Hạnh, Chánh án TAND quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ; Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự, TAND TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Ngọc Nam, Chánh án TAND huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.
Với tinh thần “Vì công lý”, Cụm thi đua số I TANDTC tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, là lực lượng nòng cốt, gương mẫu trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của ngành Tòa án nhân dân trong thời kỳ mới.