Văn hóa- Thể thao

Lễ hội Cầu ngư: Nét đẹp văn hóa của ngư dân vùng biển

Gia Ân-Đàm Hiền 24/04/2024 - 10:19

Đến hẹn lại lên, cứ 2 năm một lần, vào giữa tháng 3 Âm lịch, người dân vùng cửa biển lại hướng về Lễ hội Cầu ngư, một Lễ hội truyền thống lâu đời gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá voi, là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, là niềm vinh dự, tự hào của ngư dân.

Đền Làng Hiếu – Một ngôi đền nổi tiếng với danh xưng “Ngôi đền cổ linh thiêng thờ nhiều cá voi nhất ở Nghệ An” được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò tỉnh Nghệ An.

Ngôi đền là nơi thờ bản cảnh Thành Hoàng, Cao Sơn Cao Các và hợp tự các vị phật, thánh, thần trong địa bàn xã Lộc Châu, Lộc Hải xưa và Sát Hải đại nhân Hoàng Tá Thốn. Đặc biệt, ngôi đền còn thờ 87 phần mộ cá Ông - nhân vật mang bản sắc riêng của vùng biển, được ngư dân nơi đây tôn sùng.

1.5.jpg
1.2.jpg
Phần lễ được tiến hành theo nghi thức truyền thống. Lễ phụng nghi và Cầu ngư trên biển, cầu cho sóng yên bể lặng, ngư dân ra khơi vào lộng thuyền đầy cá tôm.

Nhân dân làng Hiếu trước đây chủ yếu sống bằng nghề ngư nghiệp, cuộc sống bấp bênh, lênh đênh trên biển cả mênh mông. Họ biết rằng biển có lúc thật hiền hòa êm ả, cho nhiều cá tôm nhưng khi biển giận dữ thì tính mạng con người trở nên thật nhỏ bé trước biển khơi bao la.

Chính vì vậy, những ngư dân nơi đây có niềm tin rất mãnh liệt vào những đấng thần linh được thờ tại đền Làng Hiếu - Những vị thần luôn phù trợ, giúp đỡ họ qua cơn nguy khó.

Để tỏ lòng thành kính, cứ 2 năm một lần, vào ngày 13 – 15/3 Âm lịch, chính quyền và nhân dân phường Nhi Hải lại tổ chức Lễ hội Cầu ngư. Lễ hội được mở đầu với nghi thức cúng tế, rước dấu ấn sắc phong của cá Ông được thờ tự tại Đền Làng hiếu ra hướng cửa lạch tại Cảng cá Cửa Hội để tổ chức Lễ Phụng Nghinh và cầu ngư trên biển.

Tại đây, ấn và kiệu rước được đưa lên thuyền lớn, dẫn đoàn tàu các ngư dân chạy hướng ra phía cửa biển Lạch Hội làm nghi lễ cúng tế thể hiện sự tôn kính đối với những vị thần biển cả và khát vọng bình yên trong cuộc sống của ngư dân - những con người luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc khi lênh đênh trên biển; cầu cho mưa thuận gió hoà, trời yên biển lặng để nhân dân được mùa hải sản và tàu thuyền ra khơi được bình an, cầu cho đời sống của nhân dân được ấm no hạnh phúc.

1.4.jpg
1.1.jpg
Đền làng Hiếu còn được mệnh danh là nơi lưu giữ nhiều bộ xương cá ông trên đất Nghệ An.

Ngoài phần Lễ, Lễ hội Cầu ngư năm nay còn được tổ chức với nhiều nội dung đặc sắc, ấn tượng, đánh dấu sự phục hồi các hoạt động văn hóa, du lịch trên địa bàn, như: Chương trình nghệ thuật, Lễ phát động ra quân đánh bắt vụ cá nam, hội thi đua thuyền truyền thống, hội thi cắt cá thu nướng, hội trại và các trò chơi dân gian…

Một trong những nội dung thu hút đông đảo nhân dân xem và cổ vũ náo nhiệt nhất là Hội thi đua thuyền truyền thống. Giải đua năm nay có sự tham gia của 7 đội thi với trên 100 tay chèo tiêu biểu.

Với tinh thần khỏe, đoàn kết, thể hiện sự cao thượng của ngư dân vùng biển, Hội thi đua thuyền đã mang đến không khí sôi động, hấp dẫn, lan tỏa nét văn hóa truyền thống hướng về cuội nguồn. Đồng thời, quảng bá đến du khách muôn phương một sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng sông nước Cửa Lò.

Nghi Hải là địa phương có truyền thống đánh bắt hải sản của tỉnh Nghệ An. Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, Nghi Hải hôm nay đang từng bước chuyển mình và ngày càng phát triển, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc, công tác an sinh xã hội đươc chăm lo.

1.7.jpg
1.6.jpg
Hội thi đua thuyền truyền thống – Nét văn hóa độc đáo của ngư dân vùng biển.

Quốc phòng an ninh được đảm bảo, công tác xây dựng Đảng tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Hàng năm, lực lượng lao động này đã góp một phần không nhỏ tới sự phát triển kinh tế của địa phương, góp phần tích cực trong công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Lễ hội Cầu ngư được tổ chức như bày tỏ khát vọng được bình yên trong cuộc sống của ngư dân nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội Cầu ngư: Nét đẹp văn hóa của ngư dân vùng biển