An ninh trật tự

Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đi xuất khẩu lao động

Thành Nhớ-Phúc Khang 12/07/2023 - 16:09

Trong thời gian gần đây, tình trạng người lao động bị các đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra ngày càng nhiều. Người dân có nhu cầu xuất khẩu lao động ở nước ngoài  cần nâng cao cảnh giác để không rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".

Mất tiền vì tin lời bạn

Vì tin lời người bạn, cùng với sự thiếu nắm bắt thông tin, ông Nguyễn Văn Lượm (ngụ tại xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) đã bị lừa mất 720 triệu đồng vì tin rằng đi Hàn Quốc làm thợ xây thu nhập mỗi tháng từ 50 đến 80 triệu đồng.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Lượm, ông và bà Võ Thu Đông (ngụ xã An Trạch, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), có quen nhau hơn 20 năm, tuy nhiên khoảng thời gian dài 2 người không liên lạc.

Đầu năm 2023, ông Lượm gặp lại bà Đông, bà Đông nói cần thợ xây làm tại Hàn Quốc, đây là công ty của em chồng con gái bà. Muốn đi, chỉ cần đăng ký, làm việc 3 tháng sau đó về nước gia hạn 6 tháng tiếp theo, lần 3 được gia hạn 3 năm; lương từ 50-80 triệu đồng/tháng.

Vì muốn kiếm thêm thu nhập, vốn sẵn có tay nghề, ông Lượm huy động thêm 5 người với tổng số tiền 720 triệu đồng nộp cho bà Đông để được đi lao động Hàn Quốc. Ông Lượm nộp tiền xong và chờ đợi nhiều ngày không thấy bà Đông gọi.

“Bà Đông nói chi phí để đi Hàn Quốc phải nộp phí làm thủ tục 50 triệu đồng, 100 triệu đồng tiền thế chân. Theo lịch trình đã định, sau khi tôi chuyển tiền cho bà Đông, ngày 16/4 đến TP.HCM ký giấy làm thủ tục; ngày 18/4 bay đi Hàn Quốc. Sáng 15/4, tôi nhận điện thoại của bà Đông thông báo công trình bên Hàn Quốc xảy ra tai nạn nên dừng lại không đi được bà Đông xin số tài khoản của tôi để trả lại số tiền đã nhận, tuy nhiên từ thời điểm đó đến nay tôi không liên lạc được với bà Đông”, ông Lượm thông tin thêm.

Biết mình bị lừa, ông Lượm đã làm đơn đến Công an tỉnh Bạc Liêu tố giác hành vi lừa đảo của bà Đông với hy vọng lấy lại được số tiền trên.

anh-ong-luom.jpg
Ông Nguyễn Văn Lượm, làm nghề thợ xây là nạn nhân bị lừa mất tiền vì tin lời bạn xin đi lao động tại Hàn Quốc.

Cần nắm rõ chính sách về xuất khẩu lao động

Trao đổi với PV, bà Trần Yến Hòa, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu ( Sở LĐTB&XH) cho biết, trước thực trạng xuất hiện nhiều trường hợp người dân bị lừa xuất khẩu lao động, Sở LĐTB&XH cùng với các Phòng LĐTB&XH các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra lại số lượng các trường hợp trên.

Về chuyên môn, Sở sẽ chỉ đạo trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn chính sách về việc làm nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về quy định, chính sách để người dân tiếp cận thông tin chính ngạch, cũng như hỗ trợ ưu đãi đối với người lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động nước ngoài.

Theo bà Hòa, hiện nay tại Bạc Liêu chỉ duy nhất Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh có liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Ngoài ra, không có bất cứ tổ chức, cá nhân nào đủ điều kiện đưa người đi lao động ngoài nước. Người dân cần có sự chọn lọc thông tin để tránh xảy ra những trường hợp tương tự như đã nêu.

Theo kế hoạch năm 2023, tỉnh Bạc Liêu đưa 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài; số này được phân bổ tương đối đều cho các huyện thị trong toàn tỉnh.

Người lao động thuộc đối tượng ưu tiên 1 sẽ không phải bỏ trước chi phí mà được tỉnh hỗ trợ 13 triệu đồng/lao động để làm chi phí đi lại làm giấy tờ, chi phí đào tạo ban đầu.

Ngoài ra, đối tượng này còn được cho vay 100% chi phí xuất khẩu lao động theo hợp đồng lao động với các công ty. Như vậy, người lao động thuộc nhóm này sẽ không phải tốn về vấn đề chi phí.

Trong thời gian gần đây, tình trạng người lao động bị các đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra ngày càng nhiều không chỉ riêng tại tỉnh Bạc Liêu. Lợi dụng lòng tin, sự quen biết cùng với đó là sự thiếu hiểu biết của người dân, đặc biệt là người dân lao động ở vùng nông thôn, nhiều người đã sập bẫy lừa gạt trên.

Do vậy. công tác tuyên truyền, thông tin cho người dân nắm bắt về chính sách cho người lao động nói chung và người dân có nhu cầu xuất khẩu lao động ở nước ngoài nói riêng của các ngành chức năng có liên quan cần được quan tâm và chú trọng hơn để người lao động không rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".

Nhóm đối tượng được ưu tiên nhận hỗ trợ 

Đối tượng 1 gồm: các lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp theo quy định tại Thông tư liên tịch 09/2016 của Bộ LĐTB&XH và Bộ Tài chính.

Đối tượng 2 được xác định là những người không thuộc đối tượng 1, được hỗ trợ 4 triệu đồng/lao động để làm chi phí khám sức khỏe, visa, bồi dưỡng tiếng nước ngoài, kiến thức lao động cơ bản... Nhóm này còn được hỗ trợ cho vay tín chấp 80% chi phí để đi nước ngoài lao động và tự chịu 20% còn lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đi xuất khẩu lao động