Hành trình triệt phá đường dây tàng trữ, lưu hành tiền giả số lượng lớn

Sơn Tùng| 09/06/2016 08:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhờ tinh thần cảnh giác của người dân, lực lượng chức năng đã bóc gỡ đường dây tàng trữ, lưu hành tiền giả số lượng lớn ở miền Trung – Tây Nguyên.

Sáng ngày 15/5, hai thanh niên lạ mặt đi trên một xe máy đến chợ Vinh Huy (xã Bình Trị, Thăng Bình, Quảng Nam). Tại đây, hai thanh niên này mua nhiều hàng có giá trị nhỏ như card điện thoại, dầu gội đầu gói... Điều lạ là họ không mua ở một quầy tạp hóa và khi mua hàng đều trả tiền polime với mệnh giá 200 ngàn.

Với tinh thần cảnh giác, các tiểu thương chợ Vinh Huy quan sát kỹ những đồng tiền nhận từ hai thanh niên lạ mặt và phát hiện có nhiều nghi vấn là tiền giả. Một tiểu thương đã điện thoại báo cơ quan chức năng. Ngay sau đó, công an huyện Thăng Bình có mặt tại hiện trường, thu giữ 11 tờ tiền polime giả mệnh giá 200 ngàn đồng do các tiểu thương giao nộp, đồng thời mở cuộc truy xét hai thanh niên lạ mặt.

Chỉ vài phút sau, các trinh sát đã tóm được bọn chúng, gồm Đào Văn Cần (SN 1989, xóm Trám, xã Đảo Xá, huyện Phú Bình, Thái Nguyên), Đào Văn Ninh (SN 1981, anh ruột Cần). Khám xét người các đối tượng, công an thu được 91 tờ tiền polime giả mệnh giá 200 ngàn đồng.

Hành trình triệt phá đường dây tàng trữ, lưu hành tiền giả số lượng lớn

Đại tá Huỳnh Trung Nguyên, Phó Giám đốc Công an Quảng Nam thông tin với báo chí về vụ án.

Theo lời khi của Cần, đầu tháng 5/2016, anh ta lên huyện EaH’leo (tỉnh Đắk Lắk) để tìm việc làm. Tại đây, Cần gặp Tuân, là người cùng quê với Cần và Tuân rủ Cần cùng đi tiêu thụ tiền giả. Vốn nghiện ngập nên Cần không ngần ngại từ chối công việc phạm pháp để kiếm tiền hút chích. Thông qua Tuân, Cần gặp một đối tượng tên Hòa và nhận của Hòa 20 triệu đồng tiền giả gồm 100 tờ tiền polime mệnh giá 200 ngàn đồng và đưa đi tiêu thụ tại Đắk Lắk. Sau khi tiêu thụ gần hết số tiền giả này, Cần chuyển lại cho Hòa 10 triệu đồng tiền thật. Thấy có tiền dễ dàng, Cần tiếp tục nhận của Hòa 20 triệu đồng tiền giả và rủ anh ruột là Đào Văn Ninh đến tỉnh Quảng Nam tiêu thụ.

Ngày 13/5, Cần và Ninh đón xe khách từ Đắc Lắk đến Quảng Nam. Trên đường đi, chúng tiêu thụ hết 10 tờ. Khi đến Quảng Nam, chúng nghỉ chân tại nhà một người quen tên là Võ Hiền (SN 1966, ngụ tổ 4, thôn Hưng Lộc, xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình) và sáng ngày 15/5, chúng ra chợ Vinh Huy để tiêu thụ tiền giả thì bị người dân phát hiện.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, phòng An ninh điều tra (PA92) tiếp nhận hồ sơ vụ án từ công an huyện Thăng Bình để điều tra mở rộng. Ban đầu, Cần và Ninh ngoan cố không khai danh tính của đồng bọn. Tuy nhiên, bằng lý lẽ sắc bén cùng với việc dùng tình cảm để thu phục, cuối cùng, các điều tra viên đã khiến hai anh em này “tâm phục, khẩu phục”, hợp tác tích cực.

Hành trình triệt phá đường dây tàng trữ, lưu hành tiền giả số lượng lớn

Các đối tượng bị Công an bắt giữ

Từ lời khai của Cần và Ninh, phòng PA92 xác định tên đầy đủ của đối tượng giao tiền giả cho Cần là Nguyễn Văn Hòa, SN 1968, ngụ xã Kim Chân, TP. Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh). Đến lúc này, việc xác định nơi ở của Hòa là một vấn đề rất khó khăn, bởi y đã từng có một tiền án về tội lưu hành tiền giả nên thường xuyên di chuyển, không ở cố định một chỗ. Đại tá Dương Tấn Bộ, Trưởng phòng PA92 liên tục động viên các trinh sát bằng mọi cách phải bắt cho được đối tượng Hòa, từ đó mới có manh mối bắt giữ đối tượng chính trong đường dây này.

Áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, ngày 18/5, tại thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắc Nông), phòng PA92 đã tóm được Nguyễn Văn Hòa khi y đang đi cùng Đinh Thị Tuyết (SN 1984, trú thôn 10B, xã Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Khám xét người Hòa, cơ quan công an thu giữ 33 tờ tiền polime giả mệnh giá 200 ngàn. Hòa khai, số tiền này nằm trong số tiền 100 triệu đồng tiền giả mà hắn mua của một đối tượng tên Oanh, quê Cao Bằng. Trong 100 triệu đồng này, ngoài giao Cần 40 triệu, Hòa còn giao cho một đối tượng tên Tuân 50 triệu để đi tiêu thụ.

Đối với Đinh Thị Tuyết, biết Hòa làm chuyện phạm pháp nhưng vì ham tiền thị ôm gói theo Hòa và nhiều lần giúp Hòa tiêu thụ tiền giả. Khi cơ quan công an khám xét, trong người Tuyết đang có 2 tờ tiền polime giả mệnh giá 200 ngàn đồng.

Cũng trong ngày 18/5, phòng PA92 đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Văn Tuân (SN 1981, xóm Trám, xã Đào Xá) và Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1982, trú xóm Nón, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình). Khám xét người Tuân, Công an thu được 19 tờ tiền polime giả mệnh giá 200 ngàn đồng. Đây là số tiền giả mà Tuân nhận từ Hòa để tiêu thụ với tỉ lệ ăn chia 50:50. Tuân đã tiêu thụ phần lớn số tiền giả Hòa giao và đưa cho Nguyễn Thị Nguyệt 1 tờ để tiêu thụ. Ngoài 1 tờ tiền mà Tuân giao, Nguyệt tự lấy của Tuân 2 tờ tiền giả và đã bị cơ quan Công an thu giữ khi thực hiện lệnh bắt Nguyệt.

Hành trình triệt phá đường dây tàng trữ, lưu hành tiền giả số lượng lớn

Đối tượng Chu Thị Oanh bị bắt cùng tang vật vụ án

Đến lúc này, phòng PA92 đã xác định được đối tượng chính trong đường dây trên và cũng là kẻ giao tiền giả cho Hòa là Chu Thị Oanh (còn gọi Chu Thị Vanh, SN 1969, trú tại xã Vĩnh Quang, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng).

Trong lúc đồng bọn bị bắt thì ngày 19/5, đối tượng Oanh từ Cao Bằng vào Đắk Nông để tiêu thụ tiền giả. Đã từng mang một tiền án về tội lưu hành tiền giả nên Oanh khá ngôn ranh khi che giấu hành vi phạm pháp của mình. Với vai người từ ngoài Bắc vào Đắk Nông thăm người thân, cô ta ung dung ôm bọc tiền giả ngồi trên xe khách và mơ tưởng đến món lợi thu được từ hành vi bất chính.

Khi xe đến thị xã Gia Nghĩa, Oanh vừa bước chân từ trên xe ô tô xuống thì bị lực lượng trình sát Công an Quảng Nam “hỏi thăm”. Với 200 triệu tiền giả trong túi xách, ả đàn bà biết mình không thể nào thoát tội. Oanh khai, số tiền giả này do cô ta mua từ một đối tượng tên là A Mỉng (quốc tịch Trung Quốc) với giá 25 triệu đồng.

Được biết, Cần, Ninh, Tuân và Nguyệt không những nghiện ma túy mà còn nhiễm HIV. Một điều tra viên cho biết, khi các anh bắt giữ các đối tượng, trong túi quần chúng còn nguyên cả kim tiêm dính đầy máu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình triệt phá đường dây tàng trữ, lưu hành tiền giả số lượng lớn