Chính sách tiền tệ trong 9 tháng cuối năm là tiếp tục thực hiện các biện pháp ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất; phấn đấu kiểm soát lạm phát cơ bản trong mức 1,6-1,8%.
Trên đây là một trong những nội dung Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 27/3/2018.
CPI bình quân quý I năm 2018 tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2017
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, trong quý I năm 2018, công tác chỉ đạo điều hành giá đã có sự phối hợp tích cực và chủ động của các Bộ, ngành, địa phương, Nhóm giúp việc liên ngành trong việc triển khai các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
CPI bình quân quý I năm 2018 tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2017. Ảnh minh họa
Trong 3 tháng đầu năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng biến động theo quy luật tiêu dùng hàng năm theo đúng kịch bản đã được dự báo trước: tăng cao trong hai tháng Tết và giảm trở lại sau Tết.
Các Bộ, ngành, địa phương đã kịp thời có những biện pháp bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán, điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp bảo đảm tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm, đồng thời hoàn thành việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước 2 (kết cấu thêm chi phí tiền lương vào trong giá) theo lộ trình thị trường; công tác dự báo tiếp tục được chú trọng và tương đối sát so với diễn biến giá cả thị trường, kịp thời tham mưu cho Chính phủ các kịch bản điều hành giá phù hợp.
CPI tháng 3 năm 2018 tăng 0,97% so với tháng 12 năm 2017, CPI bình quân quý I năm 2018 tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2017.
Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước ước tăng 1,34%. Đây là mức tăng sát với kịch bản dự báo và trong tầm kiểm soát của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2018 ở mức 4%.
Dự báo trong 9 tháng còn lại của năm 2018, qua phân tích, đánh giá bối cảnh trong nước và thế giới cho thấy mặt bằng giá thị trường chịu tác động đan xen của các yếu tố làm tăng áp lực và các yếu tố kiềm chế tốc độ tăng giá.
Rủi ro về áp lực tăng giá chủ yếu đến từ yếu tố thị trường như xu hướng phục hồi của giá xăng dầu và một số nguyên liệu chính trên thị trường thế giới, gắn với đó là việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số dịch vụ công (dịch vụ y tế, giáo dục, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước...).
Bên cạnh đó, cũng có nhiều yếu tố tác động sẽ giúp kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng như cung cầu hàng hóa được cân đối, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá một số nhóm mặt hàng có xu hướng giảm khi áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ như giá dịch vụ viễn thông với việc triển khai công nghệ 4G; lạm phát cơ bản được kiểm soát, giá một số dịch vụ có dư địa giảm như giá thuốc chữa bệnh cho người; dịch vụ sử dụng đường bộ BOT tiếp tục được rà soát để giảm giá, giá vật tư y tế có thể giảm nếu tiếp tục đẩy mạnh áp dụng biện pháp đầu thầu và tăng cường công tác quản lý.
Phương hướng điều hành giá 9 tháng cuối năm
Về chính sách tiền tệ, PTT Vương Đình Huệ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Chú trọng kiểm soát cung tiền và tiếp tục áp dụng các biện pháp để trung hòa nguồn ngoại tệ thu được từ nguồn đầu tư nước ngoài. Kiểm soát tổng mức tín dụng cả về cơ cấu và chất lượng tín dụng. Tiếp tục thực hiện các biện pháp ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất; phấn đấu kiểm soát lạm phát cơ bản trong mức 1,6-1,8%.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến giá thị trường các mặt hàng nông sản, phối hợp với Bộ Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng như lúa gạo, thịt lợn, đường, muối... nhằm ổn định thị trường; nghiên cứu tổ chức lại thị trường trong nước, tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới cho các mặt hàng nông sản chủ lực nhằm ổn định thị trường, đảm bảo đời sống của người dân, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Đối với dịch vụ thủy lợi, trên cơ sở điều chỉnh mức giá nhóm dịch vụ thủy lợi khác để triển khai Luật Thủy lợi có hiệu lực từ 1/7/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê đánh giá tác động của việc điều chỉnh đến chỉ số giá tiêu dùng để chủ động trong điều hành chung.
Liên quan đến mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung; công bố giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu phù hợp với thị trường và quy định của pháp luật theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng-Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại công văn số 439/VPCP-KTTH ngày 1/1/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc quản lý, điều hành giá xăng dầu; tăng cường công tác kiểm tra giá, quản lý chất lượng, tránh gian lận trong kinh doanh xăng dầu.
Mặt hàng điện, Bộ Công Thương rà soát các chi phí đầu vào để điều hành giá điện phù hợp với kịch bản điều hành giá chung trong năm 2018, đồng thời tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tránh tạo kỳ vọng về lạm phát.
Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê xây dựng kịch bản riêng về điều hành giá, trong đó chú trọng đến việc điều chỉnh tiền lương cơ sở và kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với thực tế phát sinh và lộ trình quy định , đồng thời bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế và mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục tăng cường và mở rộng danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia với mục tiêu tiếp tục kéo giá thuốc giảm từ 10-15% trong năm 2018. Nghiên cứu áp dụng đấu thầu tập trung đối với vật tư y tế và mở rộng ra kênh đấu thầu khác ngoài kênh của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đánh giá thực trạng mức thu giá dịch vụ giáo dục (học phí) hiện nay, xác định tỷ lệ đã thực hiện so với khung, mức trần quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP; Nghiên cứu cơ chế điều hành, chủ động nắm bắt thông tin, đăng ký lộ trình tăng giá, phân bổ và kiểm soát mức độ, thời điểm tăng giá dịch vụ giáo dục cho phù hợp.
Về giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, thực hiện quản lý theo quy định tại Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016, Thông tư số 08/2017/TT-BCT ngày 26 tháng 6 năm 2017 trong đó chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh và Sở ngành chức năng triển khai tiếp nhận và giám sát kê khai giá sữa cho trẻ em dưới 06 tuổi tại khâu bán lẻ cho người tiêu dùng.
Giá vật liệu xây dựng và bất động sản: Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản, đặc biệt chú trọng quản lý giá thép, chủ động đề xuất biện pháp bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung khi nhu cầu nguyên vật liệu cho xây dựng tăng cao; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường có báo cáo tổng thể về thực trạng, phương án quản lý các công trình khách sạn căn hộ (condotel) đảm bảo tính bền vững của thị trường bất động sản.
PTT Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát các dự án, hoàn tất đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng để điều chỉnh giảm giá dịch vụ BOT tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian hoàn vốn. Sớm triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng và tiếp tục rà soát các chi phí liên quan đến vận hành và khai thác các dự án BOT này.