Báo Công lý nhận được thông tin phản ánh về trường Trung cấp nghề Thái Nguyên đang đào tạo một số chương trình liên thông ĐH, văn bằng 2 hệ ĐH của một số trường ĐH ngoài tỉnh Thái Nguyên có nhiều dấu hiệu trái quy định.
Theo thông tin trên website, trường Trung cấp nghề Thái Nguyên tiền thân là Trung tâm Dịch vụ việc làm Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên. Tháng 8/2004, Trung tâm được nâng cấp thành trường Dạy nghề số 3. Sau đó, tháng 11/2006 trường được chuyển thành trường Trung cấp nghề Thái Nguyên thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhà trường với nhiệm vụ đào tạo chính quy nguồn nhân lực, đào tạo lại, liên kết đào tạo các ngành, nghề có trình độ chuyên môn và tay nghề ở các cấp độ khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên
Theo đó, gần 10 năm qua, Nhà trường đã đóng góp cho tỉnh nhà và xã hội nhiều lao động có trình độ bậc 3/7 và trung cấp nghề. Đào tạo giáo dục định hướng cho 36.069 lượt người lao động, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động cho các công ty xuất khẩu lao động trên mười nghìn người lao động, ngoài ra để nâng cao tay nghề và trình độ cho người học nhà trường còn liên kết với các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước như Đại học Công đoàn, Đại học Thủy lợi, Đại học Nội vụ Hà Nội, Đại học Vinh, Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật, Cao đẳng Bắc Hà v.v.. để nâng cao trình độ cho người lao động.
Như vậy, ngoài thông tin về nhiệm vụ đào tạo hệ trung cấp nghề, các hệ đào tạo nghề ngắn hạn, trường Trung cấp nghề Thái Nguyên còn công khai các chương trình liên kết đào tạo của mình với hàng loạt các trường ĐH, CĐ trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên.
Tuy nhiên, từ năm 2008, Bộ GD&ĐT có Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT, Quy định về Liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Theo đó, đối tượng áp dụng trong Quy định này là các trường Đại học, Học viện, trường Trung cấp chuyên nghiệp, trường Cao đẳng, trường Đại học trong liên kết đào tạo theo các hình thức giáo dục chính quy và vừa làm vừa học; các Trung tâm giáo dục thường xuyên trong liên kết đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học.
Như vậy, từ năm 2008 các trường nghề nói chung và trường Trung cấp nghề Thái Nguyên nói riêng không thuộc đối tượng được thực hiện liên kết với các trường CĐ, ĐH khác. Nhưng không hiểu tại sao trường Trung cấp nghề Thái Nguyên vẫn quảng cáo và thực hiện các hoạt động đào tạo liên kết trái quy định này.
Theo bạn đọc phản ánh đến báo Công lý, hiện nay trường Trung cấp nghề Thái Nguyên không chỉ dừng lại ở việc đào tạo liên kết ĐH, CĐ mà còn tuyển sinh đào tạo hệ sau đại học với trường ĐH Mỏ - Địa chất, chuyên ngành Quản lý Kinh tế.
Để làm rõ thông tin bạn đọc, PV đến liên hệ trực tiếp tại trường, sau một hồi báo cáo, vị Trưởng phòng Tổ chức hành chính cho biết: “Các lãnh đạo nhà trường đi vắng hết không có ai ở nhà để tiếp các anh chị".
Bà Lê Thị Bích - Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Thái Nguyên
Liên lạc điện thoại với bà Lê Thị Bích, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Thái Nguyên, trao đổi về các lớp liên kết trong trường, bà Bích khẳng định, trong trường có đang đào tạo các lớp chuyên ngành về Luật và Quản lý hành chính nhà nước. Về lớp Luật thì nhà trường có đầy đủ pháp lý, còn lớp Quản lý hành chính nhà nước thì nhà trường cho thuê địa điểm.
Tiếp tục trao đổi về các lớp sau ĐH của trường ĐH Mỏ - Địa chất, bà Bích khẳng định nhà trường không làm gì với trường Mỏ - Địa chất. Lý giải về việc PV đã vào trường, được cán bộ nhà trường tư vấn và bán hồ sơ dự thi sau ĐH của trường Mỏ - Địa chất, bà Bích cho rằng: "Trong trường ai làm sai thì người ấy phải chịu".
Khi PV đề cập về trách nhiệm quản lý của bà Bích, và nếu cán bộ, giáo viên của trường sai phạm như vậy nhà trường xử lý như thế nào, bà Bích nhấn mạnh: “Đó là việc của tôi”, và hẹn PV làm việc vào chiều 26/6/2017.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về buổi làm việc này trong bài viết sau.