Các trường đại học trên cả nước đã và đang công bố điểm chuẩn trúng tuyển đối với phương thức xét tuyển sớm. Theo đó, một số ngành "hot" đã có mức điểm sàn tăng nhẹ so với các năm trước. Ở phương thức xét tuyển học bạ, có nhiều ngành thí sinh phải đạt gần 10 điểm/môn mới trúng tuyển.
Mặc dù chưa công bố điểm thi tốt nghiệp nhưng các chuyên gia tuyển sinh cũng dự báo, điểm chuẩn xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tăng ở những ngành học "hot".
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thí sinh đã hoàn thành việc dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển sớm, nếu đủ điều kiện trúng tuyển phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển đó trên Hệ thống, từ ngày 10-30/7, để được xét tuyển theo quy định.
Việc thực hiện đăng ký xét tuyển phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về điều kiện hồ sơ, quy trình và thời gian dự tuyển. Bên cạnh đó, thí sinh phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển.
Với thí sinh tham gia xét tuyển sớm và đã trúng tuyển có điều kiện, các cơ sở đào tạo có trách nhiệm cập nhật kết quả lên hệ thống để các em chủ động lựa chọn thứ tự nguyện vọng khi thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo cho biết: Điểm chuẩn các ngành của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm nay khả năng giảm hơn so với năm 2022 là không lớn, nếu có tăng hoặc giảm thì sự thay đổi biên độ rất nhỏ (từ 0,25-0,5 điểm, tùy mã ngành).
Với các ngành "hot" như Kinh doanh quốc tế, Marketing, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng… điểm chuẩn đều trên 28 trong năm 2022, thì năm nay sẽ khó tăng cao hơn. Tuy nhiên, thí sinh cần phải đạt trên 28 điểm mới có cơ hội để trúng tuyển. Vì vậy, thí sinh có thể tham khảo theo mức điểm chuẩn năm 2022 của nhà trường để làm căn cứ điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp nhất.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội công bố điểm trúng tuyển theo phương thức xét học bạ dao động từ 20,5 - 29,8. Trong đó, Sư phạm Toán (dạy bằng tiếng Anh) với 29,8 điểm vì ngành này chỉ tuyển 5 chỉ tiêu theo phương thức xét học bạ; ngành Sư phạm Hóa (dạy bằng tiếng Anh) với 28,93 điểm.
Học viện Ngân hàng cũng lấy điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ là 29,8 điểm, với các ngành: Ngân hàng và Ngân hàng số, Tài chính, Công nghệ tài chính, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Luật kinh tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ. Nhiều ngành khác lấy trên 29 như: Hệ thống thông tin (29,76), Công nghệ thông tin (29,79), Kinh tế (29,72), Ngôn ngữ Anh (29,34).
Trường Đại học Luật Hà Nội có điểm trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ ở nhiều ngành vượt mức 29 điểm như: Luật Kinh tế (29,67- khối C00; 29,73 khối D01, D02, D03, D05, D06; A00); Luật Thương mại quốc tế (29,44 – khối A01; 29,00 – khối D01).
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội công bố điểm chuẩn từ 25,1 đến 29,23, trong đó ngành Công nghệ thông tin là cao nhất, có mức điểm trên 29.
Bên cạnh đó, với xu hướng liên ngành - đa ngành trong giáo dục đại học, các ngành học khối kỹ thuật có tính liên kết và tương đồng. Ví dụ, các thí sinh quan tâm đến ngành điện tử có thể tìm hiểu thêm về một số ngành liên quan như vật liệu, vật lý kỹ thuật… để tăng khả năng đỗ vào lĩnh vực yêu thích.
Theo đề án tuyển sinh đã được các cơ sở đào tạo công bố, chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT từ 30-80%. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý ghi nhận từ nhiều trường trong mùa tuyển sinh năm nay, đó là số lượng thí sinh đăng ký các phương thức xét tuyển sớm giảm đáng kể so với năm trước. Do vậy, các trường sẽ phải điều chỉnh chỉ tiêu còn lại cho xét điểm thi tốt nghiệp.
Đại diện các cơ sở đào tạo cho rằng, để tính toán chính xác mức điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp tăng hay giảm so với năm trước cần chờ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi và phổ điểm các môn thi vào ngày 18/7 tới. Đó cũng là thời điểm để thí sinh cân nhắc thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng vào các ngành, trường đảm bảo hiệu quả trúng tuyển cao nhất.