Nghiệp vụ

TANDTC trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Nông về hạn chế trong xét xử các vụ án hành chính hiện nay

Mai Đỉnh 03/10/2023 - 21:49

Vụ Giám đốc kiểm tra III - TANDTC vừa mới ban hành Công văn 153/CV-GĐKTIII ngày 03/10/2023, về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Nông.

Công văn 153/CV-GĐKTIII ngày 03/10/2023, nêu rõ: TANDTC nhận được kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông gửi tới sau Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến với nội dung: “Người bị kiện trong hầu hết các vụ án hành chính (nhất là liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng) là Chủ tịch và UBND các cấp thường có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt, chỉ cứ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tham gia phiên tòa. Việc người bị kiện hoặc đại diện theo ủy quyền của người bị kiện vắng mặt tại phiên tòa dẫn đến việc không bảo đảm nguyên tắc tranh tụng khi giải quyết vụ án hành chính, do theo quy định thì Hội đồng xét xử chỉ được đặt câu hỏi đổi với người bị kiện, không được đặt câu hỏi đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện nên khó khăn trong việc thẩm tra tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa; không thể yêu cầu người bị kiện cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh tại phiên tòa; không thể tiến hành đối thoại tại phiên tòa khi thấy cần thiết; không xử lý được yêu cầu rút đơn khởi kiện do quy định yêu cầu phải có ý kiến của người bị kiện. Thực tế hiện nay cho thấy, tại một số địa phương, đối tượng bị khởi kiện hành chính (cơ quan Nhà nước) lại chưa tích cực trong tham gia tố tụng dẫn đến nhiều vướng mắc trong xét xử án hành chính. Khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính có quy định về người đại diện “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức, hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người đại diện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện"; so với quy định trước đó đã “bó hẹp” phạm vi và chủ thể được ủy quyền tham gia tố tụng nên dẫn đến trường hợp “người bị kiện” không tham gia làm việc, đối thoại, không tham gia phiên tòa sơ thẩm, phải tiến hành xét xử vắng mặt. Mặc dù việc xét xử vụ án khi vắng mặt người bị kiện vẫn được tiến hành theo quy định tại Điều 157, 158 của Luật Tố tụng hành chính tuy nhiên lại nảy sinh bất cập. Khi xét xử vắng mặt thì bên bị kiện không đủ điều kiện để nắm bắt đầy đủ các diễn biến hoặc tham gia ý kiến để TAND ban hành phán quyết phù hợp, tạo thuận lợi trong tổ chức thì hành án. Ngược lại, ở góc độ người khởi kiện (người dân), trong một số trường hợp nguyện vọng của họ là gặp gỡ, đối thoại với người ban hành quyết định hành chính, có hành vi hành chính liên quan đến mình nhưng việc vắng mặt đã khiến họ ngày càng bức xúc (nổi lên nhiêu nhất ở mảng giải tỏa thu hồi đấi). Bên cạnh đó, việc xác minh, thu thập chứng cứ trong các vụ án hành chính cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thời gian xác minh, thu thập chứng cứ thường kéo dài. Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp vừa là đơn vị tham mưu ban hành quyết định hành chính, vừa là đơn vị được giao nhiệm vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án nên việc thực hiện chưa đảm bảo yêu cầu, nhất là trong các vụ việc có nhiều khả năng buộc thực hiện theo yêu cầu người khởi kiện. Điều này khiến vụ án kéo dài, tồn đọng còn nhiều. Vì vậy, để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cử trị kiến nghị cần tiến hành tổng kết, rà soát các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Tố tụng hành chính, Luật Tổ chức TAND, Luật Thi hành án dân sự, Luật Cán bộ, công chức, ... để đưa ra quy định chuyên biệt làm hành lang pháp lý tạo cơ sở khắc phục vướng mắc nêu trên, cũng cần đưa ra các chế tài buộc người bị kiện trong vụ án hành chính phải có trách nhiệm tham gia phiên tòa ”.

TANDTC có ý kiến về vấn đề nêu trên như sau:

Thực trạng mà cử tri phản ánh như nêu trên xảy ra khá phổ biển trong nhiều năm qua và là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các vụ án hành chính còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng nêu trên, TANDTC cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan và nâng cao hiệu quả chấp hành pháp luật.

Về sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật: Hiện nay, TANDTC đang hoàn thiện Dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi để trình Quốc hội xem xét; đồng thời đang triển khai việc tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015, để có cơ sở nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bố sung. Về nâng cao hiệu quả chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, ngày 15/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Tại Chỉ thị nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương “Chấp hành nghiêm Điều 55, 60 và Điều 78 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về trách nhiệm tham gia phiên tòa, tham gia đối thoại, giải trình và cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện theo đúng quy định. Xác định đối thoại là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết dứt điểm bức xúc, khiếu kiện của tổ chức, cá nhân ”.

Tuy nhiên, kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội năm 2022 về chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính cho thấy, UBND, Chủ tịch UBND các cấp thực hiện chưa nghiêm túc các quy định của Luật Tố tụng hành chính và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ và tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa trong các vụ án hành chính.

TANDTC mong rằng, các kiến nghị của cử tri như nêu trên cũng sẽ được gửi đến Thủ tướng Chính phủ, để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra và có biện pháp chấn chỉnh. TANDTC trân trọng cảm ơn các Đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH đã quan tâm, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của Tòa án các cấp trong giải quyết, xét xử các vụ án hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Nông về hạn chế trong xét xử các vụ án hành chính hiện nay