Vác xe đạp lên vai để về với các bà con vùng sâu vùng xa, hay bị người dân chặn xe chỉ để cảm ơn là một trong số những kỷ niệm không thể nào quên mà vị Thẩm phán - Chánh Tòa dân sự TAND tỉnh Đăk Nông Nguyễn Xuân Chiến tâm sự với chúng tôi.
Năm 1988, sau khi học xong lớp Trung cấp pháp lý tại Tp.Hồ Chí Minh, chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Chiến được nhận về công tác tại huyện Krông Ana (Đăk Lăk). Đến nay anh đã trải qua rất nhiều cương vị khác nhau như Thẩm phán TAND huyện Cư Jut, Phó Chánh tòa Kinh tế, Chánh tòa Kinh tế rồi đến Chánh tòa Dân sự TAND tỉnh Đăk Nông.
Nhớ về những tháng ngày chân ướt chân ráo, chập chững bước vào nghề với ít vốn kiến thức học được khi đang ngồi trên ghế nhà trường so với việc làm thực tế còn gặp rất nhiều bỡ ngỡ. Anh tâm sự: “Vì đam mê và yêu nghề, nên khi mới bước vào nghề tôi đã lên kế hoạch, lịch làm việc một cách khoa học nhất, làm sao để có thời gian nghiên cứu pháp luật cũng như có thời gian học hỏi những anh chị đi trước”.
Khó khăn trong công việc bước đầu không những không làm anh nản chí mà còn là động lực để anh cố gắng hơn. Giao thông đi lại thời bấy giờ rất vất vả, mỗi khi xuống làng, bản anh đều phải lội từng con suối, vượt từng quả đồi. May mắn hơn, chỗ nào bằng phẳng thì còn đi được, nếu không thì phải vác xe đạp lên vai mà “cuốc bộ”. Với quan niệm “mình khổ còn hơn để người dân khổ”, anh đã không quản ngại mưa gió để về với bà con nhân dân, thay vì để nhân dân đi tới Tòa án như thường lệ.
Thẩm phán Nguyễn Xuân Chiến
Thời gian đi xuống bản làng bằng xe đạp hay cuốc bộ với anh thường xuyên như cơm bữa, nhưng đáng nhớ nhất là ngày xuống một bản vùng sâu vùng xa của huyện Krông Ana để giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình, trong đó có tranh chấp dân sự. Khi xe anh đang bon bon trên đường đất thì gặp ngay vũng nước trũng. Trong thoáng chốc dép đã được cởi ra, quần dài đã được vắt lên vai cùng với chiếc xe đạp, anh lội qua quãng đường nước trũng gần 1km. Sau một thời gian hì hục, anh đã đến được nơi cần đến. Cũng may, trời không phụ lòng người, hôm đó buổi nói chuyện đã diễn ra suôn sẻ, hai vợ chồng đã nhận ra vấn đề và cùng nhau rút đơn. Hạnh phúc nào hơn khi mình đã hàn gắn được một gia đình tưởng chừng như đang đứng trên bờ vực của sự đổ vỡ.
Là một con người năng nổ, chịu khó nên Thẩm phán Chiến được rất nhiều bà con quý mến, mỗi khi người dân gặp anh xong ai cũng nở nụ cười trên môi. Một lần vào năm 2002, anh đang trên đường đi làm việc về, tới Ngã Sáu (Buôn Ma Thuột), anh bị một người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần chặn đầu xe. Lo sợ trong quá trình giải quyết án, có đương sự nào đó thù hằn nên anh vội xuống rút chìa khóa để thủ. Trong bộ dạng bình thản, người đàn ông đó tiến lại gần hơn làm cho anh thêm lo sợ. Đến khi người đàn ông đó tiến lại gần rồi nở nụ cười và giơ tay ra để bắt tay, anh mới nhẹ người. Người đó hỏi thăm sức khỏe, cảm ơn anh đã mang lại công bằng cho gia đình họ... Suốt đêm hôm đó, anh suy nghĩ về người đàn ông chặn xe mình, cố nhớ xem là ai, trong vụ việc nào nhưng nghĩ mãi vẫn không hình dung nổi.
Trong suốt quãng thời gian dài làm Thẩm phán, một kỷ niệm đáng nhớ là sau khi xét xử vụ án tranh chấp con đường đi, ngày 11/3/2014, anh và HĐXX, lãnh đạo TAND tỉnh đã được đương sự gửi thư cảm ơn. Trong “đơn thư cảm ơn” ghi rằng: “Thật là niềm hạnh phúc không những cho gia đình tôi mà còn là những người đã đồng hành cùng tôi từ cấp thôn tới xã, lên huyện và cuối cùng là lên tỉnh. Họ đã không tiếc bao nhiêu ngày công cũng để làm chứng cho sự thật… Hạnh phúc hơn nữa khi chúng tôi kể xong thì tất cả đều vui mừng và phấn khởi. Người thì nói “Như vậy mới thật là công lý”, người khác nói “như vậy mới là Tòa tỉnh chứ”. Tôi thầm nghĩ, tuy không phải là việc của cá nhân họ, nhưng hầu như đã giải tỏa được sự ấm ức mà suốt 8 năm nay, cái họ trông mong là công lý”.
Chính những khó khăn trong cuộc sống, những gian khổ trong công việc đã tu luyện nên một Thẩm phán có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn tốt, hết lòng vì công việc. Đến bây giờ sau 28 năm công tác, anh không thể nào nhớ hết mình đã hòa giải thành công mấy trăm, mấy nghìn vụ án dân sự. Từ những vụ án phức tạp, sau khi nghiên cứu hồ sơ cũng như gặp gỡ làm việc với người dân đã được anh chuyển hóa thành những vụ án đơn giản, giải quyết hợp tình hợp lý, đa số các đương sự đều hài lòng với những phân tích và lập luận mà anh đưa ra.
Là một người công tác chung với Thẩm phán Chiến từ năm 1990 đến nay, hơn ai hết Chánh án TAND tỉnh Đăk Nông, ông Ngô Đức Thọ hiểu rất rõ về con người, tính cách và tác phong làm việc của vị Thẩm phán này. Chánh án Ngô Đức Thọ cho biết Thẩm phán Nguyễn Xuân Chiến là một người có bề dày kinh nghiệm, chịu khó học hỏi, nghiên cứu tìm tòi.
Khi được hỏi về những thành tích cá nhân, Thẩm phán Chiến cho rằng với những kết quả đã đạt được, đó là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ của cả một tập thể chứ không riêng gì cá nhân nào. Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, Thẩm phán Chiến đã được Tổng LĐLĐVN và Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông tặng Bằng khen; liên tục nhiều năm liền đạt chiến sỹ thi đua cơ sở. Ngoài ra anh còn được trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Tòa án, Kỷ niệm chương về xây dựng tổ chức Công đoàn…