Khoanh vùng được chuỗi lây nhiễm trong Bệnh viện Việt Đức

Thảo Nguyên| 03/10/2021 20:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, các địa phương đều đã nắm được danh sách bệnh nhân xuất viện từ ngày 15/9 đến nay tại cơ sở y tế này.

Từ ca Covid-19 đầu tiên ghi nhận chiều 30/9, đến nay chùm ca bệnh liên quan Bệnh viện Việt Đức đã có 25 F0 được phát hiện tại Hà Nội. Ngoài ra, 4 tỉnh khác là Hải Dương, Hà Tĩnh, Nam Định, Hưng Yên cũng ghi nhận ca bệnh liên quan đến cơ sở y tế này.

Ngày 3/10, ông Trương Quang Việt - Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, hôm nay cơ quan này đã phối hợp lấy mẫu đợt 2 sau 3 ngày cho khoảng 4.000 người, gồm bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế/người lao động trong Bệnh viện Việt Đức và người dân sống xung quanh khu vực .

Gần 17h chiều 3/10, khoảng 4.000 mẫu xét nghiệm Covid-19 liên quan Bệnh viện Việt Đức được bàn giao tới CDC Hà Nội, dự kiến sẽ có kết quả trong tối nay.

mau.jpeg
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho những người có liên quan.

Theo ông Trương Quang Việt, sau đợt lấy mẫu này, CDC Hà Nội sẽ điều tra, truy vết và đánh giá chùm ca bệnh tại Bệnh viện Việt Đức một cách chính xác. Mục tiêu là không bỏ sót F0, F1 hay những ca nghi ngờ.

"Chúng tôi cơ bản đã khoanh vùng được chuỗi lây nhiễm bên trong Bệnh viện Việt Đức, gồm cả những bệnh nhân xuất viện từ ngày 15/9 đến nay. Các địa phương đều đã nắm danh sách bệnh nhân và tổ chức kiểm soát", ông Việt nhấn mạnh và cho biết, dựa trên kết quả xét nghiệm lần này, CDC Hà Nội sẽ tham mưu phương án phòng chống dịch tiếp theo cho Bệnh viện Việt Đức và quận Hoàn Kiếm.

Ngoài gần 150 người liên quan được đưa đi cách ly tập trung ở Chương Mỹ trong đêm qua, CDC Hà Nội tiếp tục đề xuất đưa người nhà bệnh nhân trong bệnh viện đi cách ly.

Đây là bệnh viện tuyến cuối, bệnh nhân/người nhà bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh khác nhau ngoài Hà Nội do đó, công tác truy vết gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, bệnh viện nằm trong khu phố trung tâm, cần giảm mật độ người đảm bảo giãn cách trong bệnh viện, hạn chế lây nhiễm chéo.

CDC Hà Nội nhận định, bệnh nhân di chuyển nhiều giữa các khoa, phòng khác nhau, làm tăng độ tiếp xúc và nguy cơ. Còn người nhà bệnh nhân chỉ có một không gian hạn chế để sinh hoạt, vào giờ bác sĩ thăm khám, họ buộc phải ra khỏi phòng bệnh, đi các vùng khác nhau trong bệnh viện.

"Khoảng 1.100 người nhà bệnh nhân trong bệnh viện là áp lực rất lớn cho việc đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch", ông Việt nói.

Bệnh viện sẽ đảm bảo tối đa nguồn nhân lực và nguồn lực y tế để chăm sóc bệnh nhân, giúp người nhà bệnh nhân yên tâm đi cách ly tập trung. Bệnh viện Việt Đức đã thành lập tổ công tác phòng, chống dịch, có sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, CDC, quận Hoàn Kiếm và Trung tâm y tế quận.

Hiện, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chỉ dừng tiếp nhận bệnh nhân thông thường, vẫn tiếp tục phân bố luồng riêng để tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, chạy thận mà các bệnh viện khác chưa điều phối được.

Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, sau khi phát hiện ca bệnh là người nhà vào chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức, quận đã chỉ đạo Trung tâm y tế phối hợp với CDC Hà Nội và bệnh viện để phong tỏa, phun khử khuẩn toàn bộ tòa nhà D. 

Bên cạnh đó, chỉ đạo phường Hàng Trống đóng cửa các cửa hàng dọc phố Phủ Doãn (đoạn từ phố Hàng Bông đến phố Tràng Thi). Tạm thời phong tỏa, điều tra các hộ dân và cơ sở kinh doanh trên đoạn phố này để lấy mẫu xét nghiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoanh vùng được chuỗi lây nhiễm trong Bệnh viện Việt Đức