Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thăm và làm việc với Tập đoàn Viettel

Mai Đỉnh - Hải Đăng| 27/08/2021 07:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 26/8, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình dẫn đầu Đoàn công tác của TANDTC đến thăm và làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Cùng tham gia Đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC; các đồng chí thành viên Hội đồng Thẩm phán, cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc TANDTC. Làm việc với Đoàn về phía Tập đoàn Viettel có Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; các đồng chí Phó Tổng giám đốc Tập đoàn: Thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam, Đại tá Nguyễn Đình Chiến, Đại tá Tào Đức Thắng và các đồng chí đại diện một số phòng, ban, chuyên môn của Tổng Công ty và Công ty trực thuộc Tập đoàn.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, các đồng chí trong Đoàn đã được xem phóng sự giới thiệu về chặng đường phát triển của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội qua các thời kỳ.

le-ky-ket.jpg
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC trao đổi với Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.

Tại buổi làm việc với Tập đoàn Viettel, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC cùng các đồng chí trong đoàn đã được đồng chí Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Nguyễn Đình Chiến báo cáo tóm tắt một số kết quả hợp tác giữa Viettel và TANDTC, đồng thời thông qua nội dung thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021 – 2025.

Cụ thể, phía Viettel đã hỗ trợ triển khai nhiều hạng mục trong lĩnh vực CNTT và Viễn thông như: Viettel đã hỗ trợ cử chuyên gia kỹ thuật, cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến (bao gồm từ kênh truyền, thiết bị kết nối giữa Việt Nam và các nước Asean, đảm bảo Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần thứ 8 (Tháng 11/2020) thành công tốt đẹp; thực hiện nghiên cứu phát triển nên tầng Toà án điện tử cho TANDTC; xây dựng kiến trúc Tòa án điện tử; hệ thống trợ lý ảo…

Trong quá trình phát triển các hệ thống cán bộ kỹ thuật của Viettel đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng và đội ngũ những chuyên gia của Tòa án đảm bảo dữ liệu được cập nhật liên tục giúp nâng cao hiệu quả quản lý của TAND trên nền tảng công nghệ số hiện đại và mang tính bài bản, được quy hoạch và tối ưu hóa chi phí thực hiện, ứng dụng triệt để cuộc cách mạng 4.0, nâng cao chất lượng của hoạt động tư pháp. Đồng thời phát triển Tòa án điện tử trong tương lai hướng đến việc thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử. Qua đó toàn bộ hoạt động của tòa án được công khai, minh bạch, rõ ràng giúp người dân dễ dàng tra cứu, theo dõi tiến độ giải quyết vụ án và các công việc của Tòa án “Mọi lúc – Mọi nơi – Mọi phương diện”.

Chúc mừng Tập đoàn Viettel với những thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua, đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC cho rằng Viettel đang là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam. Viettel đã có được một đội ngũ cán bộ nhân viên thuộc thế hệ trẻ có trình độ chuyên môn cao, có cách tiếp cận sáng tạo, bắt kịp với xu thế hiện đại, nhưng được huấn luyện kỷ luật, kỷ cương của quân đội. Sức mạnh tập thể theo mô hình quân đội chính là yếu tố tạo nên sự thành công cho Viettel.

Chia sẻ và nhắc lại sự kiện TANDTC đã được đón đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo Tập đoàn Viettel sang thăm và dự Hội nghị chuyển đổi số và định hướng xây dựng Tòa án điện tử, đồng thời hai cơ quan đã cùng bắt tay ký kết Chương trình phối hợp trong công tác thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Du cho rằng sự kiện là đòn bẩy quan trọng góp phần tạo ra sự thay đổi diện mạo và phát triển của Tòa án điện tử Việt Nam.

le-ky-ket1.jpg
Đoàn công tác TANDTC tham quan trụ sở của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)

Tại buổi làm việc, đã diễn Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa TANDTC và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội về chuyển đổi số tại TANDTC.

Phát biểu tại Lễ ký kết, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC đánh giá cao sự phối hợp giữ hai bên, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của sự phát triển Tòa án Việt Nam trong quá trình xây dựng Tòa án điện tử, hướng tới chuyển đổi số, góp phần hoàn thành Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đồng chí Nguyễn Hòa Bình, chuyển đổi số đã dần trở thành xu thế không thể đảo ngược, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có, gắn với đó là những thách thức và yêu cầu phải tự điều chỉnh. Cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là chuyển đổi số với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh.

Chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà quan trọng hơn là chuyển đổi về tư duy thiết kế và nội dung chính sách ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Hệ thống TAND nói riêng và cả hệ thống chính trị của Việt Nam buộc phải tự đổi mới để thích ứng được xu thế toàn cầu ấy.

Thông tin tại buổi làm việc, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết,, sáng 26/8, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã họp Phiên thứ 13 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo. Tại phiên họp, TANDTC đã báo cáo xin ý kiến về chủ trương ban hành Quy chế về tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tại Tòa án.

Sau khi lắng nghe ý kiến trao đổi của các thành viên Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận, nêu rõ việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu, cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 diễn ra vũ bão trên toàn cầu và sự đe dọa của dịch Covid-19; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xét xử trực tuyến chỉ là biểu hiện cụ thể của xét xử trực tiếp với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và đảm bảo yêu cầu tuân theo pháp luật của phiên tòa. Đặc biệt, Chủ tịch nước đề nghị Ban Thư ký tập hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp, thảo luận để sớm có thông báo kết luận, trước hết là Quy chế tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tại Tòa án; qua đó tạo điều kiện cho việc xét xử trực tuyến chính thức sớm được triển khai trên thực tế.

Với thỏa thuận hợp tác ngày hôm nay giữa TANDTC và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội về chuyển đổi số tại TANDTC, đồng chí Chánh án TANDTC hoàn toàn tin tưởng rằng với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến, đội ngũ chuyên gia hàng đầu về điện tử viễn thông và kinh nghiệm sẵn có trong việc xây dựng, phát triển chuyển đối số cho nhiều Bộ, ngành thuộc Chính phủ của Tập đoàn Viettel sẽ giúp cho TANDTC nhanh chóng xây dựng thành công Tòa án điện tử, Toà án số trong thời gian ngắn nhất theo kế hoạch hai bên đã đề ra.

Trước những phát biểu của đồng chí Chánh án TANDTC, đồng chí Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội cho biết, trong thời gian qua, Viettel được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của lãnh đạo TANDTC và Bộ Thông tin và Truyền thông, trên cơ sở đó Viettel rất mong muốn sau buổi Lễ ký kết thỏa thuận này với TANDTC, hai bên sẽ tiếp tục cùng nhau xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, cụ thể. Viettel cam kết đồng hành, hợp tác chặt chẽ cùng với TANDTC trên mọi phương diện, đồng thời cam kết đưa ứng dụng công nghệ hiện đại nhất của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà Viettel làm chủ vào các giải pháp chuyển đổi số áp dụng tại TANDTC. Viettel hi vọng và mong muốn lãnh đạo TANDTC tiếp tục ủng hộ Viettel, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của TANDTC và Toà án các cấp cử đầu mối phối hợp với Viettel trong từng hạng mục cụ thể đề các nội dung ký kết sớm đưa vào thực tiễn.

Theo nội dung hợp tác, hai bên hợp tác triển khai các hoạt động chuyển đổi số tại TANDTC góp phần thực hiện thành công Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tập đoàn Viettel bố trí các chuyên gia thực hiện giới thiệu, đề xuất các giải pháp công nghệ tiên tiến, các nền tảng chuyển đổi số phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành công việc tại TANDTC.

Tập đoàn Viettel phát triển và triển khai thí điểm cho Toà án các hệ thống thông tin phục vụ chuyển đối số tại TANDTC theo định hướng của Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, góp phần xây dựng Toà án điện tử, đảm bảo phù hợp với các quy trình, nghiệp vụ quản lý của Toà án; đáp ứng các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về dữ liệu và về kết nối. Trong đó tập trung tư vấn, nghiên cứu, xây dựng, phát triển và triển khai thử nghiệm các nội dung, cụ thể. Đào tạo nâng cao trình độ về lĩnh vực an toàn, an ninh mạng; quản trị hệ thống công nghệ thông tin; lập trình, phát triển các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin cho các kỹ sư tin học của các Tòa án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thăm và làm việc với Tập đoàn Viettel