Đánh giá về ngành giáo dục, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) chia sẻ: “Riêng ngành giáo dục, tôi đánh giá rất tệ ở nhiệm kỳ này. Thái độ xử sự của Bộ trưởng sau vụ sửa điểm thi hết sức phản cảm, rồi một số vụ tiêu cực khác trong ngành".
Đại biểu Phong Lan cũng nói thêm: "Trong trả lời chất vấn, Bộ trưởng GD-ĐT không phải là một nhà hùng biện và chưa thuyết phục tôi. Ví dụ như quy định học sinh, sinh viên bán dâm 4 lần, nếu tôi là Bộ trưởng, tôi sẽ không đổ lỗi cho cấp dưới và cũng không thể lý luận rằng các văn bản đã có từ trước, không phù hợp và Bộ đã yêu cầu rà soát, tức là Bộ đã thấy lỗi và yêu cầu rà soát nhưng chỉ do cấp dưới quên và đưa lên dự thảo".
Ảnh minh họa. Ngô Chuyên.
"Ở đây, cái cần đánh giá là năng lực, tư duy và ý thức của bộ phận soạn ra thông tư đó, bởi vì trước đã có thông tư này và ở thời điểm tháng 4/2016, anh Nhạ đã là Bộ trưởng. Ta có thể thấy, thông tư đó vừa vi phạm pháp luật, vừa phản giáo dục, phản văn hóa và là sự xúc phạm cho các sinh viên ngành sư phạm. Tôi là cô giáo và tôi thấy rất bị xúc phạm".
“Bộ trưởng Nhạ phải làm sao để đại biểu hiểu được cảm xúc của anh ấy, đồng cảm với chuyện ấy, chứ không phải loay hoay để tìm cớ để đổ thừa, như vậy suy ra mình không dũng cảm”, đại biểu Phong Lan nói.
Liên quan đến vụ sửa điểm thi, đại biểu Phong Lan khẳng định: “Cũng như vụ sửa điểm thi, anh không thấy đau xót à? Đang có khoảng cách rất lớn giữa vùng núi, học sinh người dân tộc nheo nhóc khổ sở như thế nào, vậy mà đa số những em được nâng điểm là con em cán bộ, điều kiện sống rất dễ dàng bởi chuyện nâng điểm chắc chắn có tiền bạc xen vào”.
“Lúc đó, tôi rất thất vọng khi thấy hàng loạt quan chức địa phương đổ trách nhiệm cho nhau. Sự đổ lỗi đó đang góp phần vào việc phá hoại toàn bộ những gì mà chúng ta đang làm cho sự nghiệp trồng người tốt hơn. Mọi chuẩn mực bỏ hết. Ngày xưa, chúng tôi đi thi, thiếu nửa điểm là thay vì làm thầy thì đi làm thợ. Tôi thật sự đau xót khi các em nghèo khổ không có điều kiện vươn lên khi mà những chỗ đó đã bị chiếm mất rồi”, đại biểu Phong Lan chia sẻ.
Theo đại biểu Phong Lan, nói vậy chứ chuyện nhận lỗi hay đổ lỗi cũng rất khó. Xã hội của chúng ta chuyện đổ lỗi thành như một văn hóa để cho an toàn. Chuyện đầu tiên cứ phải nói lỗi không phải của tôi, rồi từ từ tính sau. Nếu trách hết toàn bộ cho Bộ trưởng thì không được.
“Tôi trách Bộ trưởng Nhạ là vì anh là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, anh là người chịu trách nhiệm cao nhất để đào tạo ra các thầy cô, chịu trách nhiệm về hệ thống giáo dục để đào tạo ra con người sau này”, đại biểu Phong Lan nhấn mạnh.