Mất tiền, bị giam trong trại tị nạn vì đường dây đưa người đi nước ngoài trái phép

Gia Ân – Huyền Trang| 13/08/2021 19:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cầm cố sổ đỏ, vay tiền để nộp cho Hương lo thủ tục đi nước ngoài, nhưng điều mà nhiều người nhận lại không như mong đợi. Có người sau khi bỏ cả trăm triệu để ra nước ngoài thì bị trục xuất về Việt Nam. Không ít trường hợp bị bắt vào trại tị nạn. Người may mắn hơn thì hiện đang ở nước ngoài nhưng phải sống chui lủi, không có công ăn việc làm. Do đó, tại phiên tòa xét xử bị cáo Hương, người thân của nhiều bị hại đã yêu cầu bị cáo trả tiền, trả người về cho họ.

TAND tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Thị Hương (41 tuổi) trú xã Mã Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”; bị cáo Trịnh Ngọc Thái (33 tuổi), trú xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu (Nghệ An) bị truy tố về tội “Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Phan Thị Hương làm nông nghiệp tại địa phương. Khoảng năm 2017, Hương quen biết một số người làm dịch vụ đưa người đi du lịch nước ngoài nên đã nảy sinh ý định tìm người để môi giới cho họ nhằm hưởng hoa hồng.

Dù không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động tư vấn, môi giới, tuyển dụng, đưa người lao động Việt Nam sang nước ngoài lao động làm việc nhưng từ tháng 3/2018 đến tháng 10/2019, Phạm Thị Hương cấu kết với một số đối tượng và đã 3 lần tổ chức cho 10 lao động đi ra nước ngoài làm việc nhằm mục đích kiếm lời.

img_0108.jpg

Bị cáo Phạm Thị Hươngtại phiên tòa

Lần thứ nhất là vào tháng 3/2018, Phạm Thị Hương nhận 28.000 USD (khoảng gần 650 triệu đồng) và hồ sơ của một người phụ nữ ở Nghệ An để làm thủ tục cho con trai của chị đi du lịch Newzealand theo diện tự túc. Tháng 11/2018, lao động này bay sang Newzealand rồi ở lại cho đến nay. Lần này, Hương hưởng lợi 500 USD.

Từ tháng 3/2018 đến tháng 7/2019, Hương bàn bạc, thống nhất với Hà Văn Diền (người Hương tình cờ quen trong một lần ra sân bay) để tổ chức cho 8 công dân xuất cảnh sang Mỹ rồi trốn ở lại lao động. Hương đã nhận hồ sơ và thu của 8 gia đình các công dân tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng và 105.000 USD. Số tiền trên, Hương đã chuyển cho Diền 860 triệu đồng và 115.000 USD.

Lần thứ ba là trong khoảng tháng 10/2019, Hương đã nhận hồ sơ và 5.000 USD để tổ chức cho một người phụ nữ xuất cảnh sang Mỹ. Tuy nhiên, việc xuất cảnh không được nên người này phải trở về Nghệ An.

Thông tin từ cơ quan chức năng và trình bày của gia đình bị hại, các công dân được Hương tổ chức đi nước ngoài, có người sau khi sang bằng hình thức du lịch đã bỏ trốn ở lại. Nhưng cũng có người bị các nước trục xuất trở về hoặc bị bắt về trại tị nạn ở Panama, Colombia.

img_0101.jpg

Một bị hại yêu cầu Hương phải trả lại tiền và đưa người thân của họ về nước

Về phần Hương, sau khi không đưa được người đi nước ngoài đã trả lại cho mộ gia đình một số công dân hơn 600 triệu đồng và 23.000 USD. Như vậy, tổng số tiền Hương chưa chuyển, trả và hưởng lợi là hơn 422 triệu đồng. Trong vụ án này, Trịnh Ngọc Thái đã có hành vi môi giới 2 công dân cho Hương để đi Mỹ, hưởng lợi 23 triệu đồng.

Tại phiên tòa, bị cáo Hương thừa nhận việc nhận tiền, hồ sơ, hứa đưa người đi nước ngoài lao động bằng con đường du lịch. Bị cáo khai hiểu điều đó là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện vì hám lợi.

Nhiều gia đình bị hại đến tham dự phiên tòa đã ứa nước mắt khi nhắc về cuộc sống của người thân mình tại trại tị nạn Colombia. “Vì cuộc sống khó khăn, tôi quyết định để chồng đi nước ngoài làm việc. Gia đình tôi phải vay mượn tiền bạc, cắm sổ đỏ để đưa cho Hương. Ngày chồng lên máy bay tôi háo hức bao nhiêu thì nay lại lo lắng bấy nhiêu vì anh ấy đang bị nhốt tại trại tị nạn. Theo thông tin từ chồng tôi báo về, anh ấy đang bị nhốt bên Colombia, cuộc sống thiếu thốn. Chúng tôi còn phải vay mượn tiền để gửi sang bên đó cho chồng. Rất khổ cực...”, một bị hại trình bày và yêu cầu bị cáo phải hoàn trả số tiền đã nhận, đồng thời phải đưa chồng của chị về nước an toàn.

Một bị hại chung hoàn cảnh như trên cũng cho biết, họ đã từng ra đại sứ quán để nhờ can thiệp đưa người về nhưng không được. Hơn 2 năm nay, họ phải gửi cả trăm triệu sang cho người thân đang ở trại tị nạn. Hiện, yêu cầu duy nhất của họ là bị cáo Hương phải trả lại toàn bộ tiền đã nhận và đưa người về.

Bị cáo Thái khai vì làm nghề bán vé máy bay nên đã nhận thêm dịch vụ tư vấn, đưa người đi nước ngoài. Bị cáo thừa nhận đã môi giới cho Hương 2 người đi nước ngoài. Hai bị cáo thể hiện sự hối lỗi, xin giảm nhẹ hình phạt.

Sau khi xem xét vai trò của từng bị cáo trong vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Hương 4 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Bị cáo Trịnh Ngọc Thái lĩnh án 15 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mất tiền, bị giam trong trại tị nạn vì đường dây đưa người đi nước ngoài trái phép