Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại những tháng đầu năm 2022 phức tạp, tinh vi

Nguyễn Cúc| 23/03/2022 13:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có văn bản thông tin về tình hình công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong những tháng đầu năm 2022. Theo đó, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới những tháng đầu năm nay tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp và tinh vi.

Dịp trước, trong và sau Tết thường là thời gian cao điểm mà các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gia tăng trở lại và tiền ẩn diễn biến phức tạp. Thực hiện Kế hoạch cao điểm Tết số 119/KH-BCĐ389 ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tổng cục Hải quan đã ban hành và triển khai Kế hoạch 5572/KH-TCHQ ngày 25/11/2021 cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Bên cạnh việc đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid 19, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị đảm bảo triển khai, thực hiện tốt công tác thông quan, giải phóng hàng hóa, không để xảy ra ùn tắc tại các cửa khẩu trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.  

Kết quả phát hiện, bắt giữ đợt cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 (từ ngày 15/12/2021 đến ngày 15/2/2022) ngành Hải quan đã chủ trì và phối hợp bắt giữ và xử lý: 2.733 vụ vi phạm pháp luật Hải quan (tăng 29,04% so với năm 2021); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính: 1.230 tỷ đồng (tăng 57,39% so với năm 2021);  Số tiền phạt, thu nộp ngân sách nhà nước: 38,014 tỷ đồng (tăng 27,27% so với năm 2021). Cơ quan Hải quan đã khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố hình sự: 27 vụ (tăng 35% so với năm 2021).

minh.jpg
Chỉ tính từ 15/12/2020 đến 15/2/202, Tổng cục Hải quan đã bắt giữ và xử lý 2.733 vụ vi phạm pháp luật Hải quan. Ảnh minh họa

Mặt hàng vi phạm pháp luật Hải quan đa dạng như: Mặt hàng tiêu dùng  (đường cát, nước ngọt, bánh kẹo, rượu, bia, thuốc lá điếu, điện thoại di động, giày dép, túi xách quần áo, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, ngoại tệ,…); các mặt hàng cấm (ma túy tổng hợp, ma túy đá, heroin, thuốc phiện, cocain, cần sa, cá thể rùa, cá thể tê tê, vảy tê tê, ngà voi, máy móc thiết bị đã qua sử dụng); các mặt hàng y tế phục vụ chống dịch COVID 19...

Phương thức hoạt động chủ yếu là khai sai tên hàng, mã hàng, lợi dụng loại hình quá cảnh, tạm nhập tái xuất, chuyển phát nhanh, thương mại điện tử, kho ngoại quan,... để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, gian lận thương mại. Lợi dụng các loại hình TNTX, vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đặc biện tại một số Cục Hải quan (Hà Nội; Hồ Chí Minh; Đà Nẵng; Vũng Tàu...).

Thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, bùng phát nhanh trên phạm vi cả nước, nhất là Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, miền Trung dẫn đến nhu cầu về thiết bị y tế, bộ kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 (bộ kit test nhanh Covid), thuốc chữa bệnh Covid-19 trong nước tăng cao. Các đối tượng đã lợi dụng các đường mòn, lối mở biên giới, trà trộn vào hàng hóa, cất giấu trong hành lý; lợi dụng vận chuyển hàng hóa, hành khách đường hàng không, … để vận chuyển trái phép vào Việt Nam dã bị cơ quan Hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý. 

Tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài qua địa bàn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố diễn biến khá phức tạp. Qua các vụ phát hiện và bắt giữ của các lực lượng chức năng cho thấy, tội phạm ma túy trong và ngoài nước đã câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động với phương thức che giấu nhân thân và ngụy trang tinh vi, thủ đoạn vận chuyển ngày càng manh động, mang tính liều lĩnh. Lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép cần sa và ma túy tổng hợp MDMA (thuốc lắc) với quy mô, số lượng lớn từ một số quốc gia châu Âu dưới hình thức quà biếu phi mậu dịch thông qua đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh vào Việt Nam và xuất ma túy tổng hợp methamphetamine trái phép sang Hồng Kông.

Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp methamphetamine, heroin lớn từ Myanmar, Lào, Campuchia xâm nhập qua các cửa khẩu đường bộ chuyển về TP.HCM, sau đó tập kết xuất sang Đài Loan, Philippines bằng đường biển, đây là hiện tượng đáng báo động. 

Qua công tác điều tra cho thấy, thời gian tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài lợi dụng tuyến cảng biển, tuyến hàng không (bao gồm sân bay, bưu điện, chuyển phát nhanh) để vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, một phần để sử dụng trong nước, phần lớn để trung chuyển sang nước thứ ba. Trên tuyến cảng biển, các tổ chức tội phạm lựa chọn các doanh nghiệp chưa từng vi phạm pháp luật về hải quan để ủy thác xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Theo đó, ma túy được chúng ngụy trang tinh vi trong các container hàng nguyên liệu sản xuất (hạt nhựa, nhựa tái sinh…) được miễn kiểm tra thực tế (luồng xanh, luồng vàng). 


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại những tháng đầu năm 2022 phức tạp, tinh vi