Tòa án địa phương

Tuyên truyền chống khai thác IUU, giúp ngư dân yên tâm bám biển

PVTT Tây Nam Bộ 30/05/2024 - 11:37

Ngày 30/5, tại huyện Trần Đề, TAND tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các cơ quan có liên quan và Báo Công lý tổ chức phiên tòa giả định về phòng, chống khai thác IUU về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” theo điểm a khoản 3 Điều 348 của Bộ luật Hình sự.

Huyện Trần Đề là huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng, toàn huyện có khoảng 29.813 hộ, với 111.924 nhân khẩu, sống bằng nghề nông, trồng trọt, mùa bản, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.

Huyện có 12km đường bờ biển, toàn huyện có 506 tàu đánh bắt thủy hải sản, trong đó có 337 tàu trên 15 mét tham gia đánh bắt xa bờ, 169 tàu đánh bắt gần bờ, số tàu chủ yếu tập trung chủ yếu ở thị trấn Trần Đề với 404 chiếc.

img_0456.jpg
Các đại biểu tham dự phiên tòa giả định

Nhằm quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban cán sự đảng TAND tỉnh Sóc Trăng đã họp và xác định việc tổ chức phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền, giáo dục người dân nói chung và ngư dân nói riêng về chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung;

Là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đó có hệ thống TAND nhằm đóng góp vào nỗ lực, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, vị thế của Việt Nam với quốc tế.

img_0454.jpg
Bà con ngư dân huyện Trần Đề tham dự phiên tòa giả định

Tình huống giả định được xây dựng: Trần Văn Nhân là chủ tàu cá số hiệu số SS-S1-TS, SS-S2-TS được cấp phép khai thác thủy sản trên vùng biển Việt Nam.

Với ý định qua vùng biển của nước T để khai thác thủy sản trái phép, Nhân trực tiếp phân công Nguyễn Văn Tân quản lý cặp tàu SS-S1-TS, SS-S2-TS và tuyển ngư phủ, cho ngư phủ ứng tiền để đi qua vùng biển nước T khai thác hải sản trái phép. Nhân còn chỉ đạo Tân tìm người ở nước T mua vé thông tin về việc Hải quân nước T tuần tra để trốn tránh.

img_0479.jpg
Đại diện VKS công bố cáo trạng tại phiên tòa

Đến khoảng đầu tháng 9/2022, Tân chạy cặp tàu này về đến Cảng TĐ, tỉnh S. Sau đó, Tân đã liên hệ rủ và nói rõ với Trần Văn Út, Trần Văn Khánh, Long, Hải, Minh, Tài, Tới, Nhựt, Hậu, Dũng, Bi, Khởi qua vùng biển nước T khai thác thủy sản trái phép, có mua vé thông tin, tiền ứng từ 20 triệu đồng – 25 triệu đồng/người, tỷ lệ chia 6/4 và khai thác 100 ngày vô bờ 01 lần, Út, Khánh đồng ý cùng xuống Cảng TĐ giúp Tân vệ sinh tàu.

Đến ngày 06/9/2022, Nhân, Tân cùng Út, Khánh, Long, Hải, Minh, Tài, Tới, Nhựt, Hậu, Dũng, Bi, Khởi lên cặp tàu có số hiệu SS-S1-TS và SS-S2-TS đi qua vùng biển nước T khai thác thủy sản trái phép.

img_0465.jpg
Hội đồng xét xử phiên tòa giả định về chống khai thác IUU

Trước khi xuất bến, Nhân tập hợp tất cả ngư phủ lại và nói rõ tàu đi qua vùng biển nước T khai thác thủy sản trái phép, ai đồng ý đi thì ở lại tàu, ai không đồng ý đi thì về nhà, tất cả ngư phủ thống nhất đồng ý đi.

Sau đó, Nhân đưa cho Tân 2 bộ hồ sơ và danh sách ngư phủ trình Trạm Biên phòng TB, tỉnh S rồi điều khiển cặp tàu này đi đến khu vực Xo giáp Yo vĩ Bắc thì Nhân tắt thiết bị giám sát hành trình của 2 tàu để tránh bị cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện tàu qua vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản.

Khi đến khu vực Yo vĩ Bắc, Nhân yêu cầu Tân chỉ đạo ngư phủ xóa số cuối của tàu, rồi tiếp tục chạy đến khu vực Zo vĩ Bắc thả cào khai thác thủy sản. Khi khai thác được khoảng 15 ngày, thì hai tàu cá của Nhân bị lực lượng Hải quân nước T tuần tra, phát hiện và đưa về giam giữ tại Trại B của nước T.

Trong quá trình điều tra, Tân và các ngư phủ Út, Khánh đều khai nhận, cặp tàu SS-S1-TS và SS-S2-TS do Trần Văn Nhân làm chủ, Tân và Nhân là người trực tiếp đưa 12 ngư phủ đi qua vùng biển nước T khai thác thủy sản trái phép và cho ứng số tiền 20 triệu đồng/người và Nhân người trực tiếp tắt thiết bị giám sát hành trình, Tân phân công ngư phủ xóa, vẽ lại số hiệu tàu tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng Việt Nam.

img_0476.jpg
Người làm chứng tại phiên tòa

Đối với các ngư phủ Long, Hải, Minh, Tài, Tới, Nhựt, Hậu, Dũng, Bi và Khởi, sau khi được bảo lãnh về Việt Nam đã đi khỏi nơi cư trú nên Cơ quan điều tra không làm việc được.

Cơ quan chức năng nước T đã tịch thu cặp tàu SS-S1-TS, SS-S2-TS cùng các thiết bị, hồ sơ trên 02 tàu gồm: thiết bị định vị, thiết bị giám sát hành trình, la bàn, điện thoại vệ tinh, 02 bộ hồ sơ tàu SS-S1-TS, SS-S2-TS.

Ngày 02/8/2023, Cơ quan điều tra có công văn yêu cầu Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh S kiểm tra, trích xuất dữ liệu điện tử trên 1 điện thoại Samsung Galaxy của Nguyễn Văn Tân. Kết quả đã trích xuất được 9 hình ảnh liên quan đến việc cặp tàu của Trần Văn Nhân bị bắt tại nước T.

Ngày 21/10/2023, Cơ quan điều tra ra Quyết định trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh S giám định kỹ thuật số đối với 02 (hai) điện thoại thu giữ của Trần Văn Nhân.

Kết quả đã trích xuất được nhiều tài liệu, hình ảnh và tin nhắn trong điện thoại IPhone 6S của Nhân quan đến việc bàn bạc, tổ chức đưa tàu và ngư phủ qua vùng biển nước T khai thác thủy sản trái phép.

img_0460.jpg
Luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa giả định

Tại phiên tòa, bị cáo Nhân và Tân thừa nhận hành vi vi phạm và mong HĐXX có mức án nhẹ khoan hồng để các bị cáo sớm về với gia đình.

Sau khi xem xét toàn diện vụ án, căn cứ tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt các bị cáo Trần Văn Nhân 8 năm tù giam về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”, xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Tân 7 năm tù giam về “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”.

Sau khi kết thúc phiên tòa giả định, TAND tỉnh Sóc Trăng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng đã giao lưu, tọa đàm, giải đáp pháp luật có liên về khai thác chống IUU cho ngư dân. Nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề ngư dân chưa hiểu, chưa rõ đã được giải đáp cặn kẽ.

img_0520.jpg
Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm sau phiên tòa giả định giải đáp pháp luật có liên về khai thác chống IUU cho ngư dân

Thông qua buổi tuyên truyền đã giúp ngư dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ từ đó tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác, đánh bắt, đặc biệt là thực hiện tốt các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để chung tay cùng các cấp, các ngành, các lực lượng gỡ bỏ thẻ vàng của EC đối với ngành thủy sản của nước ta.

Dịp này, Báo Công lý đã vận động các nhà hảo tâm trao tặng 200 phần quà cho bà con ngư dân tham gia buổi tuyên truyền.

Một số hình ảnh trao quà cho bà con ngư dân:

img_0524.jpg
img_0528.jpg
img_0533.jpg
img_0521.jpg
Ban tổ chức tặng hoa cám ơn nhà hảo tâm
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên truyền chống khai thác IUU, giúp ngư dân yên tâm bám biển