Cần phải tính toán kỹ

Trung Nguyễn| 02/06/2017 05:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xung quanh đề xuất xóa bỏ biên chế ngành giáo dục, dư luận xã hội đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Đa số cho rằng, bỏ biên chế là phù hợp, là đúng với xu hướng lựa chọn giá trị cung - cầu; loại bỏ những cá nhân yếu kém; tránh được tình trạng “chạy” biên chế như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về mục đích cũng như tính hiệu quả của chính sách mới này.

Các ý kiến cho rằng, nếu xó bỏ biên chế, thực hiện chế độ hợp đồng lao động “có vào có ra” thì sẽ trao cho Hiệu trưởng cái quyền quá lớn, dễ phát sinh tiêu cực. Ai đảm bảo Hiệu trưởng sẽ công tâm trong việc lựa chọn. Ai chắc chắn được Hiệu trưởng không vì người thân, thậm chí vì tiền, vì các mối quan hệ mà nhận, sử dụng giáo viên yếu kém, loại bỏ những người có năng lực? Nếu không có cơ chế giám sát hữu hiệu, các trường học sẽ dễ dàng hình thành một nhóm lợi ích gồm người thân, người nhà của Hiệu trưởng.

Cần phải tính toán kỹ

Hình minh họa

Có ý kiến đề nghị, muốn chuyển giáo viên sang chế độ hợp đồng thì ít nhất phải kèm theo các điều kiện như xóa bỏ hầu hết các trường công lập và chuyển sang chế độ trường tư như các nước ngoài. Hiện nay, một số nơi đã thuê Hiệu trưởng. Do đó, nếu bỏ biên chế, Hiệu trưởng cũng phải không trong biên chế như giáo viên và phải ký hợp lao động với một đơn vị chủ quản của trường đó. Nếu để Hiệu trưởng vẫn là viên chức ăn lương nhà nước như xưa nay trong khi giáo viên là người làm công theo hợp đồng thì rất bất hợp lý.

Hiệu trưởng chỉ nên làm chức năng quản lý hành chính nội bộ, không có quyền chỉ đạo về chuyên môn. Quyền quản lý chuyên môn thuộc về một hội đồng của trường do giáo viên bầu ra theo nhiệm kỳ. Việc quyết định kỷ luật cũng do hội đồng quyết định. Bên cạnh đó phải có tổ chức hiệp hội nhà giáo để bảo vệ quyền lợi của giáo viên.

PGS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng việc bỏ biên chế giáo viên, Bộ GD&ĐT cần phải tính toán kỹ và đưa ra lộ trình cụ thể, không thể nói là bỏ ngay. Nếu bỏ thì phải tính đến chính sách đãi ngộ đối với giáo viên ở những vùng khó khăn, miền núi, biển đảo như thế nào. Cơ chế chính sách như thế nào để đảm bảo lương và cuộc sống của họ, nhất là trong điều kiện hiện nay lương giáo viên còn thấp. Nếu lương chưa tăng mà áp dụng việc xóa biên chế, liệu còn mấy ai yêu nghề, mấy ai chịu đến những nơi khó khăn để dạy.

Một số ý kiến khác cho rằng trước khi quyết định học theo mô hình của nước ngoài thì cần bình tĩnh xem xét cả hệ thống chính trị xã hội của họ thế nào, vì sao họ làm được như thế ? Đừng vội “chộp” lấy một mẫu mô hình nhà trường của họ để làm theo trong khi không đặt nó trong bối cảnh chung của đất nước.

Bởi vậy, Bộ GD&ĐT nên thí điểm mô hình này ở một số trường học, có thể là ở một số địa phương trọng điểm thuộc các thành phố lớn trước, có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, sau đó mới tiến hành đại trà. Như vậy có thể khắc phục được những trở ngại, thậm chí tránh được những sai lầm không thể sửa chữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần phải tính toán kỹ