Với chiều dài đường biển trên 735 km và hơn 150 hòn đảo, thềm lục địa cho đánh bắt thủy sản gấp 2 lần đất liền, khu vực Tây Nam Bộ là vùng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, đặc biệt là vùng có ngư trường rộng, giàu sản lượng hải sản tự nhiên của cả nước.
Với chiều dài đường biển trên 735 km và hơn 150 hòn đảo, thềm lục địa cho đánh bắt thủy sản gấp 2 lần đất liền, khu vực Tây Nam Bộ là vùng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, đặc biệt là vùng có ngư trường rộng, giàu sản lượng hải sản tự nhiên của cả nước.
Theo thống kê, Việt Nam có 28/63 tỉnh, thành phố giáp biển, với số dân hơn 19 triệu người đang sinh sống. Các vùng ven biển và đảo của Việt Nam đang có lực lượng lao động khoảng 12,8 triệu người, chiếm 35,47% lao động cả nước. Với nguồn nhân lực dồi dào quyết định kết quả khai thác tiềm năng nguồn lợi biển.
Khu vực Tây Nam Bộ có 7/13 tỉnh, thành phố có ranh giới giáp biển bao gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, và Kiên Giang. Hiện nay, các địa phương ven biển vùng ĐBSCL có đội tàu đánh bắt cá xa bờ chiếm gần 30% của cả nước, chỉ đứng sau vùng Đông Nam Bộ và cao hơn bình quân của cả nước.
Với lợi thế sẵn có của các địa phương giáp biển trong khu vực Tây Nam Bộ, hàng triệu ngư dân đã vừa nuôi trồng vừa bám biển để khai thác thủy hải sản, dẫn đến hình thành các cảng cá theo tự nhiên và truyền thống như: cảng cá Bình Đại (Bến Tre); cảng cá Trần đề (Sóc Trăng); cảng cá Gành Hào (Bạc Liêu); cảng cá sông Ông Đốc và Năm Căn (Cà Mau); cảng cá Xẻo Rô và cảng cá Phú Quốc (Kiên Giang)…
Tỉnh Kiên Giang có 143 đảo tạo thành 5 quần đảo có ngư trường lớn nhất khu vực Tây Nam Bộ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, địa phương có đội tàu khai thác hải sản hơn 8.000 chiếc. Trong đó, tàu đánh bắt hải sản chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, hoạt động khai thác vùng khơi là 3.600 chiếc. Cơ cấu đội tàu đánh bắt theo nhóm nghề: lưới kéo, lưới rê, lưới vây, nghề câu, lồng bẫy… với sản lượng khai thác hàng năm trên 400.000 tấn hải sản cá loại.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm, theo nhiều chủ tàu cá và thuyền trưởng, tình hình khai thác thủy sản trên biển có chiều hướng sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, nguồn lợi thủy sản suy giảm do đánh bắt chưa phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi.
Tỉnh Sóc Trăng có đường bờ biển dài 72km. Người dân tham gia lao động trong lĩnh vực khai thác thủy sản là rất lớn (khoảng 307.672 người), với khoảng 8.631 người lao động trực tiếp trên biển.
Tổng số tàu cá đã đăng ký trên địa bàn tỉnh là 801 chiếc, tổng công suất 204.548 CV (trong đó, tàu có chiều dài lớn nhất từ 6 mét đến dưới 12 mét hoạt động vùng ven bờ là 302 tàu, tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét tại vùng lộng là 155 chiếc, tàu có chiều dài lớn nhất Lmax từ 15 mét trở lên là 344 tàu).
Ngoài nguồn thủy, hải sản khai thác tự nhiên, tỉnh Sóc Trăng còn được biết đến là nơi có ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản rất phát triển với kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD mỗi năm, dẫn đầu khu vực. Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sóc Trăng.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, hiện số tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) là 3.607, chiếm 99,4% trên tổng số tàu cá bắt buộc phải lắp thiết bị này. Trong năm 2023, lực lượng kiểm ngư cũng đã thực hiện 439 cuộc gọi đối với 326 tàu vượt ranh giới trên biển, đã có 270 tàu quay về vùng biển Việt Nam, phát hành 59 văn bản cảnh báo đối với 56 tàu vượt ranh giới trên biển; thực hiện 37.339 cuộc gọi đối với 2.172 tàu mất kết nối trên biển, đã có 1.201 tàu bật lại thiết bị VMS kết nối với hệ thống giám sát, phát hành 306 thông báo đối với 971 tàu mất kết nối trên biển.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cũng cho biết, hiện nay số tàu cá lắp VMS đạt tỷ lệ 100%. Tuy nhiên vẫn còn xảy ra tình trạng ngắt kết nối thiết bị VMS trên 10 ngày. Nguyên nhân là do chưa có quy chuẩn kỹ thuật cho thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá để kiểm soát chất lượng và chưa có chế tài mạnh mẽ áp dụng cho các nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình không đảm bảo chất lượng thiết bị theo quy định.
Bên cạnh đó do nhận thức của ngư dân chưa lường được hết tác hại của việc ngắt kết nối VMS khi đánh bắt.
Ngoài ra, tình trạng mua bán tàu cá đã thực hiện giao dịch dân sự sang bán tàu cá (có hợp đồng mua bán), nhưng người mua không thực hiện thủ tục đăng ký lại với cơ quan có thẩm quyền gặp rất nhiều khó khăn.
“Đa phần các chủ phương tiện làm nghề khai thác thủy sản vùng ven bờ còn khó khăn về điều kiện kinh tế, trình độ học vấn thấp nên ý thức chấp hành các quy định quản lý khai thác và nguồn lợi thủy sản còn hạn chế, tình trạng ngư dân tự ý đóng mới (phát sinh) phương tiện tham gia khai thác thủy sản khi chưa được sự đồng ý của cơ quan thẩm quyền”, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết.
Châu Âu là thị trường xuất khẩu thủy, hải sản lớn thứ 5 của Việt Nam sau Mỹ, Trung Quốc và đứng trước Nhật Bản, Hàn Quốc với kim ngạch hàng năm trên 1 tỷ USD.
Bài 2: Chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp không chỉ để gỡ "thẻ vàng"
Tác giả: Tâm Phúc - Phú Khởi
Thiết kế: Minh Sáng