Phóng sự - Ghi chép

Cảng Hòa Lộc bị bồi lắng, ngư dân khốn đốn

Thanh Phương 13/07/2025 - 10:20

Giữa cái nắng gay gắt của tháng 7, cảng cá Hòa Lộc (xã Hoa Lộc, Thanh Hóa) vắng lặng, lặng lẽ chờ thủy triều lên để đón tàu thuyền trở về. Nếu thủy triều không kịp dâng, thuyền buộc phải neo lại ngoài biển, bởi cập bến lúc nước cạn sẽ dễ mắc cạn, gây tổn thất nặng nề cho ngư dân.

Cảng cá Hòa Lộc từng được đầu tư hơn 90 tỷ đồng để hiện đại hóa vào năm 2003, với mục tiêu phục vụ ngư dân tránh trú bão, ra khơi đánh bắt hải sản và phát triển hậu cần nghề cá, qua đó tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Thế nhưng, do tác động của biến đổi khí hậu cùng tình trạng bồi lắng nghiêm trọng, tàu thuyền thường xuyên bị mắc cạn khi ra vào cảng.

cangca.jpg
Cảng cá Hòa Lộc đìu hiu

Hơn 8h sáng ngày 11/7, chúng tôi có mặt tại cảng cá Hòa Lộc. Thay vì khung cảnh nhộn nhịp mua bán, vận chuyển thủy sản thì trên bến chỉ có dăm ba tiểu thương đang thu gom các loại thủy sản đã chết, thối, bốc mùi nồng nặc.

Khoác trên mình bộ đồ bảo hộ, chỉ để lộ đôi mắt, chị Nguyễn Thị Thủy chia sẻ: “Phải làm thế này để đỡ mùi hôi ám vào người. Cá chết mấy ngày rồi, gặp nắng lên tanh tưởi lắm. Những loại này chỉ dùng làm thức ăn cho khu vực ao nuôi cá hoặc có thể chế biến thành thức ăn chăn nuôi”.

chithuy.jpg
Chị Thủy vừa làm vừa phân bua

Đây là hệ lụy của tàu đánh bắt xa bờ khi trở về cảng không kịp triều dâng, buộc phải lênh đênh bên ngoài biển. Đến khi vào được bến thì đá ướp lạnh đã hết khiến hải sản thối rữa trong sự tiếc nuối, xót xa của ngư dân. Bởi nếu bất chấp lao vào bờ, nguy cơ thuyền mắc cạn còn thiệt hại lớn hơn nhiều.

Chủ tàu cá TH 91427-TS Nguyễn Văn Độ kêu khó: “Mỗi lần xuất bến, chúng tôi phải đầu tư cả trăm triệu đồng nhằm vươn khơi, mong đánh bắt được hải sản trên biển. Ngư dân tuân thủ các quy định của nhà nước khi ra khơi. Tuy nhiên, đổ bao nhiêu mồ hôi, thậm chí là máu, đánh đổi bằng cả sinh mệnh, khi trở về lại phải nằm chờ thủy triều dâng mới vào cập cảng được.

phao.jpg
Nước cạn khiến phao báo bị treo trên bùn

Nhu yếu phẩm, các loại đồ bảo quản mang theo cũng có hạn, lượng thủy sản đánh bắt thì chuyến được chuyến không. Nếu để quá một vài giờ không có đá lạnh bảo quản thì nguồn thủy sản đánh bắt được giảm giá trông thấy.

Bốc được lên bờ thì tiểu thương chê ươn, ép giá. Khả năng lỗ vốn như chơi. Mong sao nhà nước sớm đầu tư, khơi thông luồng lạch để ngư dân như chúng tôi bớt phụ thuộc vào thiên nhiên”.

haisan.jpg
Thủy sản bị giảm chất lượng do để lâu trên thuyền

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Ánh, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Thanh Hóa (Phụ trách Cảng Hòa Lộc) cho biết: Hiện nay, ra vào cảng bị bồi lắng rất nghiêm trọng. Diện tích cảng có 3ha, trong đó 1,5 ha mặt nước; nhiều thời điểm nước cạn khô cả phao biển báo. Luồng bị bồi lắng phần mặt khoảng 5-7m, còn phần phía dưới mặt nước khá lớn.

ravao.jpg
Đường ra vào cảng Hòa Lộc bị bồi lắng

Tàu, thuyền muốn ra vào cảng an toàn thì phải chờ thủy triều lên, tùy theo con nước (có thể sáng hoặc buổi chiều) và tùy theo mùa. Nếu tháng 9 trở đi, triều lại lên vào sáng sớm.

Theo quy định, thì tàu cá loại 2, từ 15m trở lên phải vào cảng chỉ định để kiểm soát. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cảng mới chỉ cấp cho 1.381 lượt vào, rời đi 1.337 lượt (chênh lệch là số điểm xuất phát hoặc điểm đến).

maccan.jpg
Thuyền bị mắc cạn do không nắm được thủy triều lên xuống

Hiện nay, trước sự biến đổi của khí hậu, ngư dân khi vươn khơi luôn gặp phải nhiều rủi ro không lường trước được. Có tàu phải chi ra cả vài trăm triệu đồng, trong đó dầu, mỡ, đá, nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ…

Chuẩn bị ra khơi mà gặp bão như vừa qua là phải quay đầu về không. Chưa kể thời điểm này sứa đang còn rất nhiều, ngư dân ra khơi gặp sứa nổi cũng phải quay đầu.

traodoi.jpg
Ông Nguyễn Đình Ánh trao đổi với PV

Chính sự bấp bênh, nhiều rủi ro khi ra khơi nên lao động phổ thông chọn làm công nhân trên bờ chứ không lên thuyền nữa. Các chủ thuyền khốn khổ vì liên tục phải kiếm người làm, biết việc khi đánh bắt thủy sản. Nghề đánh bắt, hậu cần nghề cá cứ thế thui chột dần.

Theo lời ông Ánh, khốn khổ nhất là khi có bão hay áp thấp nhiệt đới đổ bộ. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, đơn vị kêu gọi bà con vào bờ trú tránh. Tuy nhiên, có vào được hay không lại do thủy triều. Nếu khu vực tránh trú gần nhất là Lạch Hới (Sầm Sơn) đã quá tải thì buộc phải đánh liều.

Đường ra vào cảng cá Hòa Lộc bị bồi lắng

“Chúng tôi đến là bạc mặt vì cứ mỗi lần thấy dự báo bão, áp thấp hình thành trên biển là lại lo sốt vó. Bảo người ta vào bờ tránh mà nước cạn phải nằm chờ giữa mưa to, sóng lớn. Nếu có sự cố gì xảy ra thì chúng tôi cũng có trách nhiệm và rất áy náy”, ông Ánh nói.

Trước tình hình Cảng cá Hòa Lộc bồi lắng gây khó khăn, thiệt hại cho người dân, tỉnh Thanh Hóa cần sớm xem xét, giao cho các đơn vị có liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá, bố trí nguồn kinh phí triển khai dự án nạo vét đảm bảo cho việc ra vào cũng như trú tránh khi có thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảng Hòa Lộc bị bồi lắng, ngư dân khốn đốn