Kinh tế

Tập đoàn Lộc Trời nợ tiền mua lúa của nông dân hơn 200 tỷ đồng

Phú Khởi 10/05/2024 - 09:49

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang, tính đến ngày 24/4, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời còn nợ tiền mua lúa của gần 900 hộ nông dân ở An Giang với số tiền hơn 200 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, vụ lúa Đông xuân 2023-2024, nông dân trong tỉnh đã gieo trồng trên 31.000 ha lúa, với 27 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ với 27 hợp tác xã và liên hợp tác xã, tổ, nhóm nông dân. Phần lớn diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ của nông dân An Giang ký với Tập đoàn Lộc Trời .

no-lua.jpg
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết ghi nhớ sản xuất, tiêu thụ lúa với đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng

Riêng vụ Đông xuân này, Tập đoàn Lộc Trời đã ký hợp đồng tiêu thụ trên 16.000 ha lúa, của trên 900 hộ nông dân. Hiện đã có trên 10.000 ha ký hợp đồng tiêu thụ với Tập đoàn Lộc Trời đã được thu hoạch và giao cho doanh nghiệp này. Tuy nhiên, tính tới ngày 24/4, Tập đoàn Lộc Trời vẫn còn nợ tiền mua lúa của nông dân hơn 200 tỷ đồng.

Nêu lý do thanh toán tiền mua lúa cho nông dân không đúng như cam kết, Tập đoàn Lộc Trời cho rằng: “Do chưa thu xếp kịp dòng tiền từ việc vay vốn của các ngân hàng. Tập đoàn tham gia xuất khẩu với số lượng lớn, tuy nhiên tiền thanh toán của khách hàng quốc tế chậm, dẫn đến nguồn tiền thanh toán cho nông dân bị chậm trễ”.

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cam kết với địa phương sẽ tiếp tục khẩn trương làm việc với các ngân hàng, đối tác để ưu tiên giải ngân tiền nhằm chi trả mua lúa cho nông dân. Cam kết chi trả lãi suất 0,8%/tháng (9,6%/năm) cho nông dân từ ngày 27/4 trở về sau và mỗi tuần sẽ trả một phần; trả dứt điểm đến ngày 20/5.

Trong trường hợp nông dân, hợp tác xã có nguyện vọng muốn trao đổi trực tiếp với Tâp đoàn Lộc Trời sẽ được bố trí nhân viên tiếp tại các nhà máy, trụ sở, văn phòng của Tập đoàn.

Các ngành chức năng tỉnh An Giang đề nghị Tập đoàn Lộc Trời khẩn trương thực hiện đúng các cam kết với nông dân, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất. Ưu tiên thanh toán cho nông dân cần tiền trả nợ ngân hàng, phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Để chuẩn bị tốt việc liên kết sản xuất vụ hè thu 2024 và các vụ tiếp theo, ngành nông nghiệp An Giang sẽ tiếp tục tăng cường theo dõi, đôn đốc lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời chủ động đối thoại với nông dân và cam kết cụ thể thời gian thanh toán nợ gốc và lãi suất như cam kết.

Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cũng đề nghị Tập đoàn Lộc Trời cử nhân viên túc trực thường xuyên tại Sở để tiếp, ghi nhận ý kiến của nông dân, giải trình rõ phương án, lộ trình trả nợ tiền mua lúa mà doanh nghiệp đang còn nợ nông dân.

UBND tỉnh An Giang cũng có văn bản yêu cầu các sở, ngành tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, giải thích cho các hộ nông dân nắm rõ chính sách, phương án trả nợ tiền mua lúa của Lộc Trời. Đồng thời cũng yêu cầu Tập đoàn Lộc Trời phải nghiêm túc, thực hiện đúng cam kết với nông dân có ký kết tiêu thụ sản phẩm với Tập đoàn.

Được biết vào cuối năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời cũng đã ký kết với các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về việc liên kết sản xuất, tiêu thụ 5 triệu tấn lúa hàng hóa trong năm 2024.

Cụ thể, đại diện Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết các văn bản ghi nhớ với đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và các đối tác về việc triển khai liên kết sản xuất trên 300.000ha lúa, tiêu thụ 5 triệu tấn lúa tương đương hơn 2 triệu tấn gạo và phụ phẩm lúa gạo từ năm 2024 và các năm tiếp theo.

Dự kiến, tổng mức đầu tư ứng trước cho nông hộ lúc ban đầu gồm: giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… khoảng 6.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập đoàn Lộc Trời nợ tiền mua lúa của nông dân hơn 200 tỷ đồng