Luật TNBTNN 2017: Yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án

PV| 07/11/2017 08:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Luật TNBTNN năm 2017 đã bổ sung điều luật mới quy định riêng đối với việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án.

Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường

So với Luật TNBTNN năm 2009, Luật TNBTNN năm 2017 đã bỏ quy định về yêu cầu thi hành án dân sự đối với bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường tại khoản 5 Điều 54 của Luật TNBTNN năm 2009. Đồng thời, quy định cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường cho người yêu cầu bồi thường theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có liên quan phải thực hiện việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác cho người bị thiệt hại theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường.

Luật TNBTNN năm 2017 đã bổ sung 1 điều luật mới (Điều 55) quy định riêng đối với việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án. Theo đó, việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính có nội dung yêu cầu bồi thường được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng hành chính. Thời điểm chấp nhận yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính là thời điểm Tòa án có thẩm quyền thụ lý yêu cầu bồi thường.

Việc xác định thiệt hại được bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính được thực hiện theo quy định của luật này sau khi Tòa án có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Luật TNBTNN 2017: Yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án

Họp báo thông tin về quá trình thương lượng bồi thường cho người bị oan sai

Luật cũng quy định rõ những nội dung cần phải có của bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính. Trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không đồng ý với nội dung giải quyết bồi thường trong bản án, quyết định của Tòa án hoặc bản án, quyết định của Tòa án không có nội dung giải quyết bồi thường thì chỉ được tiếp tục thực hiện quyền yêu cầu bồi thường theo thủ tục tố tụng.  Luật cũng quy định rõ TANDTC hướng dẫn thi hành Điều luật này.

 Thủ tục phục hồi danh dự

 Luật TNBTNN năm 2017 đã sửa đổi toàn diện quy định về khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại (từ Điều 55 đến Điều 57) theo hướng quy định cụ thể hình thức tiến hành phục hồi danh dự, thủ tục, thời hạn thực hiện tổ chức trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo xin lỗi, cải chính công khai cụ thể:

Thứ nhất, về đối tượng phục hồi danh dự.

Tại khoản 1 Điều 51 Luật TNBTNN năm 2009 quy định: Người bị thiệt hại quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 26 của luật này hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu khôi phục danh dự trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật. Như vậy việc phục hồi danh dự chỉ được áp dụng đối với các trường hợp người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Luật TNBTNN năm 2017 đã mở rộng đối tượng được phục hồi danh dự, bao gồm: người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự và các trường hợp bị buộc thôi việc trái pháp luật, bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc trái pháp luật.

Luật TNBTNN năm 2017 quy định rõ các hình thức phục hồi danh dự tương ứng với từng đối tượng được bồi thường, cụ thể: Việc phục hồi danh dự đối với người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện bằng các hình thức: Trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai tại nơi cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc tại nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại; Đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.

Việc phục hồi danh dự đối với cá nhân là người bị thiệt hại trong trường hợp bị buộc thôi việc trái pháp luật, bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện bằng hình thức đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.

 Luật TNBTNN năm 2009 cũng có quy định về hình thức thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai tại khoản 3 Điều 51, tuy nhiên chưa thực sự cụ thể. So với quy định cũ, quy định mới đã quy định cụ thể hơn về các hình thức phục hồi danh dự cho người bị hại.

Luật TNBTNN năm 2017 đã cụ thể hóa từng đối tượng bồi thường, đối với cá nhân và pháp nhân thương mại trong hai lĩnh vực bồi thường: Tố tụng hình sự và đối với người bị thiệt hại trong trường hợp bị buộc thôi việc trái pháp luật, bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật TNBTNN năm 2009, việc khôi phục danh dự được thực hiện theo yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại và được yêu cầu trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật. Luật TNBTNN năm 2017 đã quy định rất rõ về việc chủ động phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kể từ ngày có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người bị thiệt hại về việc Nhà nước tổ chức thực hiện phục hồi danh dự.

Việc chuyển từ quy định phục hồi danh dự theo yêu cầu sang chủ động phục hồi danh dự thể hiện đúng tinh thần của hoạt động phục hồi danh dự, phát huy đầy đủ quyền Hiến định của người dân trong các trường hợp bồi thường nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật TNBTNN 2017: Yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án