Văn hóa - giải trí

Xét danh hiệu nghệ sĩ: Đúng, đủ và không "lạm phát"

Minh Anh 07/06/2023 - 07:07

Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT (trên cơ sở Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) đang trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi. Theo nhiều chuyên gia, việc mở rộng đối tượng xét NSND, NSƯT rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về những quy định này.

Mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT

Bộ VHTTDL vừa hoàn thiện hồ sơ xét tặng 136 danh hiệu NSND và 347 danh hiệu NSƯT lần thứ 10 trình Chủ tịch nước.

Đợt xét tặng lần thứ 10 là lần đầu tiên áp dụng Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

nghe.jpg
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT (trên cơ sở Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022).

Theo Nghị định 40, ngoài việc xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ theo đủ các tiêu chí về số năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, đủ giải thưởng, huy chương… hội đồng các cấp còn thảo luận, đánh giá các trường hợp đặc biệt để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trong đó, ba hội đề xuất "người sáng tạo tác phẩm văn hoá nghệ thuật" để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT gồm: Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho tác giả kịch bản múa, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho nhạc sĩ sáng tác và phối khí, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh và người sáng tác.

Như vậy, đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT sẽ được mở rộng. Đó là “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” bên cạnh nghệ sĩ biểu diễn vẫn được xét tặng lâu nay.

nghe3.jpg

Điều này khiến nhiều chuyên gia trong ngành hưởng ứng và đánh giá cao. Vì đây là ghi nhận xứng đáng với cống hiến của từng cá nhân. Tuy nhiên, cũng có nhiều người tỏ ra băn khoăn về những quy định mới, mở rộng đối tượng xét duyệt này.

Nỗi lo "lạm phát" danh hiệu

Trong những năm gần đây, việc trao quá nhiều danh hiệu nghệ sĩ đang trở thành một vấn đề gây tranh cãi trong giới nghệ sĩ và công chúng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến danh dự của các danh hiệu nghệ sĩ mà có thể gây ra nhiều tác động đến ngành công nghiệp giải trí.

Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu xóa đi ranh giới giữa những nhóm sáng tạo nghệ thuật.

le-khanh.jpg
NSND Lê Khanh.

Từng nói về việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ, NSND Lê Khanh cho biết: "Việc xét phong danh hiệu nghệ sĩ là tôn vinh và đánh giá đúng giá trị nghệ thuật của những nghệ sĩ tạo nên hiện tượng đột phá trong giới chuyên môn về tài năng, sự phá cách hay độc đáo...

Chứ không phải hòa lẫn chúng với thành tựu sự nghiệp của người nghệ sĩ. Sự đánh giá danh hiệu dựa trên huy chương là khập khiễng ở phương thức làm nghề giữa hai miền".

"Việc trao quá nhiều danh hiệu nghệ sĩ cũng khiến giá trị của các giải thưởng bị giảm sút. Khi một danh hiệu nghệ sĩ được trao quá nhiều, nó không còn độc đáo và quý giá nữa, và người xem cũng không còn cảm thấy đặc biệt khi các nghệ sĩ được trao giải.

Thêm vào đó, việc trao quá nhiều danh hiệu cũng có thể dẫn đến sự so sánh không công bằng giữa các nghệ sĩ, và có thể gây ra sự ganh đua và ghen tị giữa các nghệ sĩ". Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Hưng cho biết.

Những nỗi lo của các chuyên gia đều có lý. Do vậy, để không gây hiểu lầm, Bộ VHTTDL đã có những giải thích về sự việc này. Bộ VH-TT-DL cho rằng một số đối tượng chưa phù hợp với việc phong tặng danh hiệu, cụ thể là “tác giả kịch bản múa” và “nhạc sĩ phối khí” vì đây không phải là tác giả sáng tạo độc lập của tác phẩm văn hóa - nghệ thuật.

nghe4.jpg

Ngoài ra, “giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh” đã thuộc đối tượng xét danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, còn “nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh” thuộc đối tượng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật.

Bộ VH-TT-DL cũng cho rằng đề xuất cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chưa phù hợp, thiếu chặt chẽ. Ví dụ Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đề xuất cách tính thời gian tham gia nghệ thuật cho đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa - nghệ thuật” giống như đối tượng hoạt động nghệ thuật biểu diễn; Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề xuất theo thời gian công bố tác phẩm giống điều kiện để xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật… là không phù hợp.

Các đề xuất cụ thể hóa tiêu chí “tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích đón nhận” đều mang tính chung chung, chưa lượng hóa được tiêu chuẩn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét danh hiệu nghệ sĩ: Đúng, đủ và không "lạm phát"