Tại phiên họp Quốc hội sáng 21/5, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Nội dung Điều 60 bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, với quan điểm hướng tới việc mở rộng diện bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện an sinh xã hội, Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo ý kiến về Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Bộ trưởng khẳng định đây là một trong những giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội đã đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1 tháng 6 năm 2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 và Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020 .
Bộ trưởng cũng đã phân tích để làm rõ hơn những mặt tích cực của quy định này. Khi thực hiện bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động sẽ có nhiều lợi ích như: Khi người lao động trở lại làm việc thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu. Trường hợp không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu với nhiều quy định mới tạo thuận lợi cho người lao động như bổ sung phương thức đóng một lần cho nhiều năm còn thiếu để hưởng lương hưu ngay khi hết tuổi lao động; chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Khi người lao động chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động phải nghỉ việc thì với quy định của chính sách bảo hiểm thất nghiệp người lao động vẫn được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để có việc làm mới . Khi người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng thì quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người lao động. Trong thời gian bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nếu không may người lao động từ trần thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất bao gồm: trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở và trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần với mức trợ cấp tuất một lần bằng mức trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.
Bộ trưởng khẳng định: Tất cả các trường hợp người lao động tích lũy thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ khi về già đều có lợi hơn rất nhiều so với việc lĩnh một lần.
Bộ trưởng cho biết, nội dung Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là phù hợp với xu hướng phát triển chung, đã thể hiện đúng quan điểm, định hướng mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Quy định này không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến cuộc sống trước mắt của người lao động mà còn chăm lo đến cuộc sống khi về già của người lao động, khi mà người lao động không còn sức lao động, không thể làm việc, cần được quan tâm bảo vệ nhiều nhất. Quy định này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của hầu hết các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 vẫn chưa có hiệu lực thi hành thì một bộ phận người lao động chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố phía Nam có kiến nghị được lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII năm 2015.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân dẫn đến sự việc nêu trên được lý giải là do thực tế đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương thực tế còn thấp nên người lao động muốn lấy bảo hiểm xã hội một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt chưa nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già, nhiều người lao động từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp nhưng không có ý định gắn bó lâu dài mà làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội để làm vốn về quê làm ăn. Bên cạnh đó, việc triển khai công tác thông tin, tuyên truyền giải thích chính sách chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời nên người lao động chưa hiểu cặn kẽ được ý nghĩa, mục đích của các quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đặc biệt là quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần.
Tạo cơ chế linh hoạt trong chính sách bảo hiểm xã hội
Xuất phát từ việc tôn trọng quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động; đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn sau khi nghỉ việc không tiếp tục tham gia vào thị trường lao động và cũng không có khả năng, nguyện vọng tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện..., Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu s au một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Nội dung này cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh tương đồng đối với cả người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Với việc sửa đổi như trên sẽ tạo cơ chế linh hoạt trong chính sách bảo hiểm xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của một bộ phận người lao động không có điều kiện và khả năng tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu hàng tháng.
Đánh giá việc sửa đổi như trên sẽ tác động đến số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã bổ sung nhiều quy định nhằm tạo điều kiện hơn cho người lao động có thể được đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu hàng tháng. Mặt khác, việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích chính sách được tăng cường thì nhận thức của người lao động được nâng nên, người lao động sẽ cân nhắc hơn khi nhận bảo hiểm xã hội một lần. Do vậy, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần dự báo sẽ giảm so với thời gian qua...
Cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Báo cáo ý kiến của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai cho biết: Trên cơ sở nguyện vọng của một bộ phận người lao động chỉ làm việc ở khu vực chính thức trong một thời gian ngắn, trong điều kiện sự dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức còn chậm, việc làm của người lao động chưa thật sự bền vững, đa số thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ, trước mắt cho phép người lao động nếu có nguyện vọng thì được nhận lại số tiền đã tham gia bảo hiểm xã hội.
Uỷ ban về các vấn đề xã hội đề nghị , cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần phù hợp với tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức và sự phát triển của thị trường lao động, giảm dần số người không có lương hưu khi về già (năm 2014 , ngân sách phải chi hơn 3.000 tỷ đồng cho khoảng 1,5 triệu người 80 tuổi trở lên không có lương hưu) . Để tổ chức thực hiện chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước, công đoàn, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ và có nhiều giải pháp phù hợp hơn nữa để tuyên truyền, phổ biến và giải thích đúng bản chất, ý nghĩa, mục tiêu, quan điểm của chính sách bảo hiểm xã hội – chính sách trụ cột của an sinh xã hội nhằm tăng số lượng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo mục tiêu đã đề ra vào năm 2020 (50% lực lượng lao động).
Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng thu gom Sổ bảo hiểm xã hội của người lao động gặp khó khăn để lấy tiền bảo hiểm xã hội một lần; các tổ chức thực hiện chính sách cần tư vấn, giải thích cho người lao động hiểu đầy đủ các chính sách như bảo lưu, cộng dồn, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước nếu không tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp,... để người lao động có sự lựa chọn tốt nhất cho quyền lợi của họ .
Theo chương trình, sáng 22/5, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận nội dung này tại tổ trước khi thảo luận phiên toàn thể tại hội trường vào sáng 27/5.