Quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

Phương Nam| 15/05/2019 08:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thông tư liên tịch số 10 thay thế Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

Quy định về bằng chứng của việc giải thích, thông báo về trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự: (Thông tư liên tịch số 11 chỉ mới quy định việc giải thích phải được ghi trong biên bản tố tụng và lưu tại hồ sơ vụ án). Tại Thông tư liên tịch số 10 đã quy định biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý theo mẫu số 02 được lưu trong hồ sơ vụ án (điểm b khoản 1 Điều 7); việc thông báo về trợ giúp pháp lý thực hiện theo mẫu số 03, ghi vào biên bản tố tụng và lưu tại hồ sơ vụ án (điểm a khoản 2 Điều 7).

 Quy định rõ chủ thể có trách nhiệm giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý. Tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 11 mới chỉ nêu trách nhiệm giải thích của người tiến hành tố tụng; còn trách nhiệm thông báo đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý mới quy định cho người có thẩm quyền của Trại tạm giam, nhà tạm giữ. Đến Thông tư liên tịch số 10, ngoài quy định tại Điều 7 nêu trên, tại các điều, khoản khác đã nhấn mạnh trách nhiệm của từng chủ thể trong việc giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý như: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (khoản 1 Điều 8); người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (khoản 1 Điều 9); cơ sở giam giữ (điểm a khoản 1 Điều 10); trại giam (điểm a khoản 2 Điều 10); người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ, trại giam (điểm a khoản 1; khoản 2 Điều 11).

Bổ sung một số quy định về trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ, trại giam. Đối với trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng được quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 10. Bên cạnh những trách nhiệm được kế thừa quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 11 thì có một số điểm mới sau đây: Giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý (Tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 11 chỉ quy định người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý nhưng chưa quy định nội dung, thời điểm, cách thức giải thích, thông báo); Thống kê vào Sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (đây là nội dung mới,  Thông tư liên tịch số 11 chưa quy định), theo đó, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thống kê vào Sổ và báo cáo số liệu cho cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương để tổng hợp hàng năm, báo cáo Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương. Quy định này đã khắc phục việc không thống kê được người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trong tổng số vụ án tại các cơ quan tiến hành tố tụng.

Quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân

Thông tư liên tịch số 10 bổ sung quy định khuyến khích cơ quan điều tra, tòa án các cấp tạo điều kiện người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại các cơ quan này phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương (đây là nội dung mới, Thông tư liên tịch số 11 chưa quy định). Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý có điều kiện tiếp cận với người được trợ giúp pháp lý để có cơ hội được bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đây là quy định không mang tính chất bắt buộc, nó mang tính khuyến khích thực hiện nhằm hướng tới các cơ quan tiến hành tố tụng và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương nào đủ điều kiện (bao gồm cả điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực) thì có thể đẩy mạnh việc thực hiện quyền của người được trợ giúp pháp lý.

 Đối với trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 10. Bên cạnh những trách nhiệm được kế thừa quy định tại Điều 7 và Điều 9 Thông tư liên tịch số 11 thì có một số nội dung mới như sau: Thông tư liên tịch số 10 đã quy định rõ trách nhiệm giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý mà Thông tư liên tịch số 11 đã quy định không rõ như phần trên đã nêu; Sửa đổi, bổ sung trách nhiệm thông báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành các hoạt động điều tra khácQuy định rõ nội dung thông báo lịch xét xử bằng văn bản qua dịch vụ bưu chính dưới hình thức bảo đảm, chuyển trực tiếp hoặc bằng hình thức khác; Chuyển trách nhiệm xác nhận về thời gian hoặc công việc của người thực hiện thực hiện trợ giúp pháp lý khi làm việc với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng từ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sang người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Các trường hợp thụ lý ngay theo quy định tại khoản 4 Điều 30 của Luật Trợ giúp pháp lý cũng đã được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, theo đó bao gồm các trường hợp: Thời hiệu khởi kiện của vụ việc còn dưới 05 ngày làm việc; ngày xét xử theo quyết định đưa vụ án ra xét xử còn dưới 05 ngày làm việc; các trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các trường hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật Trợ giúp pháp lý mà cơ quan tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm; các trường hợp để tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý do người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý quyết định.

Ngoài ra, về trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng được quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 10, về cơ bản kế thừa từ Điều 5 Thông tư liên tịch số 11 và sửa đổi, bổ sung tư cách tham gia tố tụng là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý (trước đây là người đại diện hoặc người bảo vệ); sửa đổi, bổ sung các trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý không được bào chữa, không tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý (đã được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; khoản 1 và khoản 2 Điều 25 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017).

Thông tư số 10 được ban hành có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý nói chung và thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nói riêng. Thông tư liên tịch số 10 vừa hướng dẫn thi hành các quy định về phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thực hiện trợ giúp pháp lý trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, vừa kế thừa những điểm còn hợp lý, khắc phục một số tồn tại của Thông tư liên tịch số 11 để bảo đảm thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý trong việc được hưởng quyền được trợ giúp pháp lý, cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng, trên cơ sở đó bào chữa, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng