Hiện nay, có rất nhiều trường hợp mới ở độ tuổi 25-30, thậm chí là tuổi vị thành niên đã mắc đái tháo đường mà không hay biết.
Theo đó, gần đây Khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận một ca bệnh đái tháo đường type 2 ở bệnh nhân 16 tuổi.
Bệnh nhân P.T.T (16 tuổi ở Hà Nội) có biểu hiện đau đầu, chóng mặt khoảng 10 ngày thì đi khám tại bệnh viện huyện và được chẩn đoán mắc đái tháo đường.
Tại bệnh viện huyện, bệnh nhân được điều trị thuốc uống 7 ngày nhưng đường huyết chưa ổn định nên đã chuyển lên Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân được thăm khám và kết luận mắc đái tháo đường - rối loạn chuyển hóa, kháng insulin, béo phì độ 2 (bệnh nhân cao 1m70 và nặng 90kg), gai đen vùng cổ, buồng trứng đa nang. Tiền sử gia đình bệnh nhân có bà nội và bà ngoại đều mắc đái tháo đường.
Qua khai thác bệnh sử thì bệnh nhân có thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, chiên rán, ít vận động và ngồi tĩnh tại hàng giờ đồng hồ. Hai năm gần đây, bệnh nhân tăng cân nhanh bất thường.
Còn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, cơ sở vừa cứu chữa thành công ca bệnh hôn mê nhiễm toan ceton do đái tháo đường ở trẻ 4 tuổi.
Ths Hoàng Văn Kết, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, bệnh tiểu đường ở trẻ em chủ yếu là đái tháo đường typ 1, tức là thể đái tháo đường phụ thuộc insulin.
Đái tháo đường type 1 (hay còn gọi là tiểu đường tuýp 1) là tình trạng bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng.
Bệnh thường được chẩn đoán ở trẻ em và người trẻ tuổi. Bệnh có thể khởi phát từ vài tháng tuổi, độ tuổi hay gặp nhất là 10-14 tuổi. Tỷ lệ nam/nữ là tương đương nhau. Đái tháo đường type 1 chiếm khoảng 5-10% trong số người mắc bệnh đái tháo đường.
Nguyên nhân gây ra đái tháo đường tuýp 1 thì đến 95% trường hợp do cơ chế tự miễn và 5% không rõ nguyên nhân. Do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin ở tuyến tụy.
Một vài yếu tố nguy cơ như nhiễm virus Coxsackie, Rubella, Cytomegalo... hoặc chế độ ăn tiếp xúc sớm với sữa bò cũng có liên quan tới việc khởi phát bệnh.
Một số kháng thể kháng tế bào beta của tụy cũng có thể tìm thấy ở phần lớn bệnh nhân đái tháo đường type 1. Bên cạnh đó, trước đây nhiều người nhầm lẫn rằng đái tháo đường type 1 là một bệnh lý di truyền, điều này không đúng. Đái tháo đường type 1 không được xếp vào nhóm bệnh rối loạn di truyền.
Tuy vậy thì một người có khả năng mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 cao hơn nếu có người thân trực hệ chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này.
Vì thế khi chúng ta phát hiện xuất hiện các triệu chứng như: Khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm mới ở trẻ chưa bị trước đây.
Đặc biệt là khi xuất hiện kèm theo một số triệu chứng cảnh báo nguy hiểm của đái tháo đường type 1 như đau bụng, nôn, rối loạn ý thức, thở nhanh sâu, hơi thở có mùi trái cây chín (táo chín…) thì người bệnh phải được đưa ngay tới cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán xác định và điều trị một cách kịp thời.