Tiếp nhận, xử lý thông tin: Trách nhiệm và cái tâm của người cầm bút

Bảo Nam| 18/06/2016 08:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tác động và hậu quả của những thông tin sai lệch trên báo chí là rất lớn. Điều này đặt ra yêu cầu về trách nhiệm và cái tâm của người làm báo khi tiếp nhận và xử lý thông tin.

Cẩn trọng trước những vấn đề nhạy cảm

Hiện nay, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là những vấn đề nóng. Mỗi thông tin về các vấn đề này trên báo chí đều được công chúng đặc biệt quan tâm và cũng trở nên rất nhạy cảm, nhất là trong thời kỳ phát triển, lan tỏa mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội.

Ngày 10/5, trên một số tờ báo có thông tin về hiện tượng cá chết hàng loạt tại huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) gây xôn xao dư luận. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết, toàn huyện có 70 cơ sở nuôi hải sản bằng lồng bè. Tại khu vực Lạch Dù nơi xảy ra hiện tượng cá chết có 55 lồng bè đang hoạt động, nhưng chỉ có 5 lồng bè ở phía gần bờ bị hiện tượng này, còn các lồng bè khác gần đó cá vẫn sinh trưởng bình thường. Hiện tượng cá chết chỉ xảy ra cục bộ ở 5 bè trên phần diện tích mặt biển khoảng 1.000 m2, chứ không phải xảy ra hàng loạt ở Phú Quý.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận khẳng định nguyên nhân cá chết là do hiện tượng tự nhiên. Tại vùng biển Phú Quý, thường có hiện tượng rong rêu, đặc biệt là rêu xanh thường bám vào rạn đá và san hô ở khu vực người dân nuôi thủy sản, khi vào mùa nắng nóng rong rêu bị chết đi sẽ tạo ra một thảm thực vật bị ô nhiễm, đặc biệt sinh khí độc làm ô nhiễm vùng nước trong một thời gian ngắn.

Tiếp nhận, xử lý thông tin: Trách nhiệm và cái tâm của người cầm bút

Nuôi cá bè ở huyện đảo Phú Quý

Tuy nhiên, với thông tin “cá chết hàng loạt”, “cá chết trắng bè” tại Phú Quý trên báo chí, không chỉ 5 cơ sở có cá chết bị thiệt hại, thông tin về cá chết đã làm nhiều chủ lồng bè điêu đứng. Những cơ sở nuôi lồng bè có cá xuất bán đều bị khách hàng từ chối vì e ngại cá bị nhiễm độc.

Thông tin cá chết cũng làm cá biển đánh bắt của ngư dân Phú Quý rớt chỉ còn một nửa giá nhưng không ai mua, nhiều tàu đánh bắt hải sản của ngư dân phải quay về vì không biết bán cho ai.

Một trường hợp điển hình khác cho tác động của thông tin sai lệch trên báo chí là vụ “chổi quét rau” trên VTV. Theo đó, sáng 3/5, VTV3 phát phóng sự “Cây chổi quét rau” trên chương trình Cà phê sáng phản ánh hành vi lừa người tiêu dùng của một số người trồng rau. Phóng sự quay cảnh một người nông dân dùng chổi quét lên ngọn các luống rau xanh, vừa quét vừa nói: "Rau mà non người ta không dám ăn. Nên bây giờ phải quét để giả sâu ăn. Quét xong khoảng 2-3 hôm sau mới thu hoạch cho giống sâu ăn thật". Nhóm phóng viên phỏng vấn thêm nhiều người tiêu dùng về tâm lý thích chọn rau có vết sâu bởi quan niệm rau sâu mới là rau sạch.

Khi chương trình lên sóng, nhiều nông dân ở xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã nổi giận bởi bối cảnh trong phóng sự chính là vùng rau Vĩnh Thành. Họ cho rằng nhóm phóng viên cố tình dàn dựng làm tổn hại hoạt động sản xuất, kinh doanh và uy tín của vùng rau Vĩnh Thành.

Xác định thông tin trên phóng sự là sai phạm, ngày 13/5, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí đối với Đài Truyền hình Việt Nam vì đăng phát thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong phóng sự nói trên.

Cách đây không lâu, một số báo đưa thông tin “thủy ngân bay lơ lửng trong không khí ở Hà Nội”. Thủy ngân là một chất độc có thể gây chết người, vì vậy khi thông tin này được đưa lên báo đã khiến người dân hoang mang.

Tuy nhiên, ngày 26/4, lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, đơn vị không hề đưa ra thông tin về việc quan trắc phát hiện có thủy ngân bay lơ lửng trong không khí Hà Nội. Đồng thời, đại diện Tổng cục Môi trường cũng đã yêu cầu các cơ quan báo chí đăng tải thông tin không đúng, gây hoang mang dư luận phải cải chính và thông tin thêm cho rõ ràng về việc này.

Một lĩnh vực cũng rất nhạy cảm với thông tin báo chí là thị trường chứng khoán (TTCK). Trên thực tế, trong suốt gần 15 năm phát triển của TTCK Việt Nam, các cơ quan báo chí, truyền thông, nhất là các báo chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán là cầu nối giữa cơ quan quản lý với thị trường. Tuy nhiên, có những thời điểm truyền thông, báo chí đã tác động không tốt đến TTCK khi những thông tin từ các cơ quan này chuyển tải không đầy đủ, phiến diện hoặc từ phía truyền thông, báo chí đưa ra cho độc giả, nhà đầu tư không đầy đủ làm cho họ có thể hiểu sai vấn đề. 

Thời gian qua, cũng có một số cá nhân đã lợi dụng truyền thông để đưa ra những thông tin trục lợi, không đúng sự thật tạo ra sự bất ổn cho thị trường (ví dụ thông tin ông A, Tổng Giám đốc của công ty niêm yết lớn trên TTCK bị khởi tố, hoặc sắp bị bắt… hoặc tổ chức niêm yết B sắp mất khả năng thanh toán nợ…) tạo ra hiệu ứng xấu tác động vào doanh nghiệp làm cho tâm lý nhà đầu tư bất ổn và thị trường suy thoái rất nhanh. Cho dù sau đó, cơ quan truyền thông, báo chí có cải chính nhưng dư chấn của những thông tin sai lệch được đăng tải trước đó đã và sẽ còn tiếp tục tác động mạnh đến TTCK mà trực tiếp là ảnh hưởng đến tâm lý và túi tiền của doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Lương tâm và trách nhiệm

Những thông tin sai lệch trên báo chí đến từ các nguyên nhân khác nhau. Trường hợp phản ánh hiện tượng cá chết ở Phú Quý có thể là do phóng viên chưa tìm hiểu kỹ đã vội vã đưa tin. Trường hợp “cây chổi quét rau” thì rõ ràng là sự cố ý đưa thông tin sai lệch khi có sự dàn dựng của phóng viên.

Trường hợp “thủy ngân trong không khí” được xác định là do báo giật tít sai so với thông tin được cung cấp. Về lĩnh vực chứng khoán, những thông tin được các cơ quan truyền thông, báo chí cải chính chủ yếu là thông tin không rõ nguồn gốc, có thể được đưa ra với động cơ cá nhân. Nhưng dù có vì nguyên nhân chủ quan hay khách quan thì hậu quả của những thông tin sai lệch đó là rất lớn. Nó không chỉ gây thiệt hại đến sản xuất của người nông dân, của doanh nghiệp mà còn gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của chính các cơ quan báo chí.

Một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Điều 9 Luật Báo chí là đưa thông tin sai sự thật. Dưới góc độ luật pháp, việc đưa thông tin sai lệch không chỉ dừng lại là việc xử phạt hành chính của cơ quan quản lý báo chí. Cơ quan báo chí đăng tải thông tin sai, ngoài việc cải chính còn có thể phải bồi thường vật chất nếu gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân liên quan.

Điều quan trọng hơn, từ những câu chuyện nêu trên càng đặt ra yêu cầu về trách nhiệm của người làm báo khi tiếp nhận và xử lý thông tin. Để những thông tin khi được đưa lên báo đảm bảo tính xác thực, đòi hỏi phóng viên phải có cái nhìn khách quan, toàn diện và cao hơn, đó là cái tâm của người cầm bút trước mỗi chuyển động của cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp nhận, xử lý thông tin: Trách nhiệm và cái tâm của người cầm bút