Văn hóa - Du lịch

Nghệ thuật: Sáng tạo không được tách rời chuẩn mực văn hóa và luật pháp

Tuyết Nhung 28/10/2023 - 07:24

Thời gian vừa qua, hàng loạt những vụ việc của các ngôi sao trong showbiz Việt xuất hiện trên mạng bị xử lý khi vi phạm các quy định của pháp luật. Có trường hợp cố ý vi phạm để câu view, tăng like. Nhưng cũng có những trường hợp do vô tình cho rằng đó sáng tạo nghệ thuật. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, những sai phạm đã bị xử lý. Tuy nhiên, những sự việc này một lần nữa đặt ra câu hỏi, những chuẩn mực về văn hoá, pháp luật đang có vai trò như thế nào trong hoạt động nghệ thuật? Vì hai yếu tố này có vai trò quan trọng trong mọi sản phẩm văn hóa đang tồn tại trong xã hội, nhưng chúng lại bị đặt sau cùng của mọi giá trị.

nghe3.jpg
Buổi sớm mai thanh bình và tĩnh lặng giữa biển trời xanh thẳm trong tranh của Thân Trọng Dũng

Những quy định, chế tài riêng cho nghệ thuật

Gần đây, sự việc người mẫu Ngọc Trinh vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ hay việc hai anh em nghệ sĩ Quốc Cơ, Quốc Nghiệp bị gọi lên làm việc vì quay biểu diễn chồng đầu trên đường phố là những ví dụ điển hình cho câu hỏi về việc am hiểu pháp luật của các nghệ sĩ trẻ bây giờ đã được chú trọng?

Dĩ nhiên, là một công dân không hoạt động trong lĩnh vực pháp lý thì họ không buộc phải có những kiến thức sâu rộng về pháp luật. Nhưng dù ở cương vị một người dân bình thường, thì những quy định cơ bản họ vẫn phải nắm được. Chứ chưa đề cập đến đây còn là những nghệ sĩ, những người có tầm ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng, xã hội.

chong-dau.jpg
Hậu trường quay cảnh chồng đầu của Quốc Cơ, Quốc Nghiệp có bảo hộ và ê kíp hỗ trợ - Ảnh cắt từ clip

Khi vi phạm, người nổi tiếng vẫn sẽ bị xử phạt như bao người khác. Tuy nhiên, xã hội sẽ phải có cái nhìn khắt khe hơn. Bởi một cử chỉ, hành động không đúng sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề khi phía sau là rất đông người hâm mộ, những người luôn coi trọng họ.

Dù bất cứ lý do về sáng tạo nghệ thuật hay chỉ sản xuất để phục vụ mục đích quảng cáo, thì những sản phẩm của các nghệ sĩ đưa đến công chúng vẫn phải theo những chuẩn mực chung. Ðiều đó cũng có nghĩa, dù hư cấu, tưởng tượng như thế nào, nghệ sĩ vẫn cần tự ý thức về vai trò của văn hoá, quy định của pháp luật. Để từ đó sáng tạo nên tác phẩm không đi ngược lại các tiêu trí chung của xã hội.

sang-tao-tac-pham-flowers-and-people.jpg
“Flowers and People – Dark” của TeamLab.

Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã ban hành quy định các nghệ sĩ, KOLs (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) có hành vi vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục sẽ bị cấm sóng, hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo. Tuy nhiên, để những quy định này hoạt động thật sự hiệu quả thì cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng. Bản thân các nghệ sĩ cũng phải tự ý thức: đã đến lúc những lượt view, like ảo trên các nền tảng không thể cứu vãn những hành vi sai trái.

Sáng tạo nhưng không thể tách rời Chân - Thiện - Mỹ

Một số quan điểm lại cho rằng, đã là nghệ thuật thì không nên giới hạn sự sáng tạo. Nếu ra khung, bó buộc các tác phẩm, các hoạt động văn hoá thì làm sao để tạo ra đột phá, để phát triển văn hoá nước nhà như những nước khác. Họ cho rằng, điều này ảnh hưởng tới tự do sáng tác, hoặc đó là "cái khung" khiến nghệ sĩ “chết dần” sự sáng tạo.

Đối với họ, lĩnh vực nghệ thuật còn gắn liền với quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ, với những ý tưởng cá nhân có thiên hướng vượt trước, mở đường, thậm chí đôi khi nguy cơ vượt ra khỏi đường biên, khuôn khổ và những giới hạn văn hóa, xã hội thông thường. Con đường và phương thức sáng tạo của người nghệ sĩ đa dạng, muôn hình, muôn vẻ, gắn liền với cá tính sáng tạo và cái tôi cá nhân.

Những quan điểm không sai nhưng vẫn thiếu sót trong một số khía cạnh nào đó. Nếu phân tích, chưa bao giờ luật pháp, những quy định lại đóng khung nghệ thuật. Bởi việc làm đó là không thể. Chẳng ai có thể cân, đo, đong, đếm được nghệ thuật nên không thể nào nói tạo ra khung để hạn chế, để bó buộc các hoạt động của nghệ sĩ.

Mà phải hiểu ở đây chuẩn mực, quy định sẽ giúp nghệ sĩ không dễ dàng bỏ qua các yêu cầu của văn hóa, không bất chấp các yêu cầu của pháp luật để làm ra loại sản phẩm phản văn hóa, hư vô với các giá trị xã hội ưu việt đã tạo dựng tiền đề phát triển con người.

Về giới hạn tự do sáng tạo trong nghệ thuật, dù tồn tại các quan niệm khác nhau, nhưng vẫn cần nhận thức một vấn đề rằng, không chỉ ở Việt Nam, ở mọi quốc gia trên thế giới, nghệ sĩ trước hết là công dân của xã hội và hoạt động sáng tạo của họ phải đáp ứng được những chuẩn mực mà văn hóa và luật pháp đặt ra.

Vì thế, sáng tạo nghệ thuật không chỉ là công việc của tài năng, mà còn trực tiếp liên quan hiểu biết và sự nhạy cảm, nhất là liên quan trách nhiệm công dân của nghệ sĩ. Trong đời sống nghệ thuật, không ít thí dụ cho thấy có thể không cố ý, nhưng sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ đã vượt ra ngoài khuôn khổ văn hóa và pháp luật, dẫn đến việc bị dư luận phản ứng, lên án, thậm chí bị cơ quan luật pháp xử lý với các hình thức khác nhau.

nghe.jpg
Ảnh minh hoạ.

Thực tiễn hoạt động tinh thần của xã hội cho thấy, ý tưởng nghệ thuật là tài sản riêng, là kết tinh của tài năng, sự trải nghiệm, sự ưu tư và mối trăn trở... của nghệ sĩ; từ ý tưởng đến sự ra đời tác phẩm là quá trình lao động nghệ thuật phức tạp. Vì thế phần nào có thể chấp nhận những thử nghiệm sáng tạo sự ngẫu hứng. Nhưng khi đã đưa tác phẩm đến với công chúng, trong bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào, nghệ sĩ cũng không thể nhân danh sáng tạo nghệ thuật để đưa tới cho công chúng loại sản phẩm kỳ quái, trái thuần phong mỹ tục, xuyên tạc lịch sử, vi phạm các chuẩn mực đạo đức.

Nghệ sĩ có quyền sáng tạo, nhưng nếu khi nghệ sĩ không tự mình kiểm soát, điều chỉnh phù hợp với chuẩn mực văn hóa và yêu cầu luật pháp thì kết quả sáng tạo sẽ bị xã hội và công chúng lên án, tẩy chay.

Thực hiện: Tuyết Nhung

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật: Sáng tạo không được tách rời chuẩn mực văn hóa và luật pháp