Vụ phá rừng pơ mu ở Quảng Nam: Không loại trừ phá rừng có tổ chức, thậm chí xuyên quốc gia

Sơn Tùng| 20/07/2016 22:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngay sau cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, cùng lãnh đạo các ban ngành chức năng đã trực tiếp vào hiện trường để kiểm tra, chỉ đạo phương án tiếp tục điều tra, phá án.

Liên quan đến vụ án phá rừng pơ mu ở huyện Nam Giang, ngày 20/7, Đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam do đồng chí Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã đến làm việc với Công an và các ngành chức năng có liên quan của huyện Nam Giang để kiểm tra tiến độ điều tra vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra ở khu vực biên giới thuộc xã La Dêê (huyện Nam Giang).

Báo cáo tóm tắt quá trình điều tra, xác minh vụ việc, Đại tá Lê Quang Vịnh, Trưởng Công an huyện Nam Giang cho biết, từ khi triển khai điều tra vụ án phá rừng pơ mu đến nay, Công an huyện Nam Giang đã tạm giữ 591 phách gỗ pơ mu, 8 bi gỗ pơ mu, 3 phách gỗ dỗi với tổng khối lượng gần 45m3.

Vụ phá rừng pơ mu ở Quảng Nam: Không loại trừ phá rừng có tổ chức, thậm chí xuyên quốc gia

Buổi họp ngày 20/6, giữa lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và các ngành chức năng có liên quan của huyện Nam Giang

Tại buổi làm việc, đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng, vụ phá rừng này nằm trên khu vực biên giới với nước bạn Lào, trong vùng của khẩu nên việc điều tra phá án khá phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều lực lượng tham gia. Do đó, UBND tỉnh cần có cơ chế, hỗ trợ tạo thuận lợi cho lực lượng tham gia phá án dễ tiếp cận, thâm nhập để điều tra phá án sớm.

Đại tá Nguyễn Viết Lợi cũng cho rằng, chuyên môn về lâm sản hơn ai hết, phía Kiểm lâm sẽ nắm rõ và hiểu biết nhất. Do đó, lực lượng Kiểm lâm cần hỗ trợ với Công an trong quá trình điều tra vụ án. Đặc biệt, thực địa và các chứng cứ gỗ pơ mu thu được đến nay cần có sự vào cuộc thẩm định chủng loại, khối lượng, đặc điểm thời gian… để cơ quan kiểm định của Công an thuận lợi hơn, chắc chắn hơn khi điều tra, củng cố chứng cứ, hồ sơ…

Kết luận tại cuộc họp, đồng chí Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định: Đây là vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng. Khu vực rừng bị phá là vùng cấm, nằm trong khu vực biên giới giáp với Lào nên không dễ ai có thể vào được. Thế nhưng, rừng đã bị chặt phá với số lượng khá lớn gỗ pơ mu trong khi tại đây có đầy đủ các cơ quan quản lý và chủ rừng, nhưng các cơ quan quản lý và chủ rừng không hề hay biết. Do đó, có thể khẳng định, nguyên nhân dẫn đến vụ phá rừng nghiêm trọng này không loại trừ sự quản lý lỏng lẻo, thậm chí có nghi vấn có tổ chức, cá nhân tiếp tay cho vụ phá rừng…

Vụ phá rừng pơ mu ở Quảng Nam: Không loại trừ phá rừng có tổ chức, thậm chí xuyên quốc gia

Tính đến thời điểm hiện tại, Công an huyện Nam Giang đã tạm giữ 591 phách gỗ pơ mu, 8 bi gỗ pơ mu, 3 phách gỗ dỗi với tổng khối lượng gần 45m3.

Cũng theo đồng chí Lê Trí Thanh, trước diễn biến phức tạp của vụ phá rừng này, trong đó có việc khu vực rừng bị chặt phá giáp ranh với phía nước bạn Lào; nhiều nơi cất giữ gỗ chặt phá trái phép nằm trên địa bàn 2 nước Việt Nam (huyện Nam Giang) và Lào (huyện Đắk Chưng, tỉnh Sê Kông). Vì thế, UBND tỉnh Quảng Nam đã vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Sê Kông đề nghị phối hợp xử lý vụ phá rừng này; đồng thời giao Sở Ngoại vụ liên hệ với phía bạn để thống nhất chương trình, thời gian, địa điểm, lực lượng để phối hợp xử lý.

Chỉ đạo các ngành có liên quan của tỉnh và huyện Nam Giang vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhận định vụ phá rừng này không loại trừ phá rừng có tổ chức, thậm chí xuyên quốc gia. Vì thế, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các ngành có liên quan của tỉnh như Công an, Kiểm lâm, Biên phòng, Hải quan vào cuộc, hỗ trợ Công an huyện Nam Giang phá án; đồng thời đề nghị xuyên suốt trong thời gian điều tra vụ án, các ngành, đơn vị có liên quan phải quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh là nghiêm túc, khẩn trương; sai tới đâu xử lý tới đó. Thông qua việc điều tra làm rõ và xử lý các đối tượng vi phạm để tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội và người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ phá rừng pơ mu ở Quảng Nam: Không loại trừ phá rừng có tổ chức, thậm chí xuyên quốc gia