Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 13 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn, Hà Tĩnh đã cấm biển từ chiều nay, đồng thời gấp rút triển khai các biện pháp cùng người dân phòng chống bão.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, từ ngày 14/11, do ảnh hưởng của bão số 13 kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển Hà Tĩnh có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 10. Biển động mạnh. Sóng biển cao từ 3 - 6m. Khu vực ven biển có khả năng xảy ra nước dâng do bão từ 0,5 - 0,7m.
Từ đêm 14/11, trên đất liền có gió mạnh cấp 5, giật cấp 6, ven biển gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, riêng khu vực ven biển phía Nam của tỉnh khả năng có gió cấp 8, cấp 9, giật cấp 10.
Hiện nay, mực nước trên các sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố ở xu thế ít biến đổi. Sông La chịu ảnh hưởng của thủy triều.
Từ đêm 14/11 đến trưa ngày 16/11, khu vực Hà Tĩnh có khả năng xảy ra một đợt mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa các khu vực phổ biến 100 - 200mm, có nơi trên 200mm.
Trên các sông Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện 01 đợt lũ với biên độ lũ lên trên các sông từ 2.0 - 6.0m. Đỉnh lũ trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố khả năng ở mức từ BĐ1 - BĐ2. Sông La dưới mức BDD1.
Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cảnh báo cần đề phòng khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi, đặc biệt tại các huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh.
Cũng trong ngày 13/11, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ra công điện số 29 nêu rõ: Yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung Công điện số 1597/CĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 28/CĐ-PCTT ngày 11/11/2020 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển và UBND các địa phương rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển khẩn trương thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm về nơi tránh trú đảm bảo an toàn; nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi khi thời tiết chưa an toàn; hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông. Tổ chức thực hiện cấm biển bắt đầu từ 17 giờ ngày 13/11/2020.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các biện pháp bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các cột tháp, cây xanh,... nhằm hạn chế tối đa rủi ro và thiệt hại do bão; chủ động sơ tán người dân ra khỏi nhà cửa, khu vực không an toàn, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ chịu tác động của sóng lớn, nước dâng, khu vực ngập sâu, sạt lở, lũ ống, lũ quét... lưu ý bố trí lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của người dân nơi người dân sơ tán.
Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch và tài sản, các khu nuôi trồng thủy sản, tuyệt đối không được để người dân ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản khi có bão, lũ…
Tại tỉnh Hà Tĩnh, hiện có tổng số 3.957 phương tiện với 14.932 lao động đánh bắt cá. Tính đến 15 giờ ngày 13/11, ngoài một số tàu thuyền đánh bắt gần bờ nắm được thông tin về bão số 13, đã vào nơi tránh, trú bão an toàn tại các âu thuyền như Cửa Hội, Cửa Sót, Kỳ Hà…, hiện có 93 phương tiện với 476 thuyền viên đi đánh bắt xa bờ cũng đã vào nơi neo đậu tránh bão tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận…
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 13 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn Hà Tĩnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã triển khai phương án, kế hoạch nhằm đối phó kịp thời, hạn chế tối đa hậu quả do bão số 13 gây ra.
BĐBP Hà Tĩnh đã cử lực lượng xuống các địa bàn xung yếu để giúp dân chằng néo nhà cửa, vận chuyển đồ đạc đến vị trí an toàn; phối hợp với Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển và gia đình các chủ phương tiện thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết tình hình, diễn biến và hướng đi của bão.
Để ứng phó với bão số 13, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tuyến biển tổ chức kêu gọi các phương tiện tàu thuyền vào trú bão an toàn trước 15h chiều nay.
Đối với các đơn vị tuyến núi sẽ rà soát lại các hệ thống doanh trại, đặc biệt là các điểm xung yếu, dễ sạt lở để đảm bảo có phương án rút quân lên các vị trí an toàn.