Chuyện học hộ, thi hộ và…tiến sĩ “đạo văn”

Hải Vân| 16/12/2016 06:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ việc học hộ, thi hộ đã trở nên phổ biến, đôi khi còn được coi là “một nghề” trong giới sinh viên đến việc luận văn bị rao bán tràn lan trên mạng và tiến sĩ “đạo văn” đã phản ánh phần nào chất lượng của ngành Giáo dục trong những năm qua.

Tràn lan học hộ, thi thuê 

Không khó để có thể tìm một người học hộ, thậm chí thi hộ trên mạng inernet. Chỉ cần gõ cụm từ “học hộ - thi hộ”, google đã cho ra 467.000 kết quả chỉ trong 0,28 giây. Các trang facebook học hộ, thi hộ có hàng ngàn người theo dõi với lượng thông tin cập nhận từng giờ. Đây được coi là một hoạt động “ngầm” khá phổ biến trong giới sinh viên.

Vào một trang web học hộ, hàng loạt các thông tin như “Em cần tìm 1 bạn nữ học hộ vào thứ 5, thứ 6 tuần này từ 7h-10h15 buổi sáng tại CĐKTCN HN (Tả Thanh Oai, Thanh Trì) chỉ cần điểm danh rồi ngồi chơi thôi”, “Em cần 1 bạn nữ học hộ môn quân sự vào chiều nay lúc 1h tại trường  ĐH sư phạm HN ạ. Giá 70k-80k”,  “Cần nữ học hộ sáng mai 7h30-11h học bên Ngụy Như Kon Tum"…

Chuyện học hộ, thi hộ và…tiến sĩ “đạo văn”

Các lời rao vặt học hộ, thi hộ tràn lan trên mạng

Liên hệ với số điện thoại 093…xxx thì được biết bạn gái này hiện đang là sinh viên năm thứ 4, chuyên đi học hộ các ca sáng, tối, thậm chí cả ca chiều. Học hộ cả sinh viên chính quy, liên thông, tại chức. Đảm bảo ghi chép đầy đủ, chữ đẹp, dễ đọc, có kinh nghiệm nên “đối phó” được với giáo viên nếu chẳng may bị phát hiện.

Một ca học hộ từ 2 - 4 giờ có giá trung bình từ 70.000đ - 100.000đ tùy theo yêu cầu của người học. Nếu chỉ đi học để điểm danh thì có giá khác, nếu cần ghi chép thì giá cao hơn.

Liên hệ với một bạn đăng thông tin cần tìm người học hộ, bạn này cho biết: “Chuyện học hộ bây giờ là bình thường, giảng đường đông như thế các thầy cô cũng không thể phát hiện ra. Trước đây mình còn nhờ người học nhưng giờ thuê cho tiện, đỡ phiền hà. Cứ hôm nào trời mưa gió, trời lạnh hay hôm nào lười lười là lại thuê người học, ở nhà ngủ hoặc làm việc riêng”.

Bên cạnh các thông báo tìm người học hộ, những dòng tin đăng nhờ người thi hộ cũng “nhộn nhịp” không kém. Các lời rao vặt ngắn gọn, đầy đủ thông tin được công khai tràn lan trên các diễn đàn học hộ, thi hộ. “Cần 1 người thi hộ trực tiếp toán kinh tế vào thứ 7 ngày 17/12 giá cả thoả thuận, liên hệ 0166….”;  “Mình cần 1 bạn học giỏi môn kinh tế vĩ mô, mình thi vào 8h30 sáng 14/12. Yêu cầu trên 7 điểm, 500k”…

Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện tượng học hộ, thi hộ, thậm chí làm luận văn hộ đang dần trở nên phổ biến trong giới sinh viên. Chỉ cần 70.000đ trở lên là đã có người học hộ bất kể ca nào, 500.000đ trở lên cho một môn thi đạt từ điểm 7. Trước đây, việc học hộ không phải không có nhưng thường là do mối quan hệ bạn bè, quen biết nhờ nhau những lúc có việc cấp bách, còn chuyện thi hộ thì tuyệt nhiên không có. Nhưng ngày nay, dần dà hình thức này biến thành dịch vụ. Bạn cũng không thể nhờ mãi được khi mình không muốn học, khi muốn đi chơi, hoặc thậm chí có người đi học cho chỉ để… ngủ.

Chính vì thế mà xuất hiện nhu cầu, có cung ắt có cầu, hình thành nhóm người chuyên học hộ, thi hộ. Các bạn này thường là những sinh viên chăm chỉ, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên việc đi học hộ hay thi hộ cũng là một hình thức kiếm tiền chính đáng bằng sức lao động của mình.

Khoan nói đến chuyện đúng sai, bị phát hiện hay không bị phát hiện…mà hiện tượng này cho thấy có một bộ phận sinh viên coi việc học là chuyện bình thường, học cho có, học để đối phó, kiếm một tấm bằng để sau này ra trường đi làm như một cái vé thuận chiều… chứ không phải học để lĩnh hội kiến thức, tích lũy kinh nghiệm. Thật đáng buồn hiện tượng này ngày càng phổ biến trong giới sinh viên.

"Thị trường luận văn" sôi động

Bên cạnh một bộ phận không nhỏ sinh viên thuê người học họ, thi hộ thì việc làm hộ một đồ án, luận văn tốt nghiệp cũng không phải là hiếm thấy.

Khi tôi hỏi một sinh viên: “Năm 4 rồi, cứ nhờ đi học triền miên thế này thì làm đồ án thế nào?”.  Bạn ấy thản nhiên: “Chị cứ yên tâm, giờ chỉ cần có tiền thôi. Em thuê người làm hộ luôn rồi, khi nào em nhận đề tài chuyển cho bạn ấy, đến ngày giờ mang đi nộp. Khi đi bảo vệ chỉ cần học thuộc mấy câu hỏi thôi chị, chứ như em, nghỉ học suốt làm gì có gì trong đầu mà luận văn với đồ án….”.

Luận văn, luận án hay đồ án tốt nghiệp là những công trình mà sinh viên, học viên cao học phải dành thời gian, tâm huyết, trí tuệ nghiên cứu để đóng góp cho xã hội. Nhưng hiện nay, nhiều người không cần mất thời gian mà chỉ cần bỏ tiền "mua" công trình nghiên cứu khoa học, thuê làm luận văn qua mạng.

Chuyện học hộ, thi hộ và…tiến sĩ “đạo văn”

Để mua được một luận văn Tiến sĩ không hề khó, chỉ cần có tiền và hình thức thanh toán cũng khá dễ dàng.

Không khó để mua được một luận văn trên mạng, trên các trang web có tên miền www.luanvan.net; www.tailieu.vn; hay www.tailieubachkhoa.vn... Hàng loạt các luận văn, luận án của tất cả các ngành nghề, các bậc học từ tiểu luận đến đồ án tốt nghiệp, luận văn tốt nghiệp đại học, cao học, thậm chí là làm nghiên cứu sinh của các tiến sĩ.

Người có nhu cầu chỉ cần đăng ký một tài khoản, sau khi xem tóm tắt các luận văn được đăng miễn phí, nếu có nhu cầu mua toàn bộ, người dùng cần đăng nhập tài khoản sau đó download xuống. Tuy nhiên để tải được, người dùng phải nạp tiền theo hình thức thẻ cào điện thoại với các mệnh giá 20.000đ; 50.000đ; 100.000đ tùy vào luận văn và số lần tải.

Không chỉ các bạn sinh viên “lười học” mới thuê người làm luận văn mà rất nhiều những cán bộ, nhiều người học lên đến thạc sĩ, tiến sĩ cũng coi việc làm luận văn thuê như một “giải pháp”.

Trong vai một người đang làm luận văn tiến sĩ vì bận công việc không có thời gian, tôi liên hệ với website có tên miền www.luanvan... để hỏi về một đề tài nghiên cứu sinh ngành luật. Quản trị của website này (xin được giấu tên) chia sẻ: “Chị chỉ cần cung cấp đề tài, luận văn nào bên em cũng có thể đáp ứng được”. Khi tôi băn khoăn về chất lượng thì được biết, từ trước đến giờ chưa có luận văn nào bị trả lại hay điểm thấp.

Theo quy trình làm việc mà website đưa ra thì tổng giá trị của một luận văn tiến sĩ có giá 60.000.000đ. Trong đó, giai đoạn 1 hoàn thiện đề cương (5.000.000đ); giai đoạn 2 hoàn thiện tổng quan (10.000.000đ), giai đoạn 3,4,5 là giai đoạn hoàn thiện chuyên đề. Mỗi chuyên đề được hoàn thiện có giá 15.000.000đ, tổng cộng là 60.000.000đ. Số tiền được thanh toán theo từng giai đoạn, kết thúc giai đoạn nào chuyển tiền giai đoạn đó.

Khi người viết đề xuất được gặp mặt để trao đổi thêm với người làm luận văn thì bị… từ chối để đảm bảo “bí mật” cho người làm. Tất cả thông tin chỉ trao đổi qua email và chuyển khoản qua ngân hàng. Việc thỏa thuận được thống nhất dựa trên quy trình làm việc gửi kèm giữa các bên.

Đến Tiến sĩ cũng... “đạo văn”

Mới đây, trên báo Tiền phong đã dẫn chứng vụ việc cách đây 2 năm, lãnh đạo của một Viện thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, tác giả đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2003 “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam”, bị tố đã sao chép tới 30% dung lượng của một luận án tiến sĩ khác với đề tài “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường”. Vụ việc này đã thật sự làm “sốc” dư luận.

Khi vụ việc bị đưa ra, Hội đồng chức danh giáo sư ngành Kinh tế học đã xác minh và khẳng định luận án của vị này sao chép một phần từ luận án của TS Mai Thanh Quế (Học viện Ngân hàng). Khi đó Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận đã có văn bản đề nghị Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước xem xét thu hồi quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư đối với vị lãnh đạo Viện; đồng thời giao cho Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân xem xét, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vụ việc này không phải là chuyện hiếm.

Chuyện học hộ, thi hộ và…tiến sĩ “đạo văn”

Đề tài nào cũng có để có thể mua bán

Trong một cuộc trả lời báo chí gần đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết “Chưa ở đâu đào tạo tiến sĩ rẻ như ở Việt Nam, 15-18 triệu đồng/năm không thể đủ để đào tạo một nghiên cứu sinh bài bản. Tiền nào của nấy, đầu tư như thế thì sao đòi hỏi chất lượng ngang với Mỹ, châu Âu...".

Để đánh giá chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay, các chuyên gia chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo còn hạn chế, cụ thể: Người học chưa xác định chính xác mục tiêu làm nghiên cứu sinh; cơ sở đào tạo buông lỏng quản lý, chạy theo số lượng; cơ sở vật chất đầu tư chưa thỏa đáng và nguồn lực đầu tư, kinh phí đào tạo quá thấp. Trong đó, lý do về chi phí đào tạo thấp được thảo luận sôi nổi…

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành những chính sách kịp thời để “siết” chặt việc quản lý đào tạo tiến sĩ. Việc làm này là kịp thời và cần thiết, tuy nhiên mặc dù chính sách có thay đổi nhưng tư duy của người học không thay đổi thì khó có được những kết quả “xứng đáng”.

Nếu như các bạn trẻ ngay từ lúc bước chân vào giảng đường đại học, không coi việc học là nghiêm túc, thời gian trên ghế nhà trường là thời gian để lĩnh hội kiến thức và tích lũy kinh nghiệm. Nếu vẫn tồn tại tư tưởng “học cho qua”, “học để đối phó” “học để lấy tấm bằng xin việc”; khi đã có việc rồi thì “học để lên lương”, “học để lên chức” mà không phải học để nghiên cứu, tìm tòi ứng dụng những kiến thức, kỹ năng, phát minh…vào cuộc sống thì dù Bộ có “siết” chặt đến đâu đi nữa, những “tiến sĩ giấy” sẽ vẫn còn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện học hộ, thi hộ và…tiến sĩ “đạo văn”