Bộ trưởng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội: Những vấn đề “nóng” được đưa ra “mổ xẻ”

Quốc Huy| 02/04/2014 10:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã “đăng đàn” trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội(ĐB) về những vấn đề hiện đang được quan tâm.

“Nóng” từ nông sản, giá điện

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương đã trả lời các đại biểu về các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thị trường; cách xử lý tình trạng thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu nông sản, thủy, hải sản gây rối loạn thị trường; các quy định về kinh doanh xăng dầu, điện…

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, ngay sau khi có thông tin trên, Bộ Công thương đã chủ động kiểm tra và kịp thời chỉ đạo theo dõi chặt chẽ hoạt động của thương lái nước ngoài thu mua nông, thủy sản trên địa bàn. Đồng thời, Bộ cũng liên hệ với các địa phương nơi xảy ra các hiện tượng nói trên, yêu cầu các địa phương báo cáo nhanh để nắm bắt tình hình và kịp thời xử lý.

Bộ trưởng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội: Những vấn đề “nóng” được đưa ra “mổ xẻ”

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn

Nhiều ĐB lo lắng “khả năng mùa sau nông dân sẽ bỏ vụ”, khi mà tình trạng dưa hấu đang ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Bộ trưởng Hoàng cho biết, lý do cửa khẩu nhỏ, trong khi các cửa khẩu khác như Móng Cái, Lào Cai vẫn có thể hoạt động nhưng không thấy tư thương đưa hàng đến. Đáng chú ý, có tình trạng tư thương cứ đưa hàng lên biên giới mà không biết có ký được hợp đồng hay không nên rất dễ xảy ra tình trạng ùn ứ, ép giá. Bộ Công thương đã chỉ đạo bộ phận Hải quan làm việc với phía bạn và hiện nay thời gian thông quan kéo dài đến 9 giờ tối, làm cả thứ Bảy và Chủ nhật. Đồng thời yêu cầu tỉnh Lạng Sơn có văn bản gửi những địa phương có nhiều dưa nắm tình hình và có phương án  phù hợp.

Liên quan đến vấn đề đầu tư ra ngoài ngành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như câu hỏi về việc ngành điện đưa chi phí khu nhà ở vào giá thành sản xuất đã được Thanh tra Chính phủ kết luận, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tính đến ngày 31/12/2011, EVN có tổng vốn đầu tư ngoài ngành là 121.790 tỷ đồng. Trong tổng vốn EVN đầu tư ra ngoài ngành mà Thanh tra Chính phủ nêu (121.790 tỷ đồng), khoảng 51% (62.482 tỷ đồng) là các khoản Tập đoàn đi vay và sau đó cho các đơn vị thành viên vay lại.

Do EVN trực tiếp vay của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để đầu tư các công trình điện trước đây nên khi chuyển đổi mô hình hoạt động thành Tập đoàn kinh tế Nhà nước, các khoản vay của EVN được chuyển cho các công ty con và công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực điện (các Tổng Công ty Điện lực, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, các nhà máy điện đã cổ phần hóa thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam trước đây)… Các khoản vay này không chuyển đổi được chủ thể hợp đồng vay từ Công ty mẹ EVN sang các đơn vị do các tổ chức tín dụng không chấp thuận. Vì vậy, việc cho vay lại để EVN thu hồi vốn từ các đơn vị thành viên đã sử dụng nguồn vốn vay đầu tư các công trình điện, đảm bảo EVN có nguồn trả nợ, là một thực tế khách quan.

Trong tổng số tiền 121.790 tỷ đồng đầu tư ngoài doanh nghiệp, EVN chỉ đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán số tiền 1.997 tỷ đồng. “Theo kế hoạch, đến hết năm 2015, EVN sẽ thoái hết vốn tại các lĩnh vực trên (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) để tập trung đầu tư các dự án điện”, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.

Đến những bất cập trong điều hành giá xăng dầu

Một vấn đề nóng nữa được ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) và một số ĐB khác để cập đến là tình trạng thiếu công khai, minh bạch trong quản lý giá xăng dầu… Nguyên nhân xuất phát từ quy định của Nghị định số 84/2009, nhưng vì sao đến nay cử tri và đại biểu ý kiến nhiều lần mà chưa sửa được?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lý giải, lúc đầu dự kiến chỉnh sửa một số điều không phù hợp liên quan đến cơ chế công khai, minh bạch, quỹ bình ổn giá... Qua quá trình xin ý kiến các cơ quan liên quan thấy rằng, vấn đề dự kiến sửa không đáp ứng được mà phải thay Nghị định mới. Vì vậy, hiện nay Chính phủ đang chuẩn bị ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trong đó có nhiều điểm mới nhằm tạo môi trường kinh doanh xăng dầu ngày càng cạnh tranh hơn; tăng tính công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng dầu, quỹ bình ổn giá.

Bộ trưởng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội: Những vấn đề “nóng” được đưa ra “mổ xẻ”

Vấn đề y đức được xã hội đặc biệt quan tâm

Nói về vấn đề bình ổn giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trần Văn Hiếu trần tình, thực tế điều hành giá xăng dầu trong năm 2013 và đầu năm 2014, Liên Bộ Tài chính - Công thương đã nhiều lần yêu cầu các thương nhân đầu mối sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thậm chí yêu cầu các thương nhân đầu mối cắt giảm lợi nhuận định mức trong cơ cấu tính giá cơ sở nhằm bình ổn giá xăng dầu bán trong nước, kiểm soát lạm phát. Hiện nay, Quỹ bình ổn giá đang phải chi sử dụng 300 đồng/lít xăng và các thương nhân đầu mối chưa được tính đủ lợi nhuận định mức trong cơ cấu tính giá đối với các mặt hàng xăng, dầu hỏa (chỉ được tính 150 đồng/lít, tương đương 50% định mức quy định).

Y đức đang là vấn đề đáng lo ngại

Buổi chiều, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và sự điều hành phiên chất vấn của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến những nội dung liên quan tới giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về y đức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế hiện nay; việc đầu tư y tế cơ sở nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, công tác quản lý Nhà nước đối với y tế tư nhân...

Không quên đề cập đến những thành tích mà ngành y tế đã đạt được trong  năm qua đối với công tác y tế nói chung của toàn xã hội; nhiều tấm gương cán bộ, nhân viên y tế tận tụy phục vụ nhân dân… Bộ trưởng Tiến cũng thẳng thắn thừa nhận: Trên thực tế, vẫn còn một số ít cán bộ y tế không giữ vững được phẩm chất và đạo đức của người thầy thuốc, vi phạm quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử, có thái độ không đúng mực và gây phiền hà cho người bệnh nhân và bức xúc trong xã hội. Các cơ sở khám, chữa bệnh còn quá tập trung vào công tác chuyên môn mà chưa thực sự quan tâm sâu sắc đến yếu tố con người, đặc biệt về đạo đức nghề nghiệp; các hoạt động giáo dục đạo đức nghề nghiệp được triển khai còn chiếu lệ…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tiến, quan điểm của Bộ Y tế đối với các trường hợp vi phạm là xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không dung túng, bao che, tuân thủ các quy định pháp luật và thẩm quyền quản lý Nhà nước. 

Bằng chứng là trên cơ sở tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân và kết quả xác minh, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ và Sở Y tế tiến hành kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của cán bộ viên chức y tế. Một số vụ việc đã được xử lý nghiêm như: Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu đã buộc thôi việc đối với một hộ lý vi phạm quy định, nhận phong bì của người nhà bệnh nhân; Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh đã chủ động, kịp thời xử lý nghiêm bác sỹ có thái độ cáu gắt trong giao tiếp, thiếu giải thích một số thắc mắc về bệnh lý của bệnh nhân…

Liên quan đến câu hỏi về tình trạng các cơ sở hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ mọc lên như nấm, chất lượng rất đáng quan tâm nhưng việc cấp giấy phép đang bị buông lỏng… Bộ trưởng Tiến cho hay, trong tháng 11/2013, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn kiểm tra của Bộ do các đồng chí Thứ trưởng làm trưởng đoàn đi kiểm tra việc quản lý các hoạt động hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, hành nghề dược tư nhân, thẩm mỹ viện tại các tỉnh, thành phố trong toàn quốc;  kiểm tra tất cả các bệnh viện tư nhân chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và đã có những giải pháp xử lý…nhẹ nhất là cảnh cáo rồi đến rút giấy phép hành nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội: Những vấn đề “nóng” được đưa ra “mổ xẻ”