Đây là đánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) về công tác xét tuyển vào đại học chính quy năm 2023.
Đến thời điểm này, PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết các bước trong giai đoạn xét tuyển, xử lý sắp xếp nguyện vọng xét tuyển của thí sinh (lọc ảo) năm 2023 đã hoàn tất.
Các trường đã có các kết quả cuối cùng để công bố điểm trúng tuyển cũng như danh sách các thí sinh trúng tuyển vào trường, vào ngành các em đã đăng ký.
Kết quả bước đầu cho thấy điểm trúng tuyển của các trường, xét ở mặt bằng chung, là khá tương đồng với kết quả năm 2022. Đa số các trường ghi nhận tích cực về số lượng thí sinh trúng tuyển với mức điểm chuẩn mà các trường đã xác định, căn cứ theo chỉ tiêu đào tạo và dữ liệu nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển.
Đặc biệt, nhờ tối ưu hóa các dữ liệu sử dụng để xét tuyển của thí sinh khi chỉ cần đăng ký theo ngành đào tạo, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển có sự gia tăng tích cực đáng ghi nhận trên toàn hệ thống, đáng mừng đối với cả thí sinh và cả đối với các cơ sở đào tạo.
“Kết quả trúng tuyển nhìn chung ghi nhận không có điểm chuẩn quá cao, do áp dụng việc tính điểm ưu tiên theo Quy chế tuyển sinh (bắt đầu có hiệu lực từ năm 2023) và do việc đã tối ưu hóa được lựa chọn tổ hợp xét tuyển cho thí sinh”, bà Thủy khẳng định.
Theo số liệu từ Bộ GD&ĐT, hiện có khoảng 390.000 thí sinh (chiếm khoảng 37% số thí sinh dự thi) đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Tỷ lệ này so với cùng kỳ các năm thấp. Trong đó, có khoảng 72.000 thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng.
PGS, TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng đây là điều không nên, nếu thí sinh chờ đến sát thời điểm cuối cùng, gây nghẽn mạng do nhiều người đăng ký thì rủi ro rất cao.
Dù năm nay, nhiều thí sinh đã trúng tuyển xét tuyển sớm, song các em không nên chỉ đăng ký một nguyện vọng mà nên có một số nguyện vọng. Vì nếu có rủi ro thì hệ thống của Bộ GD&ĐT còn có căn cứ để xét tuyển tiếp cơ hội khác cho thí sinh.
Quy chế tuyển sinh đại học năm nay có 3 điểm quan trọng: Được đăng ký không hạn chế số lượng nguyện vọng; chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất có thể; các nguyện vọng thứ tự khác nhau được xét bình đẳng với nhau.
Do đó, thí sinh nên chia nguyện vọng thành 3 nhóm với mức độ ưu tiên khác nhau, mỗi nhóm khoảng 3 nguyện vọng. Nhóm thứ nhất là những nguyện vọng mà điểm chuẩn năm trước cao hơn khoảng 1 đến 1,5 điểm so với mức điểm thực tế đang có. Đó là những ngành thí sinh thực sự yêu thích, nhưng cơ hội tương đối mong manh.
Nhóm thứ hai là những nguyện vọng có thể sẽ dao động cộng trừ 0,5 điểm giữa điểm chuẩn năm trước so với mức điểm của thí sinh. Đây là những nhóm ngành mà cơ hội trúng tuyển của thí sinh tương đối cao. Nhóm thứ ba là những ngành thấp hơn so với điểm xét tuyển của thí sinh khoảng 1,5 đến 2 điểm.