Sơn La là địa bàn trọng điểm về tội phạm ma túy ở khu vực Tây Bắc. Thời gian qua, các lực lượng chức năng, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triệt phá, bóc gỡ nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy, góp phần giữ vững ổn định chính trị tại địa bàn.
Tội phạm ma túy ngày càng phức tạp
Trong mấy năm gần đây, tình hình hoạt động tội phạm và các tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp, chủ yếu là hoạt động mua bán lẻ, tổ chức sử dụng ma túy và sử dụng trái phép các chất ma túy với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động đa dạng, tinh vi và cảnh giác cao nhằm chống lại sự phát hiện và kiểm soát của các cơ quan chức năng, gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện và đấu tranh phòng chống tội phạm của các lực lượng chức năng, đặc biệt là của lực lượng Biên phòng.
Hiện nay, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sơn La làm nhiệm vụ trên địa bàn có 250km đường biên, tiếp giáp với 2 tỉnh Huaphanh và Luangprabang của nước bạn Lào, cùng với các cửa khẩu Chiềng Khương, Pa Háng, Nà Cài. Đây là địa bàn có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn. Bên cạnh đó, tình hình di cư tự do, truyền đạo trái pháp luật và một số hoạt động tội phạm, như buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới; mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý; tàng trữ vũ khí... diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, lợi dụng địa hình phức tạp, nhiều đối tượng tội phạm ma túy đã chọn Sơn La để mua bán, vận chuyển ma túy.
Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, đồn trạm biên phòng trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng chống ma túy. Lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy (PCTPMT) của BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các đồn biên phòng triển khai các chương trình, mục tiêu về phòng, chống ma túy. Thông qua đó đã tạo ra được sự chuyển biến tích cực trong mọi tầng lớp nhân dân, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia phong trào phòng chống ma túy với nhiều hình thức và biện pháp thiết thực.
BĐBP Sơn La cùng người dân đi tuần tra, kiểm tra khu vực cột mốc biên giới
Các đồn, trạm biên phòng trong tỉnh còn thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy cho nhân dân các xã biên giới. Thông qua các già làng, trưởng bản và người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số, giúp cho mọi người hiểu rõ được hậu quả, tác hại của ma túy, hiểu biết luật Phòng chống ma túy. Công tác tuyên truyền cũng đa dạng với nhiều nội dung, hình thức phong phú, được lồng ghép trong các hội nghị sơ, tổng kết, các buổi tọa đàm, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao hay tại các phiên chợ... Nhờ đó, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhân dân về công tác phòng, chống ma túy được nâng lên rõ rệt, tạo được dư luận xã hội rộng khắp trong việc kiên quyết đấu tranh bài trừ tệ nạn ma túy.
Với tinh thần kiên quyết đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy, lực lượng chuyên trách PCTPMT của BĐBP tỉnh đã chủ động xây dựng nhiều kế hoạch, xác định nội dung, biện pháp, chỉ tiêu cụ thể, sát với tình hình thực tế ở từng địa bàn, đơn vị; tăng cường lực lượng tập trung vào các tuyến, địa bàn, thời gian trọng điểm, đấu tranh quyết liệt chống tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, mua bán người, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, pháo nổ… trên các tuyến biên giới.
Do đó, thời gian qua lực lượng chức năng BĐBP tỉnh đã xác lập và đấu tranh thắng lợi hàng chục chuyên án, vụ án, triệt phá nhiều đường dây, tổ chức tội phạm, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, phối hợp xử lý tốt các vụ việc phức tạp, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Những chiến công đó góp phần khẳng định BĐBP quyết tâm ngăn “bão” ngay từ biên giới trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy.
Quyết tâm đẩy lùi ma túy
Trong nhiều năm trở lại đây, trên cơ sở quán triệt nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của cấp trên, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La đã triển khai toàn diện, đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, tập trung cho nhiệm vụ trọng tâm, địa bàn trọng điểm, chủ động đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp, thực hiện giải quyết tốt các vụ việc xảy ra; triển khai các đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý.
Chỉ tính riêng trong năm 2015, Bộ đội biên phòng tỉnh đã trực tiếp và phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 113 vụ, với 169 đối tượng; tang vật thu giữ 251 bánh, 6,84 kg Herroin; hơn 61.400 viên ma túy tổng hợp; hơn 15,75 kg thuốc phiện; 11 khẩu súng; 3 triệu tiền Kíp Lào, trên 53 triệu đồng tiền Việt Nam cùng nhiều tang vật liên quan khác. Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng còn tích cực phối hợp với địa phương vận động nhân dân triệt phá 3.699m2 diện tích tái trồng cây thuốc phiện; vận động giao nộp 328 khẩu súng kíp. Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh, cùng với các ngành chức năng, nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy liên tỉnh với số lượng lớn đã được triệt phá.
Đặc biệt, gần đây BĐBP Sơn La đã phối hợp với BĐBP Thanh Hóa và Ban Chỉ huy Ty An ninh tỉnh Hủa Phăn (Lào) phá thành công Chuyên án 226LV, bắt giữ nhiều đối tượng trong đường dây mua bán, vận chuyển ma túy trên địa bàn biên giới Việt Nam - Lào.
Theo đó, vào hồi 11 giờ 30 phút, ngày 29/2/2016, tại bản Sầm Nưa, huyện Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn (Lào), Ban Chuyên án đã bắt quả tang vợ chồng đối tượng Nàng Nu Mua, Thạo Chu Vàng, trú tại bản Sầm Nưa, huyện Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn, thu tại chỗ 7kg bột hêrôin.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ thêm 16,5kg bột hêrôin, 191 viên ma túy tổng hợp, 80USD, 15 triệu kíp Lào cùng nhiều tang vật liên quan khác. Bước đầu, hai đối tượng Mua và Vàng khai nhận, số ma túy kể trên đang chuẩn bị được ép thành bánh để vận chuyển sang Việt Nam tiêu thụ.
Các đối tượng và tang vật trong Chuyên án 226LV
Chuyên án 226 LV thắng lợi, lực lượng chức năng đã bóc gỡ một phần đường dây mua bán, vận chuyển các chất ma túy từ huyện Sầm Nưa đến các huyện Viêng Xay, Xốp Bâu (Lào) sang tỉnh Thanh Hóa, Sơn La (Việt Nam), xóa bỏ một trong những cơ sở sản xuất ma túy lớn tại địa bàn Sầm Nưa, góp phần hạn chế nguồn ma túy thẩm lậu từ tỉnh Hủa Phăn vào tỉnh Thanh Hóa, Sơn La.
Hoặc trước đó, vào hồi 13 giờ 5 phút, ngày 4/12/2015 tại khu vực bản NaSon (Cụm Nason, huyện Phonthoong, tỉnh Luangprabang, nước CHDCND Lào), lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La phối hợp với tổ công tác thực hiện kế hoạch 1355 của Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng; Công an tỉnh Luông Pra Băng (Lào) bắt quả tang 02 đối tượng: Thạo Thong Văn 47 tuổi; Lò Thị Xuân (Nang Xuân) 44 tuổi cùng trú tại bản Na Son huyện Phôn Thoong tỉnh Luang Pra Bang. Tang vật thu giữ gồm: 20 Bánh Hêrôin, 2 điện thoại di động 01 xe máy và một số tang vật khác có liên quan.
Thành công của các chuyên án trên thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa ý chí và hành động tấn công truy quét tội phạm ma túy, thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa lực lượng chức năng Việt Nam - Lào; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới.
Xây dựng “thế trận lòng dân”
Bên cạnh việc kiên quyết đấu tranh với tội phạm ma túy, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân, vận động toàn dân thực hiện tốt công tác phòng, chống ma tuý và các loại tội phạm khác. Đồng thời mở nhiều đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống ma tuý. Chủ động nắm toàn diện tình hình địa bàn, sử dụng đồng bộ các biện pháp đấu tranh quyết liệt với tội phạm này; bóc gỡ, vô hiệu hóa các đường dây, tụ điểm mua, bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các chất ma túy, hạn chế đến mức thấp nhất việc vận chuyển ma tuý vào địa bàn, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.
Qua công tác phòng, chống tội phạm về ma túy ở Sơn La cũng cho thấy, tội phạm ma túy thường lợi dụng địa hình hiểm trở tại địa bàn biên giới để vận chuyển ma túy. Chúng chia nhỏ ma túy để dễ cất giấu và phi tang khi bị lực lượng chức năng phát hiện. Nhằm đối phó với các cơ quan chức năng, tội phạm ma tuý còn sử dụng cả vũ khí “nóng” như súng kíp, lựu đạn… nếu bị phát hiện, chúng sẵn sàng chống trả. Ngoài ra chúng còn lợi dụng, mua chuộc, dụ dỗ những người dân khó khăn về kinh tế, trình độ nhận thức thấp vận chuyển lậu ma tuý qua đường mòn. Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy đòi hỏi các trinh sát biên phòng ngoài việc nắm chắc nghiệp vụ còn cần phải biết dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân; đồng thời cũng phải làm tốt các hoạt động phối hợp phòng, chống tội phạm với các đơn vị, lực lượng khác.
Có thể thấy rằng, công tác đấu tranh với tội phạm ma tuý là một cuộc đấu tranh nhiều khó khăn và nguy hiểm, đặc biệt là tại khu vực biên giới Sơn La lại càng nguy hiểm và gian khổ hơn. Tuy nhiên, với bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, lực lượng phòng chống ma túy của BĐBP Sơn La đã vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhân dân địa phương tin yêu.