Chuyển động

Chiến sự Nga - Ukraine và thế khó của Nhà Trắng

Ngọc An 12/04/2025 - 08:21

Chưa đầy 48 giờ sau cuộc gặp gỡ với một đặc phái viên do Tổng thống Nga Vladimir Putin cử đến Washington, Steve Witkoff, đặc phái viên của Mỹ phụ trách đàm phán với Nga, đã có buổi họp với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng.

Tại đây, Witkoff đã chuyển tải một thông điệp rõ ràng: Muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine, Mỹ cần ủng hộ kế hoạch công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bốn vùng lãnh thổ miền đông Ukraine mà Moscow từng tuyên bố sáp nhập vào năm 2022.

putin.jpg
Ông Witkoff - Đặc phái viên của Tổng thống Trump gặp Tổng thống Putin ngày 11/4/2025. Ảnh: Reuters

Thông điệp này không mới – Witkoff từng công khai đề cập đến trong buổi phỏng vấn với người dẫn chương trình bảo thủ Tucker Carlson – nhưng nó đi ngược hoàn toàn với lập trường của Kiev và bị nhiều quan chức Mỹ, châu Âu phản ứng.

Trong cuộc họp với Tổng thống Trump, Tướng Keith Kellogg - một đặc phái viên khác về Ukraine - đã phản đối quan điểm của Witkoff.

Ông cho rằng Ukraine có thể chấp nhận đàm phán về một số vùng đất tranh chấp, nhưng chắc chắn sẽ không đồng ý trao toàn quyền kiểm soát các khu vực đó cho Nga. Cuộc họp kết thúc khi mà ông Trump chưa đưa ra quyết định thay đổi chiến lược của Mỹ. Ngay sau đó, Witkoff lên đường sang Nga để gặp Tổng thống Putin.

Chia rẽ trong nội bộ chính quyền Tổng thống Trump

Sự bất đồng giữa Witkoff và Kellogg phản ánh những mâu thuẫn sâu sắc trong chính sách đối ngoại của chính quyền của ông Trump hiện tại.

Trong khi Witkoff nghiêng về phương án thỏa hiệp với Nga, Kellogg lại ủng hộ việc tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine. Theo nhiều nguồn tin từ giới chức Mỹ và các nhà ngoại giao phương Tây, sự chia rẽ này đang khiến tiến trình đàm phán rơi vào bế tắc.

Đáng chú ý, trước cuộc họp tại Nhà Trắng, Witkoff đã phá vỡ quy tắc an ninh thông thường khi mời Kirill Dmitriev – đặc phái viên của Nga, người đang bị Mỹ trừng phạt – đến dùng bữa tối tại nhà riêng. Việc này đã khiến Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ báo động vì lý do an ninh. Cuối cùng, bữa tối được chuyển sang tổ chức tại Nhà Trắng.

Witkoff là bạn thân lâu năm của ông Trump và từng giúp ông đạt được một số thắng lợi ngoại giao đáng chú ý. Tuy nhiên, quan điểm thân Nga của ông đang gây tranh cãi dữ dội trong nội bộ đảng Cộng hòa.

Nhiều nghị sĩ đảng này đã bày tỏ lo ngại sau buổi phỏng vấn của Witkoff với Carlson, đến mức gọi điện trực tiếp cho Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Ngoại trưởng Marco Rubio để phàn nàn.

Kể từ khi nhậm chức đầu năm nay, Tổng thống Trump đã đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm, trong đó có việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Nga và gây áp lực buộc Ukraine phải chấp nhận ngừng bắn.

Tuy nhiên, hai thỏa thuận ngừng bắn từng được đề xuất – một về cơ sở hạ tầng năng lượng và một ở Biển Đen – đều đã rơi vào bế tắc, khiến ông Trump cảm thấy thất vọng.

Witkoff mở rộng ảnh hưởng

Witkoff hiện đang giữ vai trò trung tâm trong chính sách đối ngoại của Trump và đang mở rộng ảnh hưởng. Trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, ông đã góp phần thúc đẩy lệnh ngừng bắn tại Gaza (dù sau đó sụp đổ) và đàm phán đưa công dân Mỹ Marc Fogel trở về từ Nga.

Hiện tại, Witkoff vừa tới Moscow gặp Tổng thống Putin và dự kiến sẽ bay tới Trung Đông để hội đàm với Iran, đảm nhận thêm một trong những hồ sơ an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 21/3 với Carlson, Witkoff công khai đề xuất phương án trao quyền kiểm soát bốn vùng Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson cho Nga, với lý do “đây là khu vực nói tiếng Nga” và “đa số cư dân tại đó muốn được sáp nhập vào Nga qua các cuộc trưng cầu dân ý”.

Phát ngôn này khiến nhiều quan chức an ninh Mỹ sốc nặng, vì nó gần như lặp lại yêu cầu của Moscow. Trong khi đó, các chính phủ phương Tây đều bác bỏ kết quả của các cuộc “trưng cầu dân ý” do Nga tổ chức.

Vài ngày sau, tờ Wall Street Journal đã đăng bài xã luận với tiêu đề: “Steve Witkoff đứng về phía Kremlin”.

Các thành viên đảng Dân chủ cũng không đứng ngoài cuộc. Ông Ned Price – cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống Joe Biden – cho rằng Witkoff và Trump “đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong ngoại giao khi thể hiện rõ sự tuyệt vọng muốn có được một thỏa thuận”.

Dù vậy, Witkoff vẫn có không ít người ủng hộ trong chính quyền, đặc biệt là trong số các chính trị gia Cộng hòa theo đường lối không can thiệp. Theo nhiều nguồn tin, ông và Trump vẫn giữ mối quan hệ cá nhân rất tốt.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz từng lên tiếng bảo vệ Witkoff, ca ngợi ông mang lại tinh thần khẩn trương và kinh nghiệm đàm phán từ khu vực tư nhân, đồng thời cho rằng “chúng ta đã thấy được một số kết quả tích cực chỉ trong vài tuần”.

Đồng minh lo ngại về hướng đi của Mỹ

Tuy nhiên, với các đồng minh của Mỹ, tranh cãi trong nội bộ và sự thiếu tiến triển trong đàm phán khiến họ hoài nghi về chiến lược chấm dứt chiến sự của Washington.

Hai quan chức châu Âu giấu tên, từng tiếp xúc gần đây với chính quyền Trump, tiết lộ rằng họ cảm thấy lo lắng khi thấy Mỹ dường như muốn đạt được thỏa thuận quá nhanh, có thể chấp nhận những điều khoản gây tổn hại không chỉ cho Ukraine mà cả trật tự an ninh châu Âu.

Họ cho biết chưa từng nhận được một kế hoạch cuối cùng rõ ràng từ phía Mỹ. Sự thiếu phối hợp cũng là một vấn đề lớn. Mặc dù Witkoff và Kellogg vẫn liên lạc thường xuyên, nhưng chính quyền Trump vẫn chưa thiết lập một quy trình chính sách thống nhất cho vấn đề Ukraine.

Hội đồng An ninh Quốc gia chỉ mới tổ chức một cuộc họp chính thức có mặt đầy đủ các cố vấn hàng đầu, dẫn đến sự bối rối ngay trong nội bộ lẫn giữa các đồng minh châu Âu.

Hai nhà ngoại giao phương Tây cấp cao cũng xác nhận rằng họ chưa thấy Mỹ có kế hoạch rõ ràng nào về bước tiếp theo, hoặc phương án ứng phó nếu Nga tiếp tục trì hoãn đàm phán.

“Mỗi nơi trong chính quyền Mỹ lại nói một kiểu,” một nhà ngoại giao chia sẻ ẩn danh. “Điều đó càng khiến người ta thấy Mỹ không thực sự có kế hoạch gì cả”.

Theo Reuters, RT
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến sự Nga - Ukraine và thế khó của Nhà Trắng