Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án hành chính

Mai Thoa| 04/02/2020 13:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xét xử án hành chính hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có những bất cập từ các quy định của pháp luật. Những địa phương có lượng án lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, áp lực ngày càng tăng trong lĩnh vực này.

Trong bối cảnh khó khăn chung đó, có nhiều đơn vị có những giải pháp khắc phục rất hiệu quả, điển hình như Tòa án hai cấp TP Hồ Chí Minh.

Những khó khăn thực tế

Từ ngày 01/7/2016, theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì toàn bộ các vụ án hành chính có người bị kiện là Chủ tịch UBND và UBND cấp huyện sẽ do Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Do đó, hiện nay hầu hết các vụ án hành chính sơ thẩm đều tập trung ở Tòa án cấp tỉnh.

Theo thống kê tại các Tòa án có số vụ án hành chính tăng cao như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cho thấy, các khiếu kiện hành chính thuộc nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước nhưng thường liên quan đến các lĩnh vực như: quản lý đất đai (Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký cập nhật biến động về nhà đất…); lĩnh vực xây dựng (cấp giấy phép xây dựng, buộc tháo dỡ công trình xây dựng…); lĩnh vực thuế, hải quan (thu thuế, truy thu thuế, thu tiền sử dụng đất, áp giá hàng hóa nhập khẩu)…

Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án hành chính

Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Phong

Tuy nhiên, công tác xét xử gặp không ít khó khăn, trở ngại trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, cụ thể như:

Việc tống đạt các văn bản tố tụng cho người bị kiện là UBND hay Chủ tịch UBND gặp phải khó khăn do người bị kiện rất ít khi trực tiếp tham gia tố tụng, đồng thời cũng không ủy quyền cho cấp phó trực tiếp tham gia tố tụng để nhận các văn bản tố tụng của Tòa án. Khi Tòa án tống đạt văn bản tố tụng qua bộ phận văn thư của người bị kiện, thì những người này thường không đồng ý ký tên vào biên bản tống đạt để việc tống đạt được hợp lệ.

Việc trả lời Thông báo thụ lý vụ án của Tòa án và cung cấp tài liệu chứng cứ cho Tòa án cũng rất chậm, thậm chí có nhiều vụ thụ lý hơn 1 năm nhưng người bị kiện vẫn chưa có ý kiến đối với yêu cầu của người khởi kiện và chưa cung cấp tài liệu chứng cứ liên quan cho Tòa án.

Người bị kiện rất ít khi trực tiếp tham gia tố tụng đồng thời cũng không ủy quyền cho cấp phó trực tiếp tham gia tố tụng, không trả lời ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện nên Tòa án thường không thể tiến hành đối thoại được và việc giải quyết vụ án luôn bị kéo dài vì Tòa án phải lần lượt triệu tập lấy lời khai, yêu cầu cung cấp chứng cứ, tiến hành đủ hai lần đối thoại, hai lần triệu tập xét xử mới xét xử vắng mặt được; thường làm cho người khởi kiện bức xúc, phản ứng rất gay gắt, không đồng tình việc Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt người bị kiện và khiếu nại, yêu cầu thay đổi Thẩm phán.

Việc giải quyết án hành chính liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, đặc biệt là các quy phạm pháp luật về đất đai có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ đòi hỏi có nhiều thời gian tập hợp, tìm hiểu, trao đổi, nghiên cứu.

Theo Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Phong: Trong cùng một dự án với các hồ sơ pháp lý giống nhau, bản án có hiệu lực pháp luật lại bị kháng nghị giám đốc thẩm. Khi giải quyết các vụ tương tự, các Thẩm phán thường chần chừ giải quyết để đợi kết quả xét xử giám đốc thẩm. Với các hồ sơ pháp lý giống nhau nhưng kết quả xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm của Tòa án lại khác nhau cũng làm cho các Thẩm phán e dè, không yên tâm khi giải quyết những vụ tương tự...

Đặc biệt, một số Thẩm phán vẫn còn tâm lý e ngại khi phải xét xử đối với các quyết định hành chính, hoặc hành vi hành chính của lãnh đạo các cơ quan hành chính nhà nước (nhất là các Thẩm phán mới được điều động, phân công xét xử án hành chính).

Tình trạng thiếu Thư ký nghiệp vụ tại các Tòa án quận huyện, một số Thư ký kiêm nhiệm công tác khác hoặc phải giúp việc cho nhiều Thẩm phán nên dẫn đến tình trạng thiếu người giúp việc đối với công việc thuộc nhiệm vụ của thư ký. Một số Thẩm phán sơ cấp mới được bổ nhiệm cần thời gian tiếp cận, tìm hiểu công việc chưa thể xét xử ngay được…

Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án hành chính

Phiên tòa xét xử vụ án hành chính.

Kinh nghiệm từ Tòa án hai cấp TP. Hồ Chí Minh

Trước tình hình đó, Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Phong cho biết, Tòa án hai cấp của TP đã có nhiều giải pháp khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hành chính theo Nghị quyết số 96/2019/QH-14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội. Trong đó đáng chú ý là việc nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh, trách nhiệm của đội ngũ Thẩm phán, Thư ký.

Tại TAND Thành phố Hồ Chí Minh, các Thẩm phán Tòa Hành chính được chia thành các tổ Thẩm phán, mỗi tổ đi sâu nghiên cứu và thực hiện việc giải quyết vụ án theo từng lĩnh vực của quản lý nhà nước bị khiếu kiện như: Tổ chuyên thụ lý giải quyết các khiếu kiện liên quan đến nhà đất; nhóm chuyên thụ lý giải quyết các khiếu kiện về thuế; tổ chuyên thụ lý giải quyết các khiếu kiện về xử lý vi phạm hành chính; tổ chuyên thụ lý giải quyết các khiếu kiện về hoạt động của các doanh nghiệp... nếu xảy ra vướng mắc tập thể tổ sẽ cùng nhau bàn bạc, thống nhất, nếu vẫn còn vướng mắc thì trao đổi với tập thể lãnh đạo Tòa. Trường hợp vẫn còn vướng mắc thì trao đổi với Ủy ban Thẩm phán để cùng tháo gỡ.

Tại các Tòa án cấp huyện tuy không thành lập Tòa Hành chính nhưng việc thụ lý, giải quyết vụ án hành chính cũng được giao cho một số Thẩm phán chuyên trách. Nếu xảy ra vướng mắc các Thẩm phán sẽ cùng nhau bàn bạc, thống nhất, nếu vẫn còn vướng mắc thì trao đổi với tập thể lãnh đạo Tòa án cấp huyện. Trường hợp vẫn còn vướng mắc thì trao đổi với Tòa Hành chính TAND thành phố và Ủy ban Thẩm phán TAND thành phố để cùng tháo gỡ.

Thông qua việc giải quyết vụ án, các Thẩm phán phải nêu được các khó khăn, vướng mắc, cùng với việc tập hợp vướng mắc của lãnh đạo Tòa Hành chính, của Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án, TAND Thành phố tổ chức các buổi tập huấn với báo cáo viên là các thẩm phán TAND tối cao, lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo Tòa Hành chính và các chuyên gia thuộc các cơ quan chuyên môn để bồi dưỡng thêm kiến thức cho các thẩm phán và cùng trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Việc thụ lý giải quyết và tiến độ giải quyết vụ án của các Thẩm phán được cập nhật vào hệ thống công nghệ thông tin của Tòa án, các Thẩm phán phải theo dõi tiến độ vụ án, không để vụ án bị quá hạn. Lãnh đạo Tòa chuyên trách và lãnh đạo Tòa án phải theo dõi số lượng và tiến độ giải quyết vụ án của Thẩm phán để phân công hồ sơ, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở... trên cơ sở số liệu, thông tin được thể hiện trên hệ thống, Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án phải kiểm tra các vụ án hành chính đang tạm đình chỉ về căn cứ tạm đình chỉ, các biện pháp khắc phục lý do tạm đình chỉ mà các Thẩm phán đã thực hiện và yêu cầu Thẩm phán phải tiếp tục giải quyết khi lý do tạm đình chỉ đã hết.

Thông qua Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy, Ban cán sự Đảng TAND TP Hồ Chí Minh tổ chức các buổi làm việc, tọa đàm với UBND Thành phố, các quận huyện uỷ, các Sở, Ban ngành và các UBND cấp huyện để cùng trao đổi, góp ý về các hạn chế, thiếu sót, khó khăn, vướng mắc tư phía cơ quan tiến hành và cơ quan tham gia tố tụng, từ đó, có những giải pháp để hoàn thiện, khắc phục.

TAND TP cũng tập hợp các vụ án có yêu cầu thu thập chứng cứ nhưng chưa được các cơ quan hành chính cung cấp gửi đến các cơ quan này đôn đốc đồng thời gửi cho ban, ngành TP đề nghị giám sát việc thực hiện hoặc hỗ trợ, đôn đốc việc thực hiện.

Trong một số trường hợp cần thiết, nhằm hỗ trợ cho hoạt động của các Thẩm phán, lãnh đạo TAND TP và lãnh đạo TAND quận huyện còn chủ động trao đổi, làm việc trực tiếp với lãnh đạo các sở, ban ngành, quận huyện ủy và UBND các quận huyện để tìm hiểu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó là sắp xếp hợp lý hệ thống phòng xử án, phòng đối thoại, cân đối kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động xét xử.

Quán triệt Thẩm phán, thư ký Tòa án phải nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp; Thẩm phán có án tạm đình chỉ, án giải quyết chậm phải giải trình lý do và nêu được giải pháp khắc phục. Các trường hợp chậm giải quyết vụ án, có án bị hủy, sửa với lỗi chủ quan đều phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án hành chính