Việc HĐXX phúc thẩm giữ nguyên hình phạt cấp sơ thẩm đã tuyên đối với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc đã đảm bảo được tính răn đe, trừng phạt nghiêm khắc với tội phạm tham nhũng. Phán quyết của HĐXX được đông đảo dư luận đồng tình.
Án phạt nghiêm khắc
Chiều 7/5, không chấp nhận kháng cáo của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, HĐXX tuyên án: Dương Chí Dũng (Chủ tịch HĐQT Vinalines) tử hình về tội tham ô; 18 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tổng hợp hình phạt là tử hình. Mai Văn Phúc (TGĐ Vinalines): tử hình về tội tham ô, 18 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là tử hình.
Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines): 10 năm tù về tội tham ô tài sản; 9 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt 19 năm tù;
Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines): 14 năm tù đối với tội tham ô; 8 năm tù về tội cố ý làm trái. Tổng hợp hình phạt 22 năm tù; Mai Văn Khang (nguyên Phó trưởng ban đóng mới tàu biển): 7 năm tù về tội cố ý làm trái; Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Cục Đăng kiểm Việt Nam): 7 năm tù; Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa): mỗi bị cáo 6 năm tù, bị cáo Đức bồi thường 7 tỷ đồng, hai bị cáo Lừng và Triện bồi thường 6 tỷ đồng.
Nét ưu tư trên khuôn mặt của bị cáo Dương Chí Dũng sau khi nghe Tòa tuyên mức án tử hình đối với bị cáo
Về trách nhiệm liên quan của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tòa cho rằng việc xác định ụ nổi không phải là tàu biển, không đề cập yêu cầu đảm bảo về tuổi của ụ nổi khi nhập khẩu là không đúng quy định pháp luật. Tòa đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra xem xét trách nhiệm của đơn vị này. Tòa cho rằng có căn cứ giảm mức bồi thường với các bị cáo hải quan để tương ứng với việc giảm mức án cho các bị cáo, vì đánh giá mức độ thiệt hại của ụ nổi đã giảm 8 tỷ đồng.
Về tài sản kê biên, Tòa xác định căn nhà của vợ chồng Dương Chí Dũng - Phạm Thị Mai Phương là tài sản chung vợ chồng. Việc không khấu trừ giá trị ½ căn nhà này cho bà Phương và khấu trừ 1/8 căn hộ tại Sky City của chị P.T.T là sai sót. Tòa cho rằng cần khấu trừ khoản tiền này để đảm bảo quyền lợi của người liên quan khi kê biên, thanh lý các tài sản. Tòa bác quan điểm của Dương Chí Dũng và vợ cho rằng tiền mua 2 căn hộ hạng sang cho chị P.T.T là của bà Phạm Thị Mai Phương đưa cho cựu Chủ tịch Vinalines.
Tòa cũng không chấp nhận kháng cáo đề nghị hủy kê biên căn nhà ở Quảng Ninh của vợ Mai Văn Phúc.
Về Trần Hải Sơn, Tòa cho rằng mức án 14 năm tù đối với hành vi tham ô tài sản áp dụng với bị cáo là quá nhẹ khi vai trò của bị cáo thể hiện rất lớn, hưởng lợi 7,8 tỷ đồng - một số tiền không nhỏ. Tòa cho rằng cần có hình thức kháng nghị tăng hình phạt về tội danh này đối với Trần Hải Sơn.
Về bị cáo Mai Văn Khang, việc bị cáo chỉ bị tuyên phạt 7 năm tù – nhẹ hơn cả mức án 8 năm tù áp dụng đối với nhóm bị cáo là cán bộ hải quan tòa cũng cho là không hợp lý. Dù Khang có xin giảm án vì bố là cán bộ cách mạng, đã già yếu nhưng tình tiết này tòa cho rằng chưa đủ căn cứ để xem xét. Tòa nhận định, cần giữ nguyên mức án sơ thẩm với Mai Văn Khang, không thể xem xét giảm án cho bị cáo.
Tòa cho rằng có căn cứ giảm một phần hình phạt cho nhóm bị cáo là cán bộ hải quan để tương xứng với vai trò, trách nhiệm của các bị cáo trong vụ án.
Tòa cho rằng cần áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc đối với các bị cáo trong vụ án vì hậu quả nghiêm trọng để lại. HĐXX nhận thấy, gây hậu quả nghiêm trọng là tình tiết định tội cố ý làm trái với các bị cáo. Hơn nữa, hậu quả vụ án còn là đặc biệt nghiêm trọng nên áp dụng tình tiết tăng nặng đối với các bị cáo của cấp sơ thẩm là hoàn toàn chính xác.
Cả Dũng và Phúc đều trực tiếp ký các quyết định về việc đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển, mua sắm ụ nổi, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn đối với nhà nước. 2 bị cáo đã lôi kéo nhiều bị cáo khác phạm tội. Số tiền chiếm hưởng của 2 bị cáo đặc biệt lớn. Dương Chí Dũng còn có hành vi bỏ trốn. Khi bị truy tố, xét xử các bị cáo lại chưa thành khẩn khai báo, nhận tội. Vì vậy việc tuyên án tử hình đối với 2 bị cáo là hoàn toàn đúng đắn.
Việc gia đình các bị cáo nộp một số tiền để giúp các bị cáo chiếm đoạt Tòa ghi nhận là một tình tiết để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo như đề xuất của đại diện VKS. Tuy nhiên, số tiền mỗi gia đình nộp chỉ bằng 1/3-1/2 số tiền các bị cáo chiếm đoạt và rất nhỏ so với thiệt hại gây ra. Vậy nên khoản tiền này không giúp làm thay đổi nhận định về hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của bị cáo.
Vì vậy cần giữ nguyên hình phạt cấp sơ thẩm đã tuyên mới đảm bảo được tính răn đe nghiêm khắc với tội phạm tham nhũng hiện nay.
Dư luận đồng tình
Cũng như phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm vụ án này thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi đây là một trong mười vụ đại án tham nhũng xảy ra trong thời gian gần đây. Trước khi phiên tòa diễn ra, dư luận mong muốn, Tòa án sẽ xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đủ sức răn đe đối với người có hành vi phạm tội, đặc biệt đối với tội phạm tham nhũng trong tình hình hiện nay. Bởi vậy, phán quyết của HĐXX cấp phúc thẩm đối với các bị cáo trong vụ án này đã nhận được sự đồng tình của dư luận.
Ông Khiếu Huy Hoàng, 76 tuổi, nguyên đại tá quân đội, trú tại Tập thể Viện Quân y 103, Hà Nội nói: "Đây là vụ án hết sức nghiêm trọng, gây xôn xao dư luận, mất niềm tin trong nhân dân đối với một bộ phận lãnh đạo, gây thất thoát tiền của của nhà nước và của nhân dân. Phán quyết của HĐXX phúc thẩm đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng, sẽ có tác dụng răn đe người lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham ô, tham nhũng".
Bà Chu Thị Giang, 72 tuổi, cán bộ hưu trí, xã Trung Tú, Ứng Hòa, Hà Nội cho rằng, bên cạnh việc xét xử đúng người đúng tội, Tòa còn tuyên các bị cáo phải bồi thường thiệt hại để tránh thất thoát lãng phí tiền của Nhà nước. Bà Giang cho biết, dư luận rất bức xú trước thực tế một số quan chức tham nhũng dùng tiền bất chính để sống xa hoa, xây dinh thự đồ sộ, chu cấp cho bồ nhí… Hiện tượng này khiến người dân mất lòng tin vào đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, là tác nhân làm xói mòn đạo đức xã hội. Vì vậy, cần phải trừng trị nghiêm minh. Đồng thời có biện pháp thu hồi tài sản mà những kẻ tham nhũng chiếm đoạt và gây thất thoát của Nhà nước và nhân dân.
Theo dõi phiên tòa, nhiều người dân cũng mong muốn, sau vụ án này, Đảng, Nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn nữa, đặc biệt có sự hướng dẫn và chỉ đạo thật sát sao hơn nữa để các cấp, các ngành thực hiện tốt việc phòng chống tham nhũng theo nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Người dân cũng hy vọng, các vụ đại án tham nhũng sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, như nhiệm vụ mà Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng đã đề ra.
Phương Nam