Rất nhiều thông tin phản ánh với báo chí về việc người dân bị “điện giật” bổ ngửa vì tiền điện theo giá mới cao đột biến so với mức tăng bình quân 8,36% như công bố của Bộ Công Thương.

Lời ta thán đã đến tai Chính phủ, và Thủ tướng đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng, sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.

Thì ra, ngành điện đã tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 8,36%, lên mức 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Theo công bố, với việc điều chỉnh tăng  giá này, tiền điện chỉ phải trả thêm của mỗi hộ gia đình chỉ từ 7.000 đồng đên 77.200 đồng một tháng nếu sử dụng dưới 400 kWh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì với Quyết định 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, ngành điện sử dụng "đơn giá điện bình quân" để định giá điện bán lẻ. Giá điện "bình quân" - thuật ngữ ngành điện đang dùng thực chất là giá điện cơ sở để ngành điện tính toán để phân bổ giá điện bán lẻ cho khối sản xuất, sinh hoạt, hành chính.

“Điện giật”

Vậy là "giá điện trung bình" và "giá điện bình quân" hoàn toàn khác nhau. Khi EVN thông báo tăng giá điện bình quân lên 8,36%, họ sử dụng giá điện bình quân mới để so sánh với giá điện trung bình của các nước và lý lẽ rằng giá điện của Việt Nam đang ở mức rất thấp và cách so sánh với giá điện trung bình của các nước là rất khập khễnh.

Ngôn từ và cách thức truyền tải thông tin của ngành điện đến người dân đã không đầy đủ, chính xác, dẫn đến cách hiểu không thống nhất giữa hai bên: người bán điện và người mua điện. Chính vì sự thiếu rõ ràng này, nhiều người dân bức xúc vì EVN "nói một đằng, tăng một nẻo". Đó là lý do quan trọng khiến người dùng điện bất bình.

Đáng quan ngại là với cách làm như vậy, Bộ Công Thương mới  đề xuất đưa thông tin điều chỉnh giá điện vào danh mục thông tin “mật". Việc này trái với quy định trong Luật Điện lực mà mục tiêu là xây dựng thị trường điện lực bảo đảm tính công bằng, minh bạch. Đề xuất này đi ngược lại tinh thần nỗ lực cải cách thể chế, nâng cao sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ.

Điều chỉnh giá điện khiến tiền điện tăng như “điện giật” nhưng các quan chức Bộ Công Thương vẫn quả quyết rằng biểu giá điện mới sẽ giúp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo vì người nghèo sử dụng điện dưới 100 kWh, sẽ được hưởng mức giá ưu đãi. Thang bậc giá điện cũng là công cụ để giúp người dân tiết kiệm trong sử dụng vì càng dùng nhiều phải trả giá càng cao.

Tư duy này tỏ ra lỗi thời vì nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, lượng điện tiêu dùng ngày càng tăng lên. Theo số liệu thống kê của chính EVN, năm 2014, số hộ dùng điện dưới 50 kWh/tháng là 21%, tương ứng 4,41 triệu hộ thì đến năm 2018,  giảm còn 15,5%, tương đương 4,03 triệu hộ.

Ngược lại, năm 2017, có 78% số hộ dùng dưới 200 kWh/tháng thì năm 2018 giảm xuống còn 19,8 triệu hộ. Trong khi đó số lượng dùng trên 200 kWh/tháng đã là 8,1 triệu hộ…Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng điện của toàn xã hội ngày càng tăng cao, tập trung ở mức 200-300 kWh/tháng nên cần phải nghiên cứu thay đổi lại các thang bậc tính giá điện sao cho hợp lý.

Đừng để khách hàng-“Thượng đế” bị “điện giật”!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Điện giật”