An ninh trật tự

Cần làm gì khi người lạ gọi điện đe dọa đang bị điều tra?

Thanh Phương 04/05/2024 - 08:21

Trước tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang ngày một phức tạp, tinh vi, nhiều thủ đoạn mới, bên cạnh sự vào cuộc đấu tranh của cơ quan chức năng, người dân cũng cần nâng cao cảnh giác khi có người lạ gọi điện xưng danh Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án đe dọa đang bị điều tra.

Bị các đối tượng giả danh công an gọi điện đe dọa lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng do có sự đề phòng vì đã được tuyên truyền, cảnh báo từ trước, nên ông Hoàng Trọng Quang (Thanh Hóa) đã rất bình tĩnh đến trình báo với công an xã và các đối tượng lừa đảo đã không thực hiện được hành vi của mình.

loike.jpg
Ông Quang trình báo vụ việc với Công an xã Hà Lĩnh

Theo lời ông Hoàng Trọng Quang (ở thôn Tiên Hoà 2, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung) vào khoảng 11 giờ ngày 23/4, một đối tượng không rõ danh tính tự xưng là cán bộ công an huyện Hà Trung gọi điện thoại thông báo ông đang bị điều tra vì liên quan đến một vụ án ma túy.

Khi ông Quang phản bác lại rằng mình không vi phạm pháp luật, đối tượng đã yêu cầu ông chờ để kết nối với cấp trên ở Hà Nội. Sau đó, hai đối tượng khác lần lượt xuất hiện qua điện thoại, tự xưng là cán bộ công an Hà Nội và Thủ trưởng cơ quan điều tra của Bộ Công an.

Các đối tượng này thay nhau đe doạ ông Quang và cáo buộc rằng, ông liên quan đến hành vi mua bán ma túy và rửa tiền, nếu không nghe theo bọn chúng thì sẽ thực hiện lệnh khám nhà và bắt tạm giam ông ngay lập tức.

Để chứng minh sự vô tội, các đối tượng này yêu cầu ông Quang phải kê khai tài sản, các vật dụng gia đình có giá trị và thông tin cá nhân. Tiếp đó, chúng yêu cầu ông chuyển 100 triệu đồng vào một tài khoản mà chúng cung cấp để “tạm giữ” phục vụ quá trình điều tra. Sau khi điều tra, nếu không phát hiện vấn đề gì thì số tiền trên sẽ được trả lại sau 1 đến 2 ngày.

“Lúc đầu tôi cũng rất lo lắng, vì bọn chúng biết rất rõ lai lịch của mình, rồi lại biết cả số tiền tiết kiệm mà tôi tích cóp bao nhiêu năm để an dưỡng tuổi già. Chúng còn đe doạ là không được báo công an, vì công an xã cũng đang dính dáng tới đường dây này, nếu báo thì sẽ bị bắt ngay. Nhưng nhớ lại những gì đã được tuyên truyền tôi đoán đó là thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng phạm tội, nên đã đến Công an xã Hà Lĩnh trình báo sự việc”, ông Quang kể lại.

Tại Công an xã Hà Lĩnh, ông Quang được cán bộ, chiến sĩ công an xã tuyên truyền nên đã hiểu thêm về các hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Sau khi biết ông Quang đến trình báo với lực lượng công an, biết không thể thực hiện được mục đích lừa đảo, các đối tượng đã chặn hết các số điện thoại liên lạc của chúng.

Trước tình hình tội phạm lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp, Công an xã Hà Lĩnh đã tổ chức nhiều biện pháp tuyên truyền, cảnh bảo đến Nhân dân trên địa bàn. Trong đó, ngoài tuyên truyền trực tiếp như phát tờ rơi đến tận từng nhà dân, qua các buổi họp dân, hội nghị ở các khu dân cư, chúng tôi còn thường xuyên phát trên loa phát thanh, tuyên truyền cảnh báo qua zalo, Facebook...

Vì thế người dân trên địa bàn cơ bản nắm được tình hình, cũng như phương thức thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng tội phạm, mà trường hợp của ông Hoàng Trọng Quang là một ví dụ. Bài học cảnh giác để tỉnh táo nhận diện và có ý thức phòng ngừa, tố giác tội phạm. Khi có gì bất thường thì báo ngay cho cơ quan công an.

Vụ việc này là một lời cảnh báo, nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc cảnh giác trước các hình thức lừa đảo, đặc biệt là những kẻ giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo người dân liên tục cập nhật thông tin và phương pháp phòng chống tội phạm để bảo vệ bản thân và tài sản của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần làm gì khi người lạ gọi điện đe dọa đang bị điều tra?