Cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại TAND là một trong các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án nên được lãnh đạo TAND cấp cao tại Hà Nội đặc biệt quan tâm.
TAND cấp cao tại Hà Nội phấn đấu từ nay đến năm 2020 xây dựng “Tòa án điện tử” để công khai, minh bạch hơn nữa các hoạt động của Tòa án nhằm phục vụ người dân hiệu quả nhất và dễ dàng tiếp cận công lý.
Quá trình cải cách hành chính, đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, quản lý điều hành nhằm công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án; giúp cho những tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận với các thủ tục tư pháp khi giải quyết công việc tại Tòa án. Về quy trình phân công thụ lý, giải quyết các vụ việc theo thủ tục phúc thẩm, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội đã ra văn bản quy định Phòng Hành chính tư pháp tiếp nhận, thụ lý hồ sơ vụ việc theo thủ tục phúc thẩm; bàn giao hồ sơ để VKSND cấp cao tại Hà Nội nghiên cứu theo qui định của pháp luật tố tụng; lập danh sách các vụ việc đã thụ lý trình Chánh án phân công Thẩm phán. Việc tiếp nhận, xử lý đơn thư, công văn; tiếp nhận, thụ lý hồ sơ vụ việc theo thủ tục phúc thẩm được thể hiện trên hệ thống phần mềm nghiệp vụ của đơn vị. Ngay khi tiếp nhận lại hồ sơ từ VKSND, theo sự phân công của Chánh án, Phòng Hành chính tư pháp giao hồ sơ cho các Thẩm phán (thông qua các Tòa chuyên trách) để nghiên cứu, giải quyết.
Sau khi nhận hồ sơ, Tòa chuyên trách có trách nhiệm thực hiện các hoạt động tố tụng, hành chính tư pháp như: Đề xuất việc áp dụng, thay đổi các biện pháp ngăn chặn, cấp giấy chứng nhận người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; đề xuất lịch xét xử gửi Phòng Hành chính tư pháp tổng hợp báo cáo Chánh án. Khi có lịch phiên tòa, các Tòa chuyên trách có trách nhiệm chủ động đôn đốc Thư ký thực hiện các hoạt động chuẩn bị phiên tòa, trích xuất, triệu tập, liên hệ với Tòa án cấp tỉnh bố trí phòng xử, liên hệ với văn phòng để bố trí phương tiện. Sau khi kết thúc phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và Thư ký có trách nhiệm hoàn tất các hoạt động hành chính tư pháp gồm: Ra quyết định tiếp tục tạm giam, giao, gửi bản án, lưu hồ sơ và thực hiện việc giải thích, đính chính bản án khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật tố tụng. Kết quả giải quyết vụ việc theo trình tự phúc thẩm được thông báo để Phòng Hành chính tư pháp cấp số văn bản tố tụng (bản án, quyết định) đồng thời cập nhận phần mềm quản lý, thống kê tổng hợp, báo cáo.
TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp nhận đơn thư của công dân liên quan đến hoạt động xét xử
Về quy trình phân công thụ lý đơn, giải quyết các vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội ban hành Văn bản số 198/TANDCC về trình tự giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; trong đó quy định cụ thể về quy trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn đề nghị; việc thụ lý và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; việc gửi hồ sơ vụ án, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm và ban hành kèm theo 30 mẫu văn bản tố tụng, văn bản hành chính. Việc tiếp nhận, thụ lý đơn đề nghị, hồ sơ vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện trên phần mềm quản lý, giúp việc cập nhật, theo dõi tiến độ giải quyết vụ việc đạt hiệu quả từ khâu nhận đơn, phân loại, thụ lý đến quá trình giải quyết nên giúp cho việc thống kê số liệu bảo đảm chính xác.
Bên cạnh đó, TAND cấp cao tại Hà Nội thực hiện việc công khai hóa lịch xét xử, lịch công tác trên bảng điện tử của cơ quan. Hệ thống mạng LAN (đường truyền Internet không dây) đã được kết nối đến từng phòng làm việc của công chức nên thuận lợi trong việc tra cứu thông tin và hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo đơn vị. TAND cấp cao tại Hà Nội cũng ứng dụng phần mềm lưu trữ bản án, giúp cho việc sao lục án, cũng như công tác quản lý hồ sơ vụ án sau khi kết thúc quá trình tố tụng được nhanh chóng, khoa học. Người dân khi cần sao lục bản án, hồ sơ của Tòa án, chỉ cần đưa ra một số thông tin vụ án thì cán bộ phụ trách cấp sao trích lục bản án có thể nhanh chóng tìm ra bản án và sao y cho người yêu cầu nên đã tiết kiệm đáng kể thời gian và công sức của người dân.
Cải cách thủ tục hành chính tư pháp của TAND cấp cao tại Hà Nội đã mang lại hiệu quả thiết thực, bảo đảm bộ máy hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn; việc thụ lý giải quyết án được nhanh chóng, tránh trùng lặp; việc báo cáo, thống kê, cập nhật dữ liệu bảo đảm chính xác kịp thời. Việc công khai hóa các hoạt động tố tụng của Tòa án bảo đảm cho người dân thuận lợi khi tiếp cận công lý; nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy tư pháp; bảo đảm sự đơn giản hóa các thủ tục và làm tăng tính hiệu quả của quá trình xử lý công việc.
Để công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp ngày càng phát huy được hiệu quả, theo Thẩm phán Phạm Văn Hà, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội thì cần có định biên về cán bộ làm công tác hành chính tư pháp; bảo đảm kỹ sư tin học phải có trình độ về pháp luật và thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ. Ngoài ra, cần phải có biện pháp tăng cường an ninh, bảo mật để chống lại sự tấn công, xâm nhập, ăn cắp dữ liệu của các hacker; cần cấp kinh phí thường xuyên để cập nhật, nâng cấp đối với hệ thống tin học và xây dựng mô hình về đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án để học tập, nhân rộng. TAND cấp cao tại Hà Nội phấn đấu từ nay đến năm 2020 xây dựng “Tòa án điện tử” để công khai, minh bạch hơn nữa các hoạt động của Tòa án nhằm phục vụ người dân hiệu quả nhất và dễ dàng tiếp cận công lý.