Theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 thì trong tháng 5 tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải hoàn thiện Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Trước đó, cuối tháng 12/2023, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp và thống nhất khuyến nghị Chính phủ phương án điều chỉnh lương tối thiểu áp dụng từ ngày 1/7/2024 tăng bình quân 6%, tương ứng tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng. Như vậy, nếu được Chính phủ đồng ý, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ ngày 1/7/2024, cùng thời điểm cải cách tiền lương khu vực công.
Với chính sách tăng lương này, nhiều người lao động có tâm lý vui - buồn lẫn lộn. Bởi thực tế ghi nhận, việc tăng giá thường xảy khi tăng lương cơ sở, hoặc tăng lương tối thiểu vùng, thậm chí mức tăng giá còn cao hơn cả mức tăng lương. Câu chuyện lo tăng giá không phải chỉ ở đợt tăng lương lần này, mà hầu như xuất hiện tại tất cả các kỳ điều chỉnh tiền lương đã qua.
Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tăng lương tối thiểu vùng là chính sách tốt cho người lao động. Tăng lương cũng sẽ tạo động lực tốt để cho người lao động cải thiện một phần điều kiện sống để làm việc hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, cần có giải pháp kiểm soát tình trạng tăng giá theo tâm lý, vì cứ mỗi đợt điều chỉnh tiền lương, là lại thêm một đợt giá cả tăng và ít khi về lại mặt bằng giá cũ.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều yếu tố cho thấy việc giá tiêu dùng sẽ tăng theo lương, chỉ là chuyện sớm muộn. Đầu tiên là tâm lý tăng giá của người bán. Yếu tố thứ hai là quản lý Nhà nước. Ngoài các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá chặt chẽ để chống đầu cơ, găm hàng làm loạn giá như xăng, dầu, điện, sách giáo khoa...hay hàng hóa trong siêu thị, tại đại lý, tại doanh nghiệp, vẫn còn một phần lớn hàng hóa được buôn bán tự do ở chợ, là đang bị thả lỏng, chưa thể kiểm soát được.
Giá và lương có mối quan hệ rất chặt chẽ; khi lương tăng, giá cả hàng hóa ổn định thì tiền lương tăng mới có giá trị với người lao động. Cho nên, vấn đề là phải kiểm soát được lạm phát, nhất là giá cả các mặt hàng thiết yếu. Phải có biện pháp thanh tra, kiểm tra các mặt hàng, tuyên truyền để xã hội thấy việc điều chỉnh này là theo lộ trình, để giải quyết khó khăn, tránh chuyện "tát nước theo mưa", chưa tăng lương mà giá cả đã ào ào tăng lên.
Theo ý kiến một số chuyên gia, việc thực hiện cải cách tiền lương khu vực Nhà nước, đồng thời lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng 6% dự kiến từ 1/7/2024 sẽ có thể là yếu tố làm gia tăng kỳ vọng lạm phát, sẽ khiến cho giá các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng lên.
Các chương trình hỗ trợ phục hồi, giải ngân đầu tư công của Chính phủ, dịch vụ du lịch... dự kiến cũng sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố có khả năng tạo áp lực lên lạm phát cũng có những yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như sự chủ động và nguồn cung dồi dào về lương thực, thực phẩm - nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu dùng của người dân; hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế VAT tiếp tục được thực hiện trong năm 2024.
Được biết, cùng với việc tăng lương, Chính phủ cũng đã đề ra các giải pháp để kiểm soát lạm phát. Cụ thể, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai chính sách quản lý giá thận trọng, hợp lý và chủ động, bám sát diễn biến thị trường. Thường xuyên đánh giá, dự báo để điều chỉnh phù hợp, góp phần bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Các chuyên gia cũng cho rằng, dự báo được tình hình để đối phó với các tình huống sẽ giúp Chính phủ thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, phục hồi và phát triển sản xuất. Với các yếu tố kiềm chế lạm phát, Chính phủ có kinh nghiệm trong điều hành giá hàng hóa và dịch vụ chiến lược, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 từ 4- 4,5% đã được Quốc hội thông qua hoàn toàn khả thi.