Sau nhiều tháng khó khăn của giai đoạn chuyển đổi sang chính quyền dân chủ, cuối cùng Sudan đã có được nội các mới. Ngay lập tức, Liên minh châu Phi (AU) đã hủy lệnh đình chỉ tư cách thành viên của Sudan.
Sudan công bố nội các đầu tiên thời hậu Tổng thống Bashir
Ngày 5/9, Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok đã chính thức công bố nội các đầu tiên kể từ sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ. Việc thông báo thành phần chính phủ chuyển tiếp đã bị trì hoãn trong nhiều ngày để Thủ tướng Hamdok có thêm thời gian nghiên cứu, lựa chọn những người phù hợp trong số các ứng cử viên được Liên minh Tự do và Thay đổi (FFC) đề xuất.
Thủ tướng Hamdok, nhà kinh tế kỳ cựu của Liên hợp quốc, nói rằng việc cần thêm thời gian là để ông có thể lựa chọn những “nhà kỹ trị có năng lực” và đạt được sự cân bằng về giới cũng như đảm bảo có được đại diện từ tất cả các vùng miền của đất nước trong nội các.
Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok giơ tay làm dấu hiệu chiến thắng trong cuộc họp báo công bố nội các của ông ở Khartoum vào ngày 5 tháng 9 năm 2019.(Ảnh: AFP)
Nội các mới gồm 18 thành viên, trong đó có 4 nữ giới, bao gồm cả nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Sudan là bà Asma Mohamed Abdalla. Phát biểu trong cuộc họp báo ngay sau lễ công bố, Thủ tướng Hamdok khẳng định việc chọn lựa được nội các đánh dấu điểm khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của đất nước.
Theo ông Hamdok, ưu tiên hàng đầu của chính phủ chuyển tiếp là chấm dứt chiến tranh và xây dựng hòa bình bền vững, đấu tranh phòng chống tham nhũng và thay đổi nhà nước Hồi giáo bảo thủ được hình thành sau 30 năm cầm quyền của Tổng thống al-Bashir.
Theo thoả thuận chia sẻ quyền lực được ký kết giữa Hội đồng Quân sự chuyển tiếp (TMC) và FFC, Chính phủ chuyển tiếp sẽ chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề của Sudan trong vòng 39 tháng. Trong khoảng 2 tháng tới, một cơ quan lập pháp giai đoạn chuyển tiếp sẽ được thành lập, bao gồm 300 thành viên, với 201 ghế được giành cho FFC.
Người biểu tình Sudan phát động các cuộc biểu tình chống chính phủ vào tháng 12 và đã nhiều ngày cắm trại trước trụ sở quân đội ở Khartoum
Liên minh châu Phi hủy lệnh đình chỉ tư cách thành viên của Sudan
Ngay sau khi nội các của Sudan được công bố, lệnh đình chỉ tư cách thành viên của Liên minh châu Phi (AU) - được áp đặt từ ngày 6/6 sau khi xảy ra cuộc đụng độ đẫm máu giữa các lực lượng an ninh của chính quyền Khartoum với người biểu tình - đã được hủy bỏ. Trong thông báo ngày 6/9, Hội đồng Hòa bình và an ninh của AU cho biết quyết định dỡ bỏ được đưa ra sau khi "Sudan thành lập được Chính phủ do dân đứng đầu".
Hội đồng Hòa bình và an ninh của AU nhấn mạnh việc chuyển giao quyền lực cho một cơ quan do dân đứng đầu là "cách duy nhất để Sudan thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay".
Động thái này cũng được Chủ tịch Ủy ban châu Phi Moussa Faki ca ngợi là "sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới" cho Sudan.
Sudan chìm trong làn sóng biểu tình từ tháng 12/2018, xuất phát từ việc giá bánh mì tăng gấp ba lần. Các cuộc tuần hành quy mô lớn buộc Bashir phải giải tán nội các và tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong một năm.
Omar al-Bashir cai trị Sudan trong 30 năm cho đến khi bị quân đội lật đổ vào tháng 4/2019
Tháng 4/2019, quân đội đã tổ chức một cuộc đảo chính lật đổ tổng thống Bashir. Ông Omar al-Bashir, 75 tuổi, trở thành Tổng thống sau cuộc đảo chính do người Hồi giáo hậu thuẫn năm 1989. Ông là một trong những Tổng thống cầm quyền lâu nhất ở Sudan và bị Tòa Hình sự quốc tế truy nã về tội diệt chủng và tội ác chiến tranh.
Ngay khi cuộc đảo chính nổ ra, Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres, kêu gọi một quá trình chuyển đổi để đáp ứng "khát vọng dân chủ" của người dân Sudan.
Ngày 14/5, Hội đồng Quân sự chuyển tiếp (TMC) của Sudan và phe biểu tình đã nhất trí về thời gian của giai đoạn chuyển tiếp là 3 năm để hoàn thiện việc chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự.
Ngày 17/7, Hội đồng quân sự chuyển tiếp đang nắm quyền ở Sudan và Các lực lượng Tự do và Thay đổi đã ký một thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Thỏa thuận này là một trong hai văn kiện liên quan đến vấn đề chia sẻ quyền lực tại Sudan mà các nhà hoạt động hi vọng rằng sẽ mở đường cho việc thành lập một chính quyền dân sự ở quốc gia Đông Phi này. Một cơ quan lãnh đạo hỗn hợp dân sự và quân sự đã tuyên thệ và nhận nhiệm vụ giám sát quá trình chuyển tiếp. Thỏa thuận trên cũng nêu rõ cơ quan lập pháp sẽ được thành lập trong vòng 90 ngày.