Kinh tế

Ngành thủy sản Cà Mau chủ động ứng phó tác động việc Mỹ áp mức thuế 46%

Trần An 08/04/2025 - 13:48

Trước tình hình Mỹ công bố mức thuế áp dụng đối với hàng hoá Việt Nam 46%, trong đó bao gồm cả ngành hàng thủy sản; tỉnh Cà Mau đã có sự chủ động rà soát, đánh giá tác động đối với ngành hàng này, đảm bảo không để đứt gãy chuỗi sản xuất, đặc biệt là xuất khẩu tôm.

Ảnh hưởng từ việc Mỹ công bố mức thuế

Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong thời gian qua, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của cả nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang thị trường Hoa Kỳ đạt 76,78 triệu USD (chiếm tỷ trọng 6,07% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh).

Riêng quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh vẫn tăng trưởng tốt (đạt 295 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ); trong đó có 5 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ, kim ngạch đạt 12,86 triệu USD, chiếm tỷ trọng 4,36% kim ngạch xuất khẩu quý I/2025 của tỉnh.

Ngay sau khi Mỹ công bố mức thuế đối với hoàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam không dám chào giá, ký bán, đồng thời dừng xuất hàng hoá theo hợp đồng cho các khách hàng Mỹ; kéo theo giá tôm nguyên liệu ngay lập tức bị giảm mạnh, tôm thẻ chân trắng nuôi thâm canh, siêu thâm canh bị giảm từ 4.000 – 15.000 đồng/kg.

Theo báo cáo của một số doanh nghiệp và ngành chức năng, nguyên nhân bắt đầu từ việc người nuôi tôm nghe ngóng tình hình thuế suất từ Mỹ, lo sợ tôm rớt giá nên nhiều người quyết định thu hoạch; do nhiều người thu hoạch, dẫn đến nguyên liệu vào nhà máy nhiều, doanh nghiệp quá tải trong sản xuất và lưu trữ.

z6484146904327_94bac88890f31bab7f671f65b142d420.jpg
Giá tôm giảm ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân

Để điều tiết lượng hàng nhập vào, doanh nghiệp giảm giá mua, khi doanh nghiệp giảm giá mua thì người dân càng lo lắng và thu hoạch ồ ạt, dẫn đến giá giảm nhanh.

Từ những nguyên nhân và cách xử lý trên, cho thấy nếu không có các biện pháp kịp thời sẽ gây đứt gãy chuỗi ngành hàng tôm của tỉnh, khi đó thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp sẽ rất lớn.

Chủ động đề ra giải pháp không để đứt gãy chuỗi sản xuất

Mặc dù Mỹ đã công bố mức thuế áp dụng đối với hàng hoá Việt Nam 46%, tuy nhiên, qua theo dõi thông tin, trước khi đến ngày có hiệu lực, phía Mỹ vẫn đang đàm phán với các nước có liên quan (trong đó có Việt Nam ) về tỷ lệ áp thuế.

Chính phủ Việt Nam đã và đang rất tích cực đàm phán với phía Mỹ để giảm tỷ lệ áp thuế; mục tiêu của Việt Nam là đưa tỷ lệ mức áp thuế hàng hoá của hai bên về tỷ lệ 0%.

Từ tình hình và các số liệu nêu trên cho thấy, nếu xảy ra tình huống xấu nhất là dừng xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ, thì sản lượng tôm của các doanh nghiệp Cà Mau chịu ảnh hưởng và cần phải tìm thị trường mới khoảng 6%.

UBND tỉnh Cà Mau nhận định, nếu các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm, mở thêm các thị trường mới; đồng thời việc đàm phán giữa chính phủ Việt Nam và Mỹ thay đổi được tỷ lệ áp thuế thấp hơn thì mức độ ảnh hưởng đến sản xuất của ngành tôm là không lớn. Do đó, người dân và doanh nghiệp không nên hốt hoảng và lo lắng không cần thiết.

Để giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực, ổn định sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ cho ngành hàng thủy sản của tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau liên tục cập nhật tình tình, theo dõi sát những diễn biến mới về thuế, các chính sách liên quan để báo cáo kịp thời UBND tỉnh;

z6484146906166_56b8c36f29273a37964243127ed8e362.jpg
Cà Mau quyết tâm ổn định sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ cho ngành hàng thủy sản

Đồng thời, theo dõi, nắm tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, của người dân trong sản xuất để kịp thời xem xét, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp thẩm quyền có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương khẩn trương cung cấp thông tin cập nhật để khuyến cáo tới người dân. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản của tỉnh đảm bảo việc thu mua tôm nguyên liệu cho dân, để ổn định sản xuất; không để tình trạng người dân quá lo lắng do tôm giảm giá, dẫn đến thu hoạch ồ ạt, ngừng sản xuất, gây đứt gãy chuỗi ngành hàng tôm của tỉnh.

Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của đơn vị, kịp thời báo cáo, đề xuất chính quyền, ngành chức năng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để đảm bảo kế hoạch sản xuất, kinh doanh; nâng cao ý thức, trách nhiệm đồng hành với chính quyền địa phương vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay.

Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị truyền thống khác như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Úc... đặc biệt là mở rộng xuất khẩu, quan tâm khai thác tối đa tiềm năng thị trường nội địa.

Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản của tỉnh tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại theo chương trình của Bộ Công thương, của tỉnh, của từng doanh nghiệp để mở rộng thị trường xuất khẩu; đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm để cùng vượt qua khó khăn và tạo được thương hiệu “thủy sản Cà Mau” trên trường quốc tế,...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ có các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong đó đề xuất có gói hỗ trợ doanh nghiệp thu mua tạm trữ nguyên liệu sản xuất (trong trường hợp Mỹ vẫn không thay đổi thuế suất đã công bố).

Trước đó, ngày 5/4/2025, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức cuộc họp khẩn với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của tỉnh để rà soát, đánh giá, dự báo tình hình và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động đối với ngành hàng thủy sản Cà Mau từ việc Mỹ áp dụng mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành thủy sản Cà Mau chủ động ứng phó tác động việc Mỹ áp mức thuế 46%