Mỗi người mỗi cảnh, thế nhưng những người phụ nữ ở các Trung tâm GD-LĐ, XH đều có một điểm chung là đã từng vướng vào ma túy rồi mắc nghiện. Giờ đây, họ đã và đang quyết tâm sửa chữa những sai lầm trong quá khứ để làm lại cuộc đời.
“Cha bàn đèn, con mắc nghiện”
Khi ngang qua các Trung tâm Giáo dục - Lao động và Xã hội ở một số tỉnh như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, điều làm tôi ám ảnh ngoài những chiêu trò đục tường khoét vách, cố đào thoát ra ngoài để tìm “hàng” của mấy “con nghiện” mà còn là số phận buồn thảm của những nữ học viên. Mỗi người mỗi cảnh, song cuộc đời của họ, nhất là quá khứ, rặt những gam màu tối.
Khác hẳn với sự ồn ào huyên náo của các học viên nam, mấy "bóng hồng" này chỉ im lặng, cần mẫn lao động, trong ánh mắt họ lộ rõ vẻ u buồn, mặc cảm. Có những học viên mà cán bộ Trung tâm phải mất rất nhiều thời gian động viên, giải thích thì họ mới chịu mở lời. Như trường hợp chị Lô Thị X, ở Trung tâm Giáo dục - Lao động và Xã hội huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
X sinh ra trong một gia đình được xem là danh giá, “có của ăn của để” ở thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong. Ở vùng đất biên giới này, ngoái về bốn phía đều rừng núi thâm u, đồng bào lo đánh vật từ sáng tới tối cũng chỉ đủ đắp đậy miếng ăn. Thế nhưng gia đình X lại khác. “Nhất cận thị, nhị cận giang”, bố mẹ X cũng vì nhanh nhạy, khéo vén, tài buôn bán nên mấy anh chị em X lớn lên đủ đầy hơn chúng bạn. Nhưng chả hiểu số phận đưa đẩy thế nào, cách đây khoảng hơn chục năm về trước, bố X lại đánh bạn với “ả phù dung” để rồi tài sản trong nhà cứ vơi dần. Trong những lần phục vụ bàn đèn cho bố, X và anh trai bị quyến rũ bởi mùi thơm ngào ngạt, mê hoặc của làn khói trắng.
Năm 2007, X lấy chồng. Chồng X cũng người Thái, khỏe mạnh, vâm vam như gấu. Về chung sống cùng với gia đình vợ, hàng ngày phải hít khói thuốc của 3 người trong gia đình phả ra, chồng X cũng nhanh chóng bắt nghiện như rơm khô gặp lửa. Tuy cùng nghiện, cùng oặt ẹo, oằn èo như những con sâu, nhưng vợ chồng X cũng kịp cho ra đời đến 3 đứa con. Kể từ khi kinh tế gia đình sa sút, lụi bại, bố, anh trai rồi chồng X bỏ nhà đi suốt. Căn nhà xiêu vẹo nằm chân đồi hun hút gió chỉ còn lại X và người mẹ già cùng với mấy đứa con.
X bảo: “Nếu có nhiều tiền để mua thuốc phiện, chắc giờ tôi cũng “sốc” để về nơi chín suối như mấy đứa bạn của tôi rồi, chứ không còn sống được đến giờ để ngồi đây tiếp chuyện các cán bộ đâu! Rũ bỏ được tấm áo học viên này, tôi sẽ theo nghề may, hoặc nhận thêu thùa, những nghề tui đã được học được trong thời gian cai nghiện. Nếu có điều kiện, tôi sẽ mở một tiệm nhỏ ở gia đình, kiếm sống bằng chính đôi bàn tay lao động của mình để nuôi mẹ già và bù đắp cho những đứa con thơ. Tôi chỉ mong xã hội đừng kỳ thị, rũ bỏ những người đã từng một thời lầm lỗi để tôi có thể vững tin làm lại cuộc đời, sống nốt quãng đời còn lại trong ánh sáng”.
Ly Thị P ngoài giờ làm còn tranh thủ thêu túi thổ cẩm
Vợ chồng dắt díu đi cai
Trong những học viên mà tôi đã từng gặp trong các Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội, phần lớn họ là người dân tộc, họ đến từng những bản, làng vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới mà mỗi địa danh đều nổi tiếng cả nước về ma túy. Ở đó, mỗi xó làng, góc bản, đâu đâu người ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những “đệ tử” của “ả phù dung”. Già có, trẻ có, thậm chí có gia đình cả vợ cả chồng đều nghiện rồi vào Trung tâm tạo nên “cặp vợ chồng cai nghiện” có một không hai. Đó là trường hợp của vợ chồng Ly Thị P, nhà ở bản Pu Cai, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông. P sinh năm 1972, mới ngoài 40 tuổi nhưng ma túy nó đã khiến P trông già nua, tàn tạ, trí nhớ lúc mất, lúc còn. Hỏi P sinh năm bao nhiêu, chị lắc đầu quầy quậy. Không nhớ tuổi, nhớ năm sinh, nhưng P nhớ rất rõ chuyện vì sao mình bập vào ma túy. Cách đây hơn 10 năm, P thường xuyên bị chứng bệnh đau bụng hành hạ. Nhà nghèo không có tiền chạy chữa, lại không được đi học, thiếu hiểu biết nên khi người chồng nghiện bảo “hít heroin” có thể chữa khỏi bệnh thì P cũng… làm liều.
Sau mỗi lần sử dụng ma túy, P đều thấy dứt cơn đau và thấy trong người khỏe hẳn ra nên cứ tiếp tục sử dụng. Dần dà, P nghiện cùng chồng lúc nào không biết. Hàng ngày, hai vợ chồng làm thuê mướn để lấy tiền mua thuốc về thỏa mãn cơn nghiện. Đây là lần thứ hai P vào làm học viên của Trung tâm cai nghiện. Trước đó, vào năm 2011, P đã cai được nhưng khi về nhà, sống bên người chồng nghiện, không kìm chế được bản thân, P lại tái nghiện.
Rút kinh nghiệm lần đi cai này, P rủ cả chồng. Phải thuyết phục mãi chồng P mới chịu nghe lời vợ. Hai vợ chồng P cùng vào Trung tâm cai nghiện, 6 đứa con (lớn 19 tuổi, nhỏ 7 tuổi) ở nhà tự làm thuê mướn nuôi nhau. Vào Trung tâm được gần 4 tháng, vợ chồng P đều đã cắt được cơn, không còn cảm giác thèm ma túy và đã tỉnh táo trở lại. Những sự động viên vỗ về của các cán bộ, nhân viên trong Trung tâm và chị em cùng phòng đã làm P vơi đi buồn tủi được phần nào. Nhưng thỉnh thoảng, tình mẫu tử trong P lại trỗi dậy, nhất là trước lúc đi ngủ, ăn cơm. Ngẫm thương mình, thương con, P lại khóc.
Khao khát trở về
P bảo: “Bây giờ mình có cơm ăn thế này, nhưng không biết ở nhà các con có cơm mà ăn không? Nghĩ mà thấy hối hận vô cùng, giá như ngày đó không hút thử để rồi mắc nghiện, mà lại nghiện đến 2 lần, để những đứa con bơ vơ ở nhà, thiếu ăn từng bữa. Bố mẹ mình cũng già rồi, không đi làm được, không biết có lo đủ cơm nuôi các cháu? Thương con lắm, lần này mình quyết tâm không hít nữa, phải dứt khỏi ma túy để lo cho con thôi!”.
Giờ lao động của các học viên ở Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội tỉnh Điện Biên
Những người đàn bà vùng cao như P, như X tuy xuất thân, gia cảnh khác nhau, người cả đời sống lặng lẽ trong nghèo khó và lạc hậu, người sinh ra trong nhung lụa, nhưng có một điểm giống nhau là số phận nghiệt ngã đã xô đẩy họ đến với ma túy. Giờ đây, bản năng làm mẹ trong con người họ dần thức tỉnh. Và có lẽ, đó sẽ là nguồn cơn, động lực để dẫn dụ họ về con đường sáng. Thế nên, dù không biết rõ mình sẽ làm gì sau khi bước ra khỏi Trung tâm cai nghiện với 2 bàn tay trắng, thế nhưng khát vọng sống, khát vọng làm lại cuộc đời của nữ học viên này mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Ba người thân ruột thịt nghiện oặt, hai đứa con đầu chưa hết lớp 5 phải nghỉ học ở nhà, còn đứa con nhỏ mang gửi cô dì chú bác, đó là cái giá quá đắt X và gia đình chị phải trả vì ma túy. Nó cũng là lý do để chị quyết tâm cai nghiện trở về. X bảo, dù bất hạnh dài đằng đẵng, gần chục năm chìm đắm trong ma túy, nhưng X vẫn còn may mắn khi mấy đứa con tuy học hành dang dở nhưng bù lại rất ngoan ngoãn, biết bảo ban nhau. Đó chính là động lực để X quyết tâm cai nghiện trở về. X kể, mấy đêm nay, đêm nào X cũng mơ thấy mấy đứa con bé bỏng gầy còm, ốm yếu, dắt tay nhau đến thăm mình. Mỗi lần như thế, X chỉ biết ngồi khóc, nước mắt ướt đầm khuôn mặt. Và X cũng tự đặt quyết tâm cho mình sẽ không bao giờ tái nghiện để phải quay lại Trung tâm thêm lần nào nữa.
“Gần 10 năm mắc nghiện là ngần ấy thời gian tôi và những thành viên trong gia đình phải sống trong nỗi xót xa, sầu tủi, phải chịu sự khinh khi, xa lánh của xã hội. Đến giờ, nhiều lúc nghĩ lại quãng thời gian ấy, tôi cũng giật mình hoảng sợ. Mỗi lúc như thế, tôi chỉ muốn chôn chặt nỗi đau này xuống, không muốn nhắc lại cái “quá khứ nghiện”, “quãng ngày đen tối” của mình. Chỉ vì trót không làm chủ được bản thân, tôi đã ném đi tất cả, từ sức khỏe, danh dự đến tương lai của mình vào ma túy. Để bây giờ, khi đã ở cái tuổi ngoài 40, tôi lại phải bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Tôi mong rằng mọi người, nhất là phụ nữ, khi nhìn vào chúng tôi, sẽ rút ra được bài học cho mình, để tránh xa ma túy”, X tâm sự.
Theo ông Nguyễn Xuân Kiều, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội huyện Quế Phong thì trong vòng 5 năm qua, Trung tâm đã tổ chức cai nghiện cho gần 500 học viên. Trong số 122 học viên cả nam lẫn nữ đang tiếp tục cai nghiện ở đây, người ít thì vài năm, người nhiều có thâm niên nghiện đến cả chục năm. Có người đã từng “nhét” hết cả nhà cửa, ruộng vườn, đất đai hương hỏa của cha ông để lại vào trong bàn đèn, nõ điếu.
“Quá khứ của học viên lầm lạc là thế, giờ muốn thức tỉnh, muốn giác ngộ họ thì phải từng bước. Điều quan trọng nhất là phải làm công tác tuyên truyền vận động, đả thông tư tưởng sao cho học viên họ toàn tâm toàn ý để cai. Mềm mỏng, cứng rắn tùy lúc và tùy vào từng đối tượng. Nhưng điều quan trọng nhất là phải cố gắng lay động, thức tỉnh phần Người trong họ. Cùng với đó là trang bị, dạy cho họ ít nhất một cái nghề để có thể kiếm sống. Làm được như vậy mới giảm bớt được tình trạng tái nghiện sau này”, ông Kiều tâm sự.