Nội dung trên được Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ HN Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TU, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị do Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng nay (25/2).
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế (Bộ Nội vụ) cho biết, tính đến tháng 2/2016, trên cả nước đã có 28 lượt bộ ngành, 94 lượt địa phương (nhiều địa phương trình kế hoạch tinh giản 2, 3 lần) báo cáo về kế hoạch, kết quả tinh giản biên chế. Theo đó, đến nay đã có 10.543 người được tinh giản biên chế. Trong đó, các cơ quan hành chính tinh giản được 1.133 người, cấp xã là 2.307 người, khối doanh nghiệp là 68 người…
Đối với Hà Nội như ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội thông tin, tới đây Hà Nội sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết 39 của Bộ Chính trị do Bí thư Thành ủy Hà Nội trực tiếp chỉ đạo. Theo tinh thần nghị quyết 39, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ quản lý đội ngũ biên chế trên toàn thành phố; thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống.
Cụ thể, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, trước mắt giữ ổn định tổ chức bộ máy như hiện nay. Không thành lập các tổ chức trung gian, chỉ thành lập các tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thực sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn. Kiên trì thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, đảm bảo không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị thành phố. Đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ… Giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đến hết năm 2016, từ năm 2017 sẽ thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ, đây là việc làm rất khó nên cần phải triển khai quyết liệt, quyết tâm nhưng thận trọng, có lộ trình và phải kiên trì. Với mục tiêu tinh giản tối thiểu 10% tổng biên chế thành phố đến năm 2021, thành phố sẽ kiên quyết đưa vào diện tinh giản biên chế những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được vị trí việc làm, nhiều năm liền không hoàn thành nhiệm vụ, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân kém.
“Phải kiên quyết tinh giản những cán bộ nhiều năm không hoàn thành nhiệm vụ, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân kém. Đồng thời có kế hoạch sắp xếp lại vị trí việc làm phù hợp, giải quyết tốt chế độ chính sách theo quy định cho những người dôi dư do thuộc diện tinh giản biên chế để ổn định tư tưởng, không gây ảnh hưởng đến tình hình công tác chung”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nói.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã xác định cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức là 1 trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ này. Thực hiện Nghị quyết 39, Hà Nội cũng xác định trọng tâm, trọng điểm là gắn với cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, nhất là tinh thần, thái độ và chất lượng phục vụ nhân dân. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: “Vấn đề không phải là giảm được bao nhiêu người mà qua đó phải nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức".
Trên tinh thần đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chỉ đạo: Các quận, huyện, thị xã, sở, ngành phải tự rà soát đội ngũ biên chế của đơn vị, rà soát định biên, biên chế gắn với vị trí việc làm, từ đó xác định rõ sẽ tinh giản ai, tinh giản số lượng như thế nào. Đặc biệt phải căn cứ vào năng lực, hiệu quả công tác thực tế, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, việc đánh giá này phải minh bạch, rõ ràng, công khai. Thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện và quy trách nhiệm của người đứng đầu.
Nghị quyết số 39-NQ/TU ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014, về chính sách tinh giản biên chế. Theo đó, Nghị quyết 39-NQ/TW về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Chính trị đề ra 4 nhiệm vụ và giải pháp. Về tổ chức bộ máy, Bộ Chính trị chỉ đạo, trước mắt, giữ ổn định tổ chức như hiện nay. Không thành lập các tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn. Về tinh giản biên chế, Bộ Chính trị chỉ đạo kiên trì thực hiện chủ trương tinh giản biên chế CBCCVC, bảo đảm không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế hiện có. Giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội- nghề nghiệp đến hết năm 2016. Từ năm 2017, thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Bộ Chính trị yêu cầu, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số CBCCVC mới không quá 50% số biên chế đã thực hiện tinh giản và không quá 50% số biên chế đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định. |