Ngày 28/7, tại TP. Cần Thơ, TANDTC phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo về phương pháp giảng dạy và chương trình đào tạo của Học viện Tòa án trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam”, giai đoạn 2021-2025 do JICA tài trợ.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS Phạm Minh Tuyên, Thẩm phán cao cấp, Giám đốc Học viện Tòa án cùng với cán bộ, thẩm phán của các Tòa án khu vực phía Nam: Sóc Trăng, Cần Thơ, Bến Tre, Bình Dương, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang…
Về phía Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản có ông TSUKAHARA Masanori, chuyên gia dài hạn JICA; ông SAKAMOTO Tatsuya, nguyên Thẩm phán, giảng viên Vụ Hợp tác Quốc tế, Viện nghiên cứu và Đào tạo Bộ Tư pháp Nhật Bản.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Tuyên, Thẩm phán cao cấp, Giám đốc Học viện Tòa án đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các chuyên gia thuộc các cơ quan pháp luật của Nhật Bản trong việc phối hợp với các đối tác Việt Nam triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Dự án.
Sau Hiến pháp năm 2013, giao nhiệm vụ cho TAND ngoài việc xét xử, thực hiện tư pháp bảo vệ công lý. Đặc biệt Nghị quyết 27 của Trung ương xác định và định hướng tiếp tục lộ trình cải cách tư pháp đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết của Đảng cũng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp Tòa án là làm sao Tòa án phải mang tính độc lập, làm sao để nâng cao nhiệm vụ của Tòa án và bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tập thể, cá nhân.
Để đạt được mục đích đó, hệ thống Tòa án phải không ngừng nâng cao các vấn đề bồi dưỡng, nghiệp vụ, đảm bảo nguồn Thẩm phán sẵn có và đào tạo nguồn nhân lực của hệ thống Tòa án cho tương lai.
Tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Tuyên chia sẻ một số ý kiến tăng cường năng lực cho giảng viên của Học viện Tòa án; nội dung giảng dạy các môn pháp luật nói chung và các kỹ năng cơ bản của người Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên trong hoạt động xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án, cũng chính là đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Chính vì vậy, nội dung để truyền đạt cho học viên phải xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ của hệ thống TAND từ trình độ và năng lực thực tiễn của cán bộ trong từng giai đoạn. Những vấn đề lý luận phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, thực chất lý luận với tính chất là sự tổng kết thực tiễn do đó rất rộng và khó, dẫn đến việc giảng dạy cảm thấy khô khan. Vì vậy, cần phải biên soạn tài liệu một cách ngắn gọn, dễ hiểu, tránh nói dài, viết dài.
Muốn cải cách chất lượng bài giảng, điều quan trọng là phải cải cách hay đổi mới phương pháp giảng và dạy học. Phương pháp giảng dạy sẽ có những tác động tích cực lên phương pháp học của các học viên. Tuy nhiên, phương pháp giảng dạy có hấp dẫn và hiệu quả đối với các học viên hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Theo PGS.TS Phạm Minh Tuyên, việc nâng cao chất lượng bài giảng, đối với người giảng viên, tưởng như là một vấn đề đã cũ. nhưng đã là người giảng viên thì ai cũng phải chú ý đến việc nâng cao chất lượng bài giảng.
Ngoài ra, muốn nâng cao chất lượng giảng dạy cần chú ý 3 vấn đề như: Các giảng viên giảng dạy tại Học viện Tòa án cần phải xác định phương pháp giảng dạy cho mình là “lấy người học làm trung tâm”.
Nâng cao chất lượng giảng dạy là kết quả của một quá trình, trong đó có sự đầu tư, đổi mới từ nhiều khâu, trước hết là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy bao gồm cả giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm chức.
Mỗi giảng viên phải tự mình nghiên cứu và tích cực trong học tập nâng cao trình độ, nhất là trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình có liên quan đến lĩnh vực giảng dạy nhằm nâng cao khả năng tư duy lý luận và tư duy thực tiễn của mình.
Ông Sakamoto Tatsuya, nguyên Thẩm phán giảng viên Vụ Hợp tác Quốc tế, Viện nghiên cứu và Đào tạo Bộ Tư pháp Nhật Bản chia sẻ về chế độ đào tạo chung nguồn Thẩm phán tại Nhật Bản, bồi dưỡng chung nguồn Thẩm phán, Công tố viên, Luật sư (Đến khi trở thành Thẩm phán) và Đào tạo thường xuyên (Kể từ khi trở thành thẩm phán), các trường luật, kỳ thi Tư pháp, Câu hỏi trong kỳ thi, tập sự Tư pháp…
Những thí sinh có nguyện vọng trở thành Thẩm phán, Công tố viên hoặc Luật sư, sau khi thi đỗ kỳ thi tư pháp chung, trải qua thời gian tập sự tư pháp chung tại Viện Đào tạo Tư pháp và thi đỗ kì thi tốt nghiệp, sẽ có tư cách để trở thành Thẩm phán, Công tố viên hoặc Luật sư.
Trước đây, ở trường đại học, việc đào tạo luật tập trung chủ yếu vào Bồi dưỡng chung nguồn Thẩm phán, Công tố viên, Luật sư (Ảnh hưởng từ hệ thống của Pháp). Tuy nhiên, trước thế chiến, mục tiêu hàng đầu của Nhật Bản là tăng cường, củng cố sức mạnh quốc gia, vì thế khoa luật được kỳ vọng là nơi đào tạo, phát triển các quan chức tư pháp, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, và nội dung chương trình giảng dạy cũng thay đổi.
Ngay cả hiện tại, phần lớn sinh viên tốt nghiệp khoa luật đang công tác trong các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, chưa đến 10% tổng số các sinh viên khoa luật học tiếp lên trường Luật.
Không chỉ riêng khoa luật, việc giáo dục đại học tại Nhật Bản không chỉ đề cập đến đào tạo chuyên môn mà còn cả giáo dục phổ thông. Do đó, không phải dành cả 4 năm học để đào tạo chuyên môn, mà cũng cần phải dành thời gian để học các môn Ngoại ngữ, Khoa học nhân văn, Khoa học tự nhiên.
Hiện nay ở Nhật bản có 34 trường trên toàn quốc (Trong đó có 15 trường quốc lập, 2 trường công lập và 17 trường tư thục)…
Mục tiêu là nắm bắt được lý luận cơ bản về pháp luật từ việc học kiến thức cơ bản của các môn luật và hệ thống pháp luật. Sử dụng những ví dụ đơn giản.
Trên cơ sở những lý luận luật cơ bản đã được học tại đại học, sinh viên sẽ học giải thích luật trong vụ việc thực tế. Ví dụ như: Giải thích luật nội dung trên cơ sở xem xét cách thức quy định của luật với tư cách là một quy phạm pháp luật khi áp dụng vào một trường hợp cụ thể.
Không chỉ học lý thuyết mà còn học cách đánh giá tình huống cụ thể, cách áp dụng luật và đưa một số kiến thức hành nghề luật vào chương trình giảng dạy. Giáo trình sử dụng là các sách thực hành, sách so sánh các vụ án, vụ việc đơn giản, giảng dạy cho số ít học viên, giải đáp câu hỏi.
Sau khi được bổ nhiệm, các Thẩm phán được bố trí tại các Tòa án khu vực của từng địa phương. Trở thành thành viên của Hội đồng xét xử dân sự hoặc hình sự và nhận hướng dẫn từ các Thẩm phán đi trước.
Sau 5 năm kể từ khi được bổ nhiệm, họ có thể giải quyết vụ việc một cách độc lập. Trong vòng 10 năm sau khi được bổ nhiệm, cứ khoảng 2-3 năm lại có một lần chuyển vị trí công tác, và tiếp tục cứ khoảng 3-4 năm sẽ có một lần chuyển. Trong vòng 10 năm sau khi được bổ nhiệm, họ có thể trải nghiệm việc du học ở nước ngoài, vào trong các cơ quan trong chính phủ.
Trên cơ sở nền tảng của mối quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước có sự phát triển vượt bậc, hỗ trợ hiệu quả cho các cơ quan Việt Nam trong cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ pháp luật và tư pháp.
Trong thời gian tới, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật ở Việt Nam tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá chiến lược để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước. Trong bối cảnh đó, Dự án JICA giai đoạn 2021-2025 là sự hợp tác kịp thời để tiếp tục hỗ trợ việc cải cách pháp luật và cải cách tư pháp tại Việt Nam.