Năng suất lao động và việc thay đổi tư duy

Trung Nguyễn| 25/01/2018 10:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một số liệu đáng quan tâm vừa được Tổng cục Thống kê công bố là năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động).

Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm.

Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, mức năng suất của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào. Đặc biệt, Tổng cục Thống kê còn đưa ra cảnh báo chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng…

Năng suất lao động và việc thay đổi tư duy

Theo các chuyên gia, nếu chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6%/năm thì ước tính Việt Nam phải mất gần 20 năm nữa mới đạt mức thu nhập bình quân đầu người của Malaysia năm 2010 và hơn 10 năm nữa mới bằng Thái Lan năm 2010.

Một trong các lý do khiến tăng trưởng của Việt Nam thấp, theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là bởi năng suất lao động của Việt Nam còn quá khiêm tốn. Nếu tình trạng này không cải thiện mạnh, Việt Nam khó có thể đuổi kịp và thu hẹp khoảng cách với các nước khác. Tăng trưởng GDP phải đạt 7%/năm hoặc cao hơn mới thu hẹp được khoảng cách về năng suất lao động và phát triển với các nước.

Các chuyên gia cảnh báo, với tốc độ tăng năng suất như hiện nay, Việt Nam khó có thể duy trì được đà tăng trưởng nhanh để theo kịp quỹ đạo phát triển của những nước như Hàn Quốc và Singapore.

Để tăng năng suất lao động, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần giảm các rào cản đối với việc chuyển từ sản xuất giá trị thấp, kể cả gạo, sang sản xuất có giá trị cao hơn; để cho các doanh nghiệp hoạt động kém phá sản, bao gồm cả DNNN.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đáng kể cải cách để xây dựng, củng cố thể chế thị trường hiệu quả nhằm nâng cao tốc độ tăng năng suất. Trong quá trình này, cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí, nhưng đồng thời cũng nâng cao hiệu quả thị trường để tăng cường phân bổ nguồn lực.

Đồng thời, cần tăng cường chính sách về cạnh tranh để bảo đảm sân chơi minh bạch, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Một vấn đề cần thay đổi là tư duy, tầm nhìn về chất lượng lao động. Lâu nay chúng ta thường coi lao động giá rẻ là lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư. Tuy nhiên hiện nay xu thế này đã bị coi là lạc hậu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Bởi vậy, việc đầu tư cho đào tạo nguồn lao động chất lượng cao cũng là giải pháp cho bài toàn nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năng suất lao động và việc thay đổi tư duy