Các biện pháp tư pháp theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS)năm 2015 gồm có 05 điều (Điều 46, 47, 48, 49 và 82). Điểm mới cơ bản nhất là việc bổ sung các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Các biện pháp tư pháp đối với người phạm tội gồm: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm. Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi. Bắt buộc chữa bệnh. Đây là ba biện pháp được kế thừa của BLHS năm 1999.
Các biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại phạm tội gồm có 4 biện pháp: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; Khôi phục lại tình trạng ban đầu; Thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.
Như vậy, trong số 04 biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì có hai biện pháp cũng áp dụng đối với cá nhân người phạm tội.
Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm: Về cơ bản, nội dung điều luật này vẫn kế thừa nhiều quy định tại Điều 41 của BLHS năm 1999, chỉ sửa đổi về nội dung nhằm thể hiện chính xác, cụ thể hơn: Khoản 1 Điều 47 đã thay cụm từ "sung quỹ nhà nước" bằng cụm từ "sung vào ngân sách nhà nước" để đảm bảo sự chính xác trong cách sử dụng thuật ngữ. Đồng thời, ngoài việc xử lý đối với vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là "tịch thu sung vào ngân sách nhà nước" như quy định tại Điều 41 của BLHS năm 1999, Điều 47 đã bổ sung thêm hình thức xử lý là "tịch thu tiêu hủy" tại khoản 1 để đảm bảo đầy đủ, chính xác hơn. Ngoài ra, tại điểm c khoản 1 Điều 47 cũng đã bổ sung thêm đối tượng là vật thuộc loại Nhà nước cấm "tàng trữ" sẽ đầy đủ hơn so với quy định cũ.
Bổ sung thêm đối tượng vật, tiền liên quan đến tội phạm sẽ bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước là "khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội" để đảm bảo sự đầy đủ, chính xác cũng như đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn áp dụng pháp luật. Tại khoản 3 Điều 47 đã bỏ cụm từ "sung quỹ nhà nước" để đảm bảo sự linh hoạt trong xử lý vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm bị tịch thu (có thể bị sung vào ngân sách nhà nước hoặc có thể bị tiêu hủy, tùy thuộc vào đặc điểm, tính chất của từng loại vật, tiền).
Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi: Quy định này kế thừa Điều 42 BLHS 1999, cụ thể: Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.
Ảnh minh họa
Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.
Bắt buộc chữa bệnh: Điều 49 BLHS năm 2015 quy định về biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh được hình thành trên cơ sở gộp 02 điều luật của BLHS năm 1999 là Điều 43 - Bắt buộc chữa bệnh và Điều 44 - Thời gian bắt buộc chữa bệnh.
So với Điều 43 của BLHS năm 1999 về biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì Điều 49 của BLHS năm 2015 có sửa đổi như sau: Theo quy định của BLHS năm 1999 thì căn cứ để quyết định đưa người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội vào một sơ sở chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh là "kết luận của Hội đồng giám định pháp y", Điều 49 BLHS năm 2015 đã sửa đổi căn cứ này thành " kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần" để phù hợp với Luật Giám định tư pháp năm 2012, bởi lẽ, chỉ trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại thì việc giám định lại lần thứ hai mới phải do Hội đồng giám định thực hiện. Gộp quy định về trừ thời gian bắt buộc chữa bệnh vào thời hạn chấp hành hình phạt tù tại Điều 44 BLHS năm 1999 vào nội dung Điều 49 BLHS năm 2015.
Các biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 82 cụ thể như sau: Thứ nhất, tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm quy định tại Điều 47 củaBLHS; Thứ hai, trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, buộc công khai xin lỗi quy định tại Điều 48 của BLHS; Thứ ba, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
Thứ tư, buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra, bao gồm: Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện được đưa vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhập khẩu trái với quy định của pháp luật hoặc được tạm nhập, tái xuất nhưng không tái xuất theo đúng quy định của pháp luật; hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa giả mạo quyền sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm; Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại hoặc tang vật khác thuộc đối tượng bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật; Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường.