"Chat" với "Cha đẻ" Hoa hậu Việt Nam (Phần 2)

Ý Thơ| 11/11/2014 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bên cạnh đề tài người đẹp và con đường tiến thân bằng thi sắc đẹp, nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh cũng đưa ra những ý kiến sắc bén về sự tác động qua lại giữa truyền thông, mạng xã hội và giới trẻ hiện nay.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Mọi trào lưu rồi sẽ qua đi

PV: Nhiều bạn trẻ hiện nay đua nhau tắm trắng, gọt cằm, cắt mí, nâng mũi… sau đó tìm cách tham gia các cuộc thi sắc đẹp. Quan điểm của ông về thực tế này? Một trong những yêu cầu của thí sinh thi Hoa hậu Việt Nam là chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ, tức là vẻ đẹp tự nhiên. Vậy ông nghĩ sao việc có những người đẹp “lột xác” nhờ tắm trắng là thí sinh dự thi?

Phẫu thật thẩm mỹ được xem  là một trong những cách để người đẹp "nâng đời"?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Có thể ở một số cuộc thi sắc đẹp khác có những tiêu chí khác nhau. Nhưng những cuộc thi hoa hậu Việt Nam từ trước đến nay đều không chấp nhận dao kéo. Vẻ đẹp tự nhiên của con người chính là cái đẹp cần được tôn vinh. Vẻ đẹp hoa hậu là vẻ đẹp hài hòa giữa nội dung và hình thức, giữa vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách, sự hiểu biết cũng như vẻ đẹp trong giao tiếp, ứng xử…

Việc “tắm trắng” có lẽ còn quá mới, không biết ban tổ chức năm nay xử lý thế nào? Những năm trước chưa có hiện tượng này nên tôi cũng không có ý kiến gì. Cần xem xét kỹ để có thể đưa ra cách xử lý cho thỏa đáng và hợp lý.

PV: Hiện nay có nhiều kiểu người đẹp như “người đẹp bán bánh tráng trộn”, “người đẹp bán thịt lợn”, “người đẹp bán báo”… bỗng nhiên “được phát hiện” và sau đó được báo chí, truyền thông đẩy lên thành một “hiện tượng”. Là một nhà báo, ông đánh giá gì về điều này?

Cô gái xinh xắn này được biết đến là "hot girl bán thịt lợn" nhiều hơn là tên thật Đỗ Thị Hồng Liên của mình

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Theo tôi đó là những trò quảng bá rẻ tiền chăng? Truyền thông, báo chí cũng nên cẩn trọng, xem xét nhiều mặt trước khi đẩy lên thành “hiện tượng”. Cái gì cũng có hai mặt của nó. Những trò giật gân quá lố đưa lên báo có thể thu hút được nhiều người đọc, có thể bán được báo, nhưng cũng có thể làm mất uy tín trong độc giả.

PV: Ông suy nghĩ như thế nào về một số “trào lưu” của giới trẻ hiện nay như “đắng lòng”, “vậy hoy đi nha”… trong khi đó có những hoạt động như làm từ thiện của học sinh, sinh viên thì lại không được xem là “trào lưu”?

Qua facebook, các trang dành cho giới trẻ (điển hình như haivl) đã góp phần không hề nhỏ để tạo ra những trào lưu lệch lạc như vậy. Ông có suy nghĩ như thế nào về chuyện này? Đặc biệt là “cái chết của haivl” trong thời gian vừa qua?

Hai "trào lưu" gây sốt trong cộng đồng mạng thời gian qua và vẫn chưa có dấu hiệu bị "khai tử"

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Giới trẻ hiện này có nhiều thứ mà thời trẻ của tôi không có. Cả cái hay lẫn cái dở. Bây giờ qua các trang mạng, qua Facebook, các bạn trẻ tha hồ lựa chọn thông tin cũng như bày tỏ bản thân mình. Không ai có quyền cấm đoán những thứ pháp luật không cấm. Chính vì vậy, báo chí cần có định hướng lành mạnh cho lớp trẻ mới lớn. Tất nhiên là định hướng chứ không áp đặt. Chẳng ai dạy được ai trên Facebook. Nhưng cái đẹp, cái hay cuối cùng đều được con người, được các bạn trẻ đón nhận, tôi thiển nghĩ vậy.

Cái gì dối trá, không hay, không đẹp, cái gì chỉ vì sự ích kỷ, vì lợi nhuận đơn thuần không trước thì sau đều bị đào thải. Tôi thấy vừa lo, lại vừa mừng cho lớp trẻ ngày nay. Sự thật, lẽ phải, sự hướng thiện, lòng nhân từ, bao dung, chia sẻ, giúp đỡ giữa con người và con người là nét đẹp truyền thống ngàn đời nay của người Việt Nam. Cái gì cần quản lý chặt, được phép quản lý thì cơ quan quản lý phải quản chặt. Cái gì thuộc quyền tự do, dân chủ của con người thì quyết không được xâm phạm dưới bất cứ hình thức nào. Có thế thì lớp trẻ mới thực sự có niềm tin. Mọi trào lưu rồi sẽ qua đi. Sự tốt đẹp thật sự thì còn mãi.

PV: Ông nhận định thế nào về việc một số trang tin, trang báo dùng thông tin giật gân, thậm chí chưa qua kiểm chứng (đôi khi chỉ là một chia sẻ shock của một sao xẹt nào đó, hay chỉ đơn giản là một bức ảnh đã qua chỉnh sửa nhưng có nội dung gây shock, một phát ngôn quá khích thậm chí ngớ ngẩn...) để câu view, nhưng rồi sau đó lại bị chính đối tượng đó lợi dụng, "xỏ mũi" để PR "không công" cho kẻ đó?

"Hot boy" Kenny Sang với những phát ngôn gây shock khiến cộng đồng mạng dậy sóng trở thành đề tài "hot" trên nhiều trang tin điện tử suốt thời gian vừa qua

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Nói thông tin “giật gân”, hay “câu khách” cũng có ba bảy đường. Có những sự kiện được coi là “giật gân” nếu đưa lên báo với mục đích cảnh tỉnh, có phân tích, lý giải thì cũng cần. Chẳng hạn như vụ khủng bố 11/9 gây chấn động nước Mỹ và rúng động toàn thế giới, báo chí đưa là đương nhiên và cần thiết.

Có bao nhiêu chuyện liên quan đến cuộc sống, đến dân chủ, dân sinh của hàng triệu người dân lẽ nào người làm báo lại lảng tránh?! Nhưng, hiện có quá nhiều những việc thuộc phạm vi thông tin về đời tư của công dân, là những điều được pháp luật bảo vệ mà báo chí vô cớ đưa lên, là phạm luật, vi phạm đạo đức nghề báo. Đó là chưa kể có người còn suy đoán, dựng chuyện, bịa đặt để nói xấu người khác trên mạng. Có nhiều người nổi tiếng bị bôi nhọ trên một số trang thông tin cá nhân… họ muốn “dây vào người nổi tiếng để mình cũng được nổi tiếng” chăng? theo cách của kẻ “Đốt đền” trong thần thoại Hy Lạp?! Đó là những hiện tượng đáng lên án.

Tôi nhớ có lần sang Pháp, đến thăm một người đẹp là Hoa hậu Nam Kỳ lục tỉnh, tôi có viết một bài đăng trên tờ Người Đẹp Việt Nam. Tôi gửi tờ báo cho chị. Khi tôi gặp lại chị, chị nói: “Bài anh viết rất tốt, chỉ có một thông tin không được phép đưa mà anh đã đưa, đó là khi anh nói cụ thể khu nhà tôi ở thuộc Quận 13, Paris”. Chị nói “vì chi tiết này tôi có thể kiện anh”… Tôi đã phải xin lỗi chị.

Việc một số bài viết, ở một số trang tin, trang báo đưa những tin giật gân rẻ tiền, thiếu kiểm chứng hay những phát ngôn ngớ ngẩn, lãng xẹt, để câu view như bạn nói quả là đáng lên án. Theo tôi biết, ở nhiều nước phát triển những thông tin giật gân, câu khách rẻ tiền, thiếu kiểm chứng như vậy, khi bị phát hiện, chưa cần ai phạt họ đã “tự phạt” mình rồi. Nếu không, qua các phương tiện thông tin đa dạng hiện nay, độc giả đã “dìm chết” tờ báo hay trang tin đó.

Hãy xem sự kiện một người Việt bị lừa ở Singapore mới đây. Hàng ngàn người đã lên mạng bày tỏ thái độ và cái cửa hàng bán điện thoại đó chẳng ai bắt cũng phải tự đóng cửa đó thôi. Xu hướng này hiện ở ta cũng đang trên đà phát triển. Từ trước đến nay, ở ta có lẽ bạn đọc chưa có nhiều người có thói quen đó. Những người tốt, tử tế, họ lại ít khi bày tỏ. Có thể họ bận, cũng có thể có nhiều lý do này khác, cho nên chúng ta phải có cách xử lý cho thích hợp. Cái gì cũng có hai mặt của nó. Báo chí nếu không thận trọng có khi bị ngay những đối tượng không tốt lợi dụng “xỏ mũi” để PR “không công” như bạn nói. Người làm báo, ai cũng mong báo của mình có nhiều người đọc, ai cũng muốn tìm cách để lôi kéo, thu hút bạn đọc, nhưng cách gì thì cũng phải đúng sự thật, đúng với lương tâm, đúng với pháp luật. Nếu không báo chí dần dần bị bạn đọc bỏ rơi, như thế thì lợi bất cập hại .

PV: Ông đánh giá gì về việc xử phạt mạnh tay của Bộ Thông tin - Truyền thông thời gian vừa qua đối với một số trang thông tin điện tử? Bản thân là một nhà báo, ông có những kiến nghị gì để giúp làng báo trở nên "trong sạch", ít nhất về chất lượng nội dung?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi cũng không có nhiều thời gian, điều kiện để theo dõi cụ thể các thông tin trên một số trang mạng bị phạt vừa qua nên không có ý kiến gì. Theo tôi, có nhiều cách để hạn chế, dẫn đến những sai lệch trên một số trang thông tin điện tử, để làm “trong sạch” như bạn nói chứ không nhất nhất là phạt. Phạt là giải pháp cuối cùng.

Cần tạo nên một trào lưu mạnh mẽ trong công luận, trong bạn đọc, lên án kịp thời, thậm chí tẩy chay những trang thông tin sai lệch, những thông tin làm hại đến quyền công dân, những thông tin xúc phạm nhân phẩm con người. Với những điều kiện về kỹ thuật thông tin hiện nay, chúng ta có thể làm được điều đó. Tôi thiển nghĩ vậy…

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Chat" với "Cha đẻ" Hoa hậu Việt Nam (Phần 2)