Hôm nay (5/7), các trường THPT công lập ở Hà Nội tiến hành thu nhận hồ sơ bổ sung nguyện vọng 1 sau khi đã hạ điểm chuẩn.
Theo khảo sát của PV, tại các trường tiếp nhận hồ sơ bổ sung nguyên vọng 1 đều thuận lợi, mọi thủ tục nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh và học sinh rút hồ sơ.
Nhiều phụ huynh ngay từ sáng sớm đã đến trường để xin rút hồ sơ. Ảnh Hà Phương.
Dù chưa đến giờ làm việc buổi sáng nhưng anh Phạm Mạnh Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) đã có mặt ở trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) từ 7 giờ sáng để xin rút hồ sơ.
Dẫu trường đã hạ điểm chuẩn, con gái có cơ hội vào trường mình mong muốn, thế nhưng gương mặt anh Hoài vẫn không thể giấu được sự sốt ruột. Anh Hoài nói: “Mình cả đêm không ngủ được, chỉ mong trời sáng để đi rút hồ sơ cho con gái đem nộp vào trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy vì trường hạ điểm chuẩn, con đủ điểm đỗ”.
Anh Hoài cho biết: “Thà rằng chờ đợi ở cổng trường còn đỡ lo hơn là ở nhà đợi đến giờ làm việc. Con gái mình được 49 điểm, đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Yên Hòa. Hôm qua nghe thấy tin trường hạ điểm xuống cho nên cả đêm qua hai vợ chồng trằn trọc không thể nào ngủ được, chỉ mong trời sáng để đến rút hồ sơ đem nộp cho con”.
“Gia đình mình mất ăn mất ngủ hơn 1 tuần nay, nguyện vọng 1 của con gần đủ điểm vào trường nên mình không thể nào làm việc được mà chỉ nghiên cứu xem trường có hạ điểm không, nhận bao nhiêu, rút bao nhiêu, tính toán xem con mình còn cơ hội hay không?” anh Nguyễn Mạnh Hoài cho biết thêm.
Ảnh minh họa. Ngô Chuyên.
Anh Phạm Mạnh Hoài cũng chia sẻ thêm: “Để tránh trường hợp trường không hạ điểm, mình phải nộp nguyện vọng 2 vào trường THPT Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội. Cho nên sáng sớm mình phải đến đó rút hồ sơ, sau đó mới nộp ở đây. Rất may là việc rút hồ sơ không phải mất tiền gì cả, lúc nhập học cho em ở trường THPT Quang Trung thì mình đóng 1.800.000 tiền đồng phục và 315.000 tiền bộ sách giáo khoa. Khi rút hồ sơ thì trường trả lại tiền đồng phục chứ không thu thêm bất cứ khoản nào dành cho phí “giữ chỗ”.
Anh Hoài trao đổi thêm với PV rằng những năm trước có nhiều trường hợp phụ huynh chỗ gần nhà phải mất cả chục triệu để giữ một chỗ cho con. Nếu mà rút hồ sơ thì mất trắng số tiền đã nộp trước đó. Tuy nhiên, năm nay, phụ huynh vui mừng khi không phải mất một đồng nào để chi cho tiền gọi là “giữ chỗ” cả.
Cũng giống như anh Hoài, anh Nguyễn Anh Dũng (ở Kangnam, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “May mắn vì con mình vừa đủ điểm khi trường hạ xuống, cho nên cháu có thể vào được trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, gần nhà hơn so với trường nguyện vọng 2 cháu nộp trước đó. Mình chỉ mong con vào được ngôi trường nào gần nhà vì như thế con sẽ an toàn hơn khi di chuyển đi học”.
Nhiều phụ huynh cứ nghĩ nộp nhanh để có chỗ cho con học nhưng theo anh Dũng thì không phải thế: “Khi trường quyết định lấy thêm học sinh thì đã tính toán số điểm rồi, cho nên cứ ở trong ngưỡng đó thì là có thể vào trường. Vì thế, mình rất thoải mái trong việc nộp hồ sơ cho con nhập học lớp 10”.
Chính nhờ những đổi mới mà năm nay phụ huynh thật sự yên tâm phần nào khi đi nộp hồ sơ cho con vào học lớp 10. Áp lực mà lứa tuổi “dê vàng” không làm phụ huynh quá mệt mỏi khi công tác nhận, rút hồ sơ diễn ra nhanh gọn.
Tưởng rằng cuộc chiến nộp hồ sơ cho con đi học ở trường công lập đã dừng lại khi đăng ký xong, nhưng trường hạ điểm là phụ huynh lại nhốn nháo chạy ngược chạy xuôi để cho con vào trường tốt hơn. Dường như cuộc chiến cho con vào trường công vẫn chưa có hồi kết.