Hỗ trợ xuất khẩu lao động huyện nghèo: Cần sửa đổi cơ chế, chính sách

Lan Hương| 23/01/2015 09:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 5 năm thực hiện Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020, số lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài mới đạt 30% so với mục tiêu đề ra.

Chủ trương đúng

Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 24/9/2009 với mục tiêu “Nâng cao chất lượng lao động và tăng số lượng NLĐ ở các huyện nghèo tham gia XKLĐ, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thực hiện giảm nghèo bền vững”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Sau hơn 5 năm thực hiện đề án, đã khẳng định chủ trương đưa lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài là hoàn toàn đúng đắn và khả thi. Lao động các huyện nghèo có thể đến làm việc tại tất cả các thị trường, từ thị trường dễ tính đến thị trường có yêu cầu cao về chất lượng lao động như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hỗ trợ xuất khẩu lao động huyện nghèo: Cần sửa đổi cơ chế, chính sách

Người lao động làm thủ tục đi XKLĐ ở nước ngoài

Lần đầu tiên chúng ta đã đào tạo và đưa được một số lượng lớn lao động là người dân tộc ra nước ngoài làm việc. Cụ thể, đã có 18.500 lao động được tuyển chọn để đào tạo và gần 10.000 lao động đã được đưa đi làm việc tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Ả rập Xê út... trong 95% là người nghèo và người dân tộc. Người lao động các huyện nghèo đi làm việc đều có việc làm và thu nhập ổn định, trung bình khoảng từ 5-7 triệu đồng/tháng. Đến nay, đã có nhiều lao động hoàn thành hợp đồng về nước và đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của gia đình và địa phương, góp phần thay đổi và nâng cao nhận thức của NLĐ, thay đổi cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn lao động tại địa phương.

Nhiều hạn chế, tồn tại

Bộ LĐ-TB&XH cũng thẳng thắn nhìn nhận, số lao động của 62 huyện nghèo được xuất khẩu còn quá thấp so với mục tiêu (đưa 50.000 lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài-bình quân mỗi năm đưa được khoảng 10.000 lao động trong đó, khoảng 90% lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số). Theo đó, mỗi xã chỉ có khoảng 22 lao động đăng ký tham gia đề án, mỗi huyện chỉ có 325 người đăng ký. Số lao động thuộc hộ nghèo được đưa đi làm việc ở nước ngoài trung bình chỉ đạt 161 lao động/người/năm.

Bên cạnh một số doanh nghiệp đã tham gia Đề án, còn nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được ý nghĩa của Đề án, trách nhiệm xã hội còn hạn chế nên chưa tham gia. Một số doanh nghiệp tham gia Đề án cũng chưa ý thức hết được sự khó khăn, phức tạp nên việc tuyển chọn, đào tạo lao động các huyện nghèo chưa được đầu tư và tổ chức thực hiện đúng qui định, qui trình, còn để xảy ra những rủi ro, bất lợi cho NLĐ và ảnh hưởng đến việc triển khai Đề án tại địa phương.

Ngoài những hạn chế về trình độ văn hóa, tay nghề thì những hạn chế về nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, sức khỏe của NLĐ cũng là những rào cản lớn trong quá trình tổ chức thực hiện. Ví dụ như tỉ lệ lao động không đủ sức khỏe vòng sơ tuyển là 33,5%, tỉ lệ lao động không đủ sức khỏe vòng tuyển chính thức để đi làm việc ở nước ngoài là 16,8%.

 Do ảnh hưởng của phong tục tập quán và văn hóa, những lao động là người dân tộc chưa quen và khó chấp nhận cuộc sống xa gia đình, chưa sẵn sàng thích ứng với nhịp sống và làm việc trong khuôn khổ tổ chức, quản lý thời gian chặt chẽ, cường độ là động cao, khẩn trương. Vì vậy, tỉ lệ lao động bỏ về trong thời gian đào tạo khá cao, trung bình 18%, một số địa phương có tỉ lệ lao động bỏ học rất cao như Phú Thọ (59%), Lâm Đồng (44%), Nghệ An (29%).

Cần sửa đổi nội dung Quyết định 71

Theo Bộ LĐ-TB&XH, để nâng cao hiêu quả Đề án này trong thời gian tới, cần hoàn thiện cơ chế chính sách để phù hợp với thực tế triển khai Đề án. Cụ thể là sửa đổi số nội dung trong Quyết định 71 và các văn bản hướng dẫn. Trước mắt, ưu tiên đơn giản hóa qui trình, thủ tục thực hiện hỗ trợ cho NLĐ và doanh nghiệp tham gia Đề án. Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt là việc tuyên truyền về những điển hình thành công của Đề án để nhân rộng tới các huyện nghèo. Lựa chọn và nhân rộng các mô hình tuyển chọn, đào tạo gắn kết giữa địa phương và doanh nghiệp. Bên cạnh đó tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.

Để hỗ trợ NLĐ huyện nghèo đi XKLĐ, giảm nghèo nhanh cũng như dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ 2015 phải xem xét chính sách hỗ trợ cả ba lĩnh vực XKLĐ, dạy nghề và giảm nghèo. Trước mắt, ưu tiên đơn giản hóa qui trình, thủ tục thực hiện hỗ trợ cho NLĐ và doanh nghiệp tham gia Đề án. Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt là việc tuyên truyền về những điển hình thành công của Đề án để nhân rộng tới các huyện nghèo. Bên cạnh đó tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ xuất khẩu lao động huyện nghèo: Cần sửa đổi cơ chế, chính sách